Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm việc với tỉnh Vĩnh Long

Cập nhật, 17:35, Thứ Tư, 30/08/2017 (GMT+7)

 

Ngày 30/8/2017, đoàn công tác của Quốc hội do ông Phùng Quốc Hiển- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu đến làm việc với tỉnh Vĩnh Long về tình hình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Theo báo cáo, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm tăng 4,27%, trong đó ngành nông nghiệp- thủy sản không đạt kế hoạch đề ra do 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm (-0,57%).

Ngoài ra, chỉ số toàn ngành công nghiệp 8 tháng đầu năm tăng 9,14%; lĩnh vực thương mại, du lịch, tài chính ngân hàng  phát triển ổn định, trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 281 triệu USD, tăng 17,72%...

Trong những tháng còn lại của năm 2017, tỉnh tập trung thực các chỉ tiêu chủ yếu dự kiến GRDP ước cả năm 2017 tăng 5,17% (kế hoạch là 7%); kim ngạch xuất khẩu đạt 380 triệu USD, tăng 6,15%; thu ngân sách nhà nước ước đạt 6.116 tỷ đồng, tăng 10,09%...

Khó khăn hiện nay của tỉnh là tỉnh đặc thù nông nghiệp nhưng thời gian qua ngành gặp bất lợi về thời tiết và còn ảnh hưởng từ hạn, mặn của năm 2016; mô hình hay cho nông nghiệp và đầu ra cho nông sản vẫn còn khó khăn; nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế- xã hội, thực hiện cơ cấu lại kinh tế, cơ cấu ngành, khắc phục và thích ứng với biến đổi khí hậu… cần nguồn kinh phí lớn nhưng ngân sách địa phương không có khả năng cân đối.

Dịp này tỉnh kiến nghị, xem xét ban hành chính sách quy định về tạo quỹ đất cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh; đề nghị Trung ương có kế hoạch đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ đi qua trên địa bàn tỉnh (QL1, 53, 54); hỗ trợ tỉnh kinh phí khắc phục thiên tai, sạt lở bờ sông; thực hiện một số dự án trọng điểm như đường Võ Văn Kiệt, cầu Cái Cam 2, dự án Trung tâm hội nghị và nhà khách…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý, tỉnh cần khẩn trương điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể đến năm 2020 tầm nhìn 2030 để phù hợp với xu thế thời đại.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay dự báo sẽ có nhiều khó khăn, tỉnh phải có sự chuẩn bị cơ cấu lại nền kinh tế với xu thế sống chung với xâm nhập mặn; chuyển đổi mô hình cây trồng vật nuôi theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; xây dựng được thương hiệu nông sản thế mạnh của tỉnh; xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo cần chú ý đi vào chiều sâu, tổ chức lại sản xuất và nâng cao thu nhập của nhân dân.

Phát triển công nghiệp nên hướng tới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; không chỉ dừng ở hình thức sơ chế, phải hướng tới việc tinh chế; cần có sự liên kết vùng để cùng nhau phát triển.

Tin, ảnh: THANH TÂM