Năm 2022, Vĩnh Long thực hiện đạt, vượt 20/21 chỉ tiêu chủ yếu - cao nhất từ năm 2019 đến nay

Cập nhật, 10:58, Thứ Hai, 12/12/2022 (GMT+7)

 

Sáng 12/12, kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa X đã nghe báo cáo của UBND tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, nhiệm vụ năm 2023. Dấu ấn nổi bật đó là Vĩnh Long thực hiện đạt và vượt 20/21 chỉ tiêu chủ yếu - cao nhất từ năm 2019 đến nay.

Ông Nguyễn Văn Liệt- Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, nhiệm vụ năm 2023.
Ông Nguyễn Văn Liệt- Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, nhiệm vụ năm 2023.

 

Với sự quyết liệt, tập trung trong công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân trên địa bàn tỉnh, đã thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh phục hồi và phát triển. Ước đến cuối năm 2022, có 20/21 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó có 11 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2022 ước đạt 40.039,87 tỷ đồng, tăng 11,28% so với cùng kỳ. Trong đó, ước giá trị tăng thêm các khu vực: nông - lâm - thủy sản đạt 14.140,64 tỷ đồng, tăng 2,01%; công nghiệp và xây dựng đạt 7.353,44  tỷ đồng, tăng 23,34%; dịch vụ đạt 16.377 tỷ đồng, tăng 15,82%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản (khu vực I) là 36,72%; ngành công nghiệp và xây dựng (khu vực II) là 17,51%; các ngành dịch vụ (khu vực III) là 40,51%.

Ước tổng thu ngân sách trên địa bàn 6.707 tỷ đồng, đạt 103,14% dự toán; trong đó, thu nội địa 5.307 tỷ đồng, đạt 108,24% dự toán.

Tổng số vốn đầu tư công là 4.879,631 tỷ đồng; ước giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt 95% kế hoạch.

 Nhiều hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư được triển khai; các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương đã tiếp xúc và làm việc với 40 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư, trong đó có 24 lượt nhà đầu tư nước ngoài (Thụy Sĩ, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ,...). Tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 11 dự án với tổng số vốn đăng ký tương đương 9.404,7 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn cả năm ước đạt 16.218 tỷ đồng, đạt 102,65% kế hoạch và tăng 10,52% so với năm trước.

Hoạt động xuất nhập khẩu có bước phục hồi đáng kể sau thời gian dài chịu tác động bởi dịch COVID-19. Ước tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 793 triệu USD, đạt 125,87% kế hoạch và tăng 37,91% so với năm 2021

Trong 10 tháng năm 2022, tỉnh công nhận thêm 4 xã: Tân An Thạnh, Thành Lợi, Phú Thịnh, Quới Thiện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và 1 huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (huyện Bình Tân). Đến cuối năm, toàn tỉnh có 67/87 xã đạt chuẩn xã NTM, trong đó có 21 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao; 2 đơn vị cấp huyện (TX Bình Minh, huyện Bình Tân) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. 

Chiều 16/11, UBND tỉnh tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Bình Tân đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 - 2020.
Chiều 16/11, UBND tỉnh tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Bình Tân đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 - 2020.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có sự chuyển biến tích cực. Công tác văn hóa, thể thao và du lịch được tập trung chú trọng cả về quy mô, hình thức, chất lượng. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân từng bước được nâng cao.

Công tác lao động, việc làm, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa và thực hiện chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt.

Công tác cải cách, đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tiếp tục được thực hiện nghiêm túc. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được quan tâm và đạt kết quả tích cực; đã giải quyết 101/101 đơn khiếu nại, đạt tỷ lệ 100%. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

 Năm 2023, mục tiêu tổng quát đặt ra là phát triển kinh tế bền vững, tạo nền tảng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế; bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ và phát triển các thành phần kinh tế. Kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh.

Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giữ ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường; chủ động thích ứng biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Đẩy mạnh, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, mục tiêu chủ yếu là các cấp, các ngành cùng nỗ lực, vượt khó khăn, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo các nghị quyết, quy định của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và 5 năm 2021 - 2025; các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2023; bảo đảm an sinh, ổn định xã hội.  Về kinh tế, phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 8%; GRDP bình quân đầu người 77,2 triệu đồng/người; tổng kim ngạch xuất khẩu 750 triệu USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 17.500 tỷ đồng.

Về văn hóa - xã hội, tỷ lệ bác sĩ và giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 10 bác sĩ và 31,5 giường (không tính trạm y tế); tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,41%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ đạt 21,67%; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,2% dân số; số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng thêm là 5 xã. Về môi trường, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung khu vực đô thị đạt 99,2%,  khu vực nông thôn đạt 95%.

Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị đạt 95%, khu vực nông thôn đạt 82%. Tỷ lệ chất thải, nước thải y tế được thu gom và xử lý đạt 100%. Tỷ lệ khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn đạt 100%.

NHÓM PHÓNG VIÊN