Phải thay đổi để thích ứng hạn mặn

Cập nhật, 14:08, Thứ Tư, 18/05/2016 (GMT+7)

“Kịch bản” xâm nhập mặn tuy “mới khởi động” nhưng đến nay ước đã gây thiệt hại rất lớn. Và mức thiệt hại này, dự báo chưa dừng lại khi tới đây thời tiết được dự báo còn “rất cực đoan”.

Mang Thít lần đầu bị nước mặn xâm nhập làm nhiều nông dân bất ngờ.
Mang Thít lần đầu bị nước mặn xâm nhập làm nhiều nông dân bất ngờ.

Bên cạnh giải pháp tình thế, tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu về khô hạn và xâm nhập mặn ở Vĩnh Long” do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, UBND huyện Vũng Liêm tổ chức mới đây, nhiều địa phương kiến nghị phải có ngay kế hoạch dài hạn bảo đảm nguồn nước và sinh kế cho người dân.

Mặn bất ngờ

Ông Liêu Cẩm Hiền- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết, ước tổng thiệt hại từ đầu năm đến nay do hạn mặn đã lên tới 123,5 tỷ đồng. Trong đó, Vũng Liêm thiệt hại nặng nhất gần 120 tỷ, Mang Thít hơn 2 tỷ và Trà Ôn gần 1 tỷ đồng.

Diện tích lúa, hoa màu khô hạn là hơn 1.700ha và nhiễm mặn hơn 20.000ha. “Tuy nhiên đây chưa phải là con số cuối cùng, hiện các địa phương đang rà soát thống kê thiệt hại, một số cây trồng chưa phát sinh tức thời mà còn kéo dài sau đó.”- ông Liêu Cẩm Hiền cho biết thêm.

Ông Hồ Công Nguyên- Phó Chủ tịch UBND Vũng Liêm cho biết: “Độ mặn năm nay cao nhất trong lịch sử xuất hiện tại Vũng Liêm. Mấy năm trước cao nhất cũng chỉ 1- 3‰ nhưng năm nay, cụ thể là ngày 8/2 độ mặn đo được tại cống Nàng Âm xã Trung Thành Đông là 9,6‰, còn tại vàm Vũng Liêm 8,8‰, rất đáng lo ngại”.

Hiện Vũng Liêm còn khoảng 1.000ha lúa Hè Thu tại 2 xã Trung Nghĩa, Trung Ngãi chưa thể xuống giống phải chờ mưa, nhưng lo ngại nhất là 20.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Để khắc phục, huyện sẽ mở rộng nhà máy nước Vũng Liêm, nâng cấp, mở rộng các trạm cấp nước sinh hoạt phục vụ người dân.

Trong 12.000ha lúa Đông Xuân 2015- 2016 đã thu hoạch xong, năng suất giảm từ 15- 50% so năm trước, vì vậy theo ông Hồ Công Nguyên “các giải pháp mà chúng tôi tính toán hiện nay không thể giải quyết được trong vụ này vì thiệt hại hết rồi nên tính là tính cho sắp tới”.

Ông Ôn Thanh Ngân- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT Trà Ôn- cũng cho biết, thiệt hại nặng nhất đợt hạn, mặn vừa qua là trên cây lúa. Qua xác minh để hỗ trợ, có 6 xã: Tích Thiện, Thiện Mỹ, Vĩnh Xuân, Thuận Thới, Hựu Thành, Tân Mỹ có diện tích thiệt hại từ 30- 70% với khoảng 460ha.

Thời điểm độ mặn lên tới 5‰, 2 trạm cấp nước sạch trên địa bàn buộc phải cấp nước lợ cho dân sử dụng tạm.

Phải bình tĩnh

Theo ông Nguyễn Trọng Danh- Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, hạn, mặn năm nay diễn ra nằm trong quy luật tự nhiên và đã được dự báo trước, vì vậy cần hết sức bình tĩnh ứng phó, không nên đương đầu mà cần phải thích nghi, biến thiên tai thành lợi thế mới cho nền sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa.

Về giải pháp, ông đề xuất: “Cần xác định vấn đề ưu tiên thực hiện như nước sinh hoạt cho người dân cực kỳ quan trọng phải xếp ưu tiên giải quyết số một, kế đến nước cho gia súc, gia cầm, nước tưới cho vườn cây ăn trái, rau màu và lúa”.

Ngoài ra, tùy địa phương hoặc từng hộ gia đình có thể tận dụng ao, hồ quanh nhà trữ nước ngọt sử dụng.

“Làm đê bao cống đập rất tốn kém nhưng xem ra rất cần thiết hiện nay, nhất là các đập ngăn mặn các cửa sông lớn, khẩn trương quy hoạch cây trồng phù hợp hạn, mặn, giảm diện tích lúa để “né” nước mặn”- ông Nguyễn Trọng Danh nêu giải pháp lâu dài để ứng phó.

Ông Hồ Công Nguyên cho rằng, “cần giải pháp công trình” lâu dài, cụ thể cần rà soát đê bao tăng cao trình cũng như xây đê bao mới, nhất là ưu tiên cống hở ở các cửa sông để giữ ngọt, tháo mặn được dễ dàng.

Giải pháp cho địa phương, ông cho biết, nếu tình hình hạn, mặn càng khắc nghiệt sẽ bố trí sản xuất 2 vụ lúa thay vì 3 vụ như hiện nay; chuyển một số khu vực trồng lúa sang màu để hạn chế nước tưới.

Thống nhất cao phương án các địa phương đưa ra, ông Trương Quang Phú- Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh cho biết, vừa mới đi Bến Tre thấy người dân dùng một số vật ngăn nước thấm qua đất trải xuống ao, mương hay sử dụng cả túi biogas để giữ nước ngọt rất hay, người dân ở Vĩnh Long cũng có thể học tập làm như vậy để có nước sinh hoạt lâu dài.

Ông cũng cho rằng, bài toán ứng phó hạn, mặn là khó khăn, do đó các địa phương cần có giải pháp phi công trình là tuyên truyền, để thay đổi nhận thức người dân, làm cho người dân thấy được tác hại của hạn, mặn để cùng chung tay ứng phó.

Theo một số địa phương, do mặn xâm nhập quá bất ngờ nên sau khi có thông tin của ngành chuyên môn thì nước mặn đã len lỏi vào hệ thống kinh, mương nội đồng. Một số trường hợp vì không hay biết đã lấy phải nước mặn để tưới hoặc phun xịt cho ruộng lúa, vườn cây, nên bị thiệt hại. Cụ thể tại 2 xã Thanh Bình, Quới Thiện (Vũng Liêm), ước tính có khoảng 50% diện tích cây ăn trái, chủ yếu sầu riêng chết và giảm năng suất, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

 

Bài, ảnh: HOÀNG MINH