Huyện Tam Bình: Tập trung cả hệ thống chính trị quyết tâm tạo đột phá cho nông nghiệp Tam Bình

Cập nhật, 07:42, Thứ Năm, 26/01/2023 (GMT+7)
Đồng chí Trần Xuân Thiện - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tam Bình
Đồng chí Trần Xuân Thiện - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tam Bình

(VLO) Định hướng đi cho nông nghiệp Tam Bình, ông Trần Xuân Thiện - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tam Bình, cho biết: “Thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy, về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2030, BCH Đảng bộ huyện Tam Bình xây dựng Nghị quyết 10 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2030.

Đây là kim chỉ nam hành động và là cơ sở vững chắc để tin tưởng huyện Tam Bình sẽ tạo những bước đi đột phá cho nông nghiệp. Đặc biệt, tạo thế mạnh mũi nhọn cho những vùng đặc sản địa phương”.

Quyết tâm chính trị cao sẽ đạt thành công lớn!

Thời gian qua, Tam Bình đã thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp mang lại nhiều kết quả tích cực. Nhiều tiến bộ kỹ thuật được áp dụng như quy trình canh tác theo tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn GAP, sản xuất theo hướng hữu cơ, sản xuất thủy canh; canh tác trong điều kiện nhà lưới; sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun; xuất hiện các trang trại chăn nuôi sử dụng công nghệ chuồng lạnh, tự động hóa khâu chăm sóc và nuôi dưỡng, ứng dụng các chế phẩm sinh học, công trình khí sinh học; sử dụng hệ thống giám sát và cảnh báo chất lượng nguồn nước trong nuôi trồng thủy sản...

Qua đó góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp không ngừng cải thiện, hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, việc đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp hầu hết chỉ ở mức các mô hình trình diễn, quy mô nông hộ và tỷ lệ ứng dụng đại trà còn hạn chế; việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất chưa gắn với xây dựng chuỗi liên kết, thiếu doanh nghiệp tham gia.

Tư duy về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng hiệu quả, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh còn chưa được chú trọng đúng mức...

Bí thư Huyện ủy Tam Bình Trần Xuân Thiện đã chỉ ra nguyên nhân: “Nhận thức về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa đầy đủ; sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ; sản xuất chủ yếu dựa vào truyền thống, kinh nghiệm; vốn đầu tư của xã hội và vốn đầu tư của Nhà nước vào sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất hiện đại.

Điểm xuất phát của người dân, doanh nghiệp còn thấp, khả năng đáp ứng của các nguồn lực còn hạn chế; tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu sản xuất theo hướng tạo ra sản phẩm chạy theo lợi nhuận trước mắt, theo số lượng là chính; chưa liên kết chặt chẽ với thị trường, chất lượng sản phẩm thấp.

Công tác thông tin, phổ biến kỹ thuật về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, các quy định của các thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chưa được xem trọng. Cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao chưa đủ sức hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư”.

Do đó, Nghị quyết 10 của BCH Đảng bộ Tam Bình có nêu rõ quan điểm: “Phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng huyện Tam Bình thành địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp.

Chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, đa dạng, theo yêu cầu của thị trường; từ phát triển theo số lượng sang chất lượng để có hiệu quả cao hơn; tập trung cho ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ kỹ thuật số; vận dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0”.

Tam Bình ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, phát triển nền nông nghiệp xanh, hiện đại và bền vững. Trong ảnh: Nông dân ứng dụng cơ giới hiện đại vào tưới tiêu cho vùng cam sành.
Tam Bình ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, phát triển nền nông nghiệp xanh, hiện đại và bền vững. Trong ảnh: Nông dân ứng dụng cơ giới hiện đại vào tưới tiêu cho vùng cam sành.

Huyện xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả, tạo đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Theo đó, tiếp thu, áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp có chọn lọc phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, điều kiện sản xuất của huyện; áp dụng từng bước trên một số vùng, một số loại cây, con và vào một số khâu quan trọng, theo hướng xã hội hóa và tránh đầu tư dàn trải.

“Huyện có quyết tâm chính trị cao bằng Nghị quyết 10 của BCH Đảng bộ. Do đó, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể trong xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện.

Xác định xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch là nhiệm vụ trọng tâm, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân địa phương. Khi đã có quyết tâm chính trị cao, sẽ đạt được những thành công lớn!”- Bí thư Huyện ủy Tam Bình Trần Xuân Thiện, khẳng định.

Chương trình hành động và những bước đi cụ thể

Theo Bí thư Huyện ủy Tam Bình: Để nghị quyết thực sự thấm sâu, lan tỏa vào đời sống, Tam Bình đã thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đổi mới phương thức xúc tiến mời gọi đầu tư theo hướng tập trung, hiệu quả gắn với nhà đầu tư có năng lực.

Tăng cường cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng nhằm thu hút đầu tư, bao gồm đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất tập thể, hợp tác xã nông nghiệp, liên kết sản xuất để hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Ưu tiên hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực nông nghiệp cải tiến công nghệ, phát triển nhân sự để khai thác tiến bộ công nghệ, nâng cao năng lực quản trị.

Lồng ghép hỗ trợ đầu tư máy móc, trang thiết bị, chuyển giao quy trình, phương thức sản xuất, bảo quản, sơ chế nông sản tiên tiến trong triển khai “Chương trình mỗi xã một sản phẩm”, “Chương trình khởi nghiệp” nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, khả năng cạnh tranh sản phẩm của các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp có tiềm năng.

Hỗ trợ xây dựng và phát triển các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao; khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi cung ứng; xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ứng dụng công nghệ cao trong việc sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu phụ phẩm nông nghiệp để gia tăng giá trị.

Củng cố quy mô vùng chuyên canh đã được hình thành, đẩy mạnh thực hiện việc cấp mã số vùng sản xuất, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc,… Từng bước nâng cấp, đổi mới, mở rộng các khâu, các loại hình ứng dụng công nghệ cao đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Chủ động phối hợp với các viện, trường, cơ sở nghiên cứu để chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến, quy trình sản xuất và các loại giống mới có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Trong đó có ưu tiên cho ứng dụng cơ giới hóa, hiện đại hóa vào sản xuất và phát triển giống cây trồng, vật nuôi có lợi thế, tiềm năng.

Bí thư Huyện ủy Tam Bình Trần Xuân Thiện, khẳng định: “Khi chúng ta có quyết tâm chính trị cao, có chương trình hành động cụ thể đưa Nghị quyết 10 đi vào cuộc sống, Tam Bình sẽ tạo nên bước chuyển mình mang tính đột phá cho nông nghiệp trong tương lai không xa.

Đó cũng là ý Đảng, lòng dân không ngừng phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội người dân tương xứng với tầm mức tiềm năng, nội lực của địa phương”.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG