Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Tây Bắc (1952 - 2022)

Chiến thắng Tây Bắc năm 1952 - Bước trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Cập nhật, 07:38, Chủ Nhật, 11/12/2022 (GMT+7)

 

Sau Chiến thắng Biên giới Thu - Đông năm 1950, nhằm tiếp tục phát triển thế tiến công chiến lược, ta chủ trương mở liên tiếp các chiến dịch trong Xuân - Hè năm 1951, tiến công địch ở trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.

Các đơn vị tham gia chiến dịch nghiên cứu vị trí địch trên sa bàn trước khi bước vào Chiến dịch Tây Bắc.  Ảnh tư liệu
Các đơn vị tham gia chiến dịch nghiên cứu vị trí địch trên sa bàn trước khi bước vào Chiến dịch Tây Bắc. Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, cả 3 chiến dịch (Hoàng Hoa Thám, Trần Hưng Đạo, Quang Trung) đều không đạt được mục đích về mặt chiến lược, lại bị tổn thất về lực lượng. Chỉ đến khi Chiến dịch Hòa Bình giành thắng lợi đã chứng tỏ địa bàn rừng núi là nơi quân đội và nhân dân ta phát huy được ưu thế, hạn chế được thế mạnh về hỏa lực và khả năng cơ động nhanh của địch.

Từ thực tế đó, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 3, khóa II (tháng 4/1952), Trung ương Đảng đã nhận định, trong tương quan địch còn mạnh hơn ta về trang bị kỹ thuật và tổng quân số, ta nắm quyền chủ động, nhưng chưa đủ ưu thế áp đảo.

Vì vậy, việc chọn hướng mở chiến dịch phải phù hợp với thế và lực của ta, cần tránh chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu, khoét sâu nhược điểm của địch, làm chúng suy yếu dần, ta trưởng thành từng bước, giành thắng lợi từng phần, tạo ra chuyển biến so sánh lực lượng có lợi cho ta, tiến lên những trận quyết chiến chiến lược, giành thắng lợi quyết định.

Trên cơ sở phân tích và so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường, căn cứ vào đề nghị của Bộ Tổng Tham mưu và Tổng Quân ủy, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc nhằm tiêu diệt sinh lực địch, tranh thủ nhân dân, giải phóng một bộ phận đất đai có tính chất quan trọng về chiến lược.

Đó là một quyết định đúng đắn, phù hợp với thế, lực và sự phát triển của ta trong giai đoạn giữ vững và phát huy thế chủ động chiến lược. Sau gần 2 tháng (từ ngày 14/10 - 10/12/1952), Chiến dịch Tây Bắc kết thúc thắng lợi, ta loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn ở địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng; từng bước mở rộng và giữ vững quyền chủ động về chiến lược, đánh dấu bước phát triển, trưởng thành mới của Quân đội ta, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. 

Chiến thắng Tây Bắc năm 1952 đã đi vào lịch sử, khẳng định sự trưởng thành vượt bậc trên nhiều phương diện của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng trên những nội dung cơ bản sau: 

Một là, Chiến dịch Tây Bắc khẳng định sự phát triển không ngừng về công tác giáo dục chính trị tư tưởng, trình độ tổ chức huấn luyện quân sự và bản lĩnh chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam.

Hai là, Chiến dịch Tây Bắc đánh dấu bước trưởng thành về chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch, chiến thuật của QĐND Việt Nam.

Ba là, Chiến dịch Tây Bắc thể hiện bước tiến quan trọng về sự phối hợp tác chiến giữa bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương. 

Bốn là, Chiến thắng Tây Bắc khẳng định QĐND Việt Nam đủ khả năng bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho chiến dịch quy mô lớn, đánh địch dài ngày ở chiến trường rừng núi, xa hậu phương.

Phát huy bước trưởng thành của Quân đội ta trong Chiến dịch Tây Bắc, trong xây dựng quân đội hiện nay, toàn quân cần thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17/1/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) “Về tổ chức Quân đội giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo”; Nghị quyết số 230-NQ/QUTW ngày 2/4/2022 của Quân ủy Trung ương “Về lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo”;

Kế hoạch số 1228/KH-BQP ngày 25/4/2022 của Bộ Quốc phòng về “Thực hiện Nghị quyết của Quân ủy Trung ương về tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo”; triển khai mạnh mẽ “Đề án tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo”;

kịp thời điều chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh; cơ cấu đồng bộ, hợp lý giữa các thành phần, lực lượng; giảm đầu mối trung gian và đơn vị bảo đảm, phục vụ; tiếp tục tổ chức một số đơn vị dự bị chiến lược theo quyết tâm bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, có số lượng phù hợp, chất lượng ngày càng cao. 

Thứ hai, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng cho bộ đội, thực hiện có chất lượng Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, nhằm thống nhất về nhận thức và hành động, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng huấn luyện theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, bảo đảm sát thực tế chiến đấu; đồng thời, tăng cường huấn luyện cho bộ đội làm chủ vũ khí, trang bị mới, hiện đại; thành thạo các hình thức chiến đấu, sát với phương án tác chiến, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; coi trọng huấn luyện bộ đội giỏi tác chiến độc lập cũng như tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết...

Thứ ba, coi trọng phát triển công nghiệp quốc phòng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.

Trước mắt chú trọng hiện đại hóa vũ khí trang bị cho một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại như phòng không - không quân, hải quân, cảnh sát biển, tác chiến điện tử, thông tin liên lạc, trinh sát kỹ thuật... Tích cực nghiên cứu, sửa chữa, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật; đồng thời, mua sắm, hợp tác, chuyển giao công nghệ và phát triển các loại vũ khí mới, hiện đại.

Thứ tư, thường xuyên bảo đảm tốt công tác hậu cần, kỹ thuật, đẩy mạnh thực hiện các phong trào “Ngành hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” và cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới.

Thứ năm, mở rộng hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng với các nước theo quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước ta. Trong đó, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các nước trên thế giới đối với sự nghiệp xây dựng quân đội tiến lên chính quy, hiện đại.

Thứ sáu, đẩy mạnh nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, cụ thể hóa Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược Quân sự, Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược biển Việt Nam... bảo đảm cho quân đội có đủ sức mạnh, làm nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm”, “từ xa”, giữ nước từ khi nước chưa nguy.

           Sơ đồ Chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Ảnh do Viện Lịch sử Quân sự cung cấp
Sơ đồ Chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Ảnh do Viện Lịch sử Quân sự cung cấp

Chiến thắng Tây Bắc năm 1952 đến nay vừa tròn 70 năm, nhưng giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm về những bước phát triển trưởng thành của QĐND Việt Nam trong Chiến dịch Tây Bắc vẫn còn nguyên giá trị. Những kinh nghiệm xây dựng quân đội trong Chiến dịch Tây Bắc cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Thượng tướng, TS LÊ HUY VỊNH - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

PN (lược trích từ QĐND)