Mong ngành giáo dục... bớt rối!

Cập nhật, 08:12, Thứ Bảy, 19/08/2023 (GMT+7)

Giáo dục phổ thông là cái “chân đế”, là nền tảng kiến thức chuẩn bị cho học sinh định hướng tương lai ở các bậc học tiếp theo. Do đó, lẽ ra cái phân khúc này trong việc học tập của học sinh cần phải được ổn định và cần sự đơn giản một cách khoa học, nhưng ngày càng thấy rối rắm ngay từ yếu tố trọng yếu nhất là sách giáo khoa (SGK).

Và trong quá trình thực hiện định hướng xã hội hóa SGK, thì Bộ GD-ĐT đã đánh mất vai trò quản lý, cầm trịch bởi nhiều nguyên nhân, nhưng cái chính yếu vì SGK là “miếng bánh khổng lồ, béo bở”.

Trong khi phụ huynh luôn mong muốn giá SGK giảm xuống và chất lượng giáo dục tăng lên. Nhưng thực tế thì nhiều gia đình khó khăn hẳn phải rất âu lo chi phí cho sách vở học tập của con em mình. Trong khi đó những con số Nhà nước dành dụm, ưu tiên cho giáo dục không hề nhỏ với hơn 213.000 tỷ đồng, chiếm 1,45% tổng chi ngân sách để thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông trong mấy năm qua. Nhưng công tâm mà nói Bộ GD-ĐT chưa thực sự làm an lòng phụ huynh, những ai quan tâm đến giáo dục nước nhà. Cùng với SGK, cần phải xác định rõ phương thức thi cử, đánh giá khoa học, phù hợp; đừng để giáo viên phải bị động và học sinh hoang mang.

Năm 1984 đã xuất hiện từ “cải cách” trong giáo dục phổ thông, đó chỉ là cải cách một phần chương trình lớp 4 bậc tiểu học. Nhưng đó là thời SGK vẫn còn được thư viện nhà trường “cho mượn”, học sinh không phải tốn tiền SGK và giáo viên cũng không phải đi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho những bộ sách thay đổi liên tục như bây giờ và phải lo chuyện thi cử cho học sinh như thế nào khi có nhiều bộ SGK cùng thi chung 1 đề. Cho tới nay, không biết có ai đã thống kê ngành giáo dục có bao nhiêu lần “cải cách”, “cải tiến”, “đổi mới” chương trình giáo dục phổ thông và cả những thay đổi nội dung SGK. Mà hình như càng đổi càng rối.

Rất nhiều nội dung, những thắc mắc chưa có lời đáp, thì lần đầu tiên cử tri cả nước đã được nhìn thấy bức tranh tổng thể quá trình thực hiện đổi mới chương trình, SGK trong những năm qua, từ buổi phát hình trực tiếp phiên giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Điều đặc biệt, là đoàn giám sát không chỉ có văn bản mà thực hiện nhiều clip “người thật, việc thật”, ý kiến của những người trong cuộc và những cuộc tranh luận trực tiếp, trái chiều nhau. Đó là cách làm công khai, minh bạch, khoa học và đạt hiệu quả tối ưu hơn là chỉ bằng những văn bản báo cáo.

Qua đó, cử tri cả nước thấy được có quá nhiều sai sót từ những bộ SGK. Và vấn đề nổi cộm chính là dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ giao Bộ GD-ĐT chuẩn bị một bộ SGK của Nhà nước, nghiên cứu cơ chế miễn phí bản quyền cho mọi đối tượng để giảm giá thành sách trong khi các khâu in ấn, phát hành vẫn theo phương thức xã hội hóa. Trong khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì tha thiết nội dung ngược lại.

Mong sao ngành giáo dục bớt rối!

NGỌC TRẢNG