Giải pháp nào để đối phó với hạn, mặn xâm nhập?

Cập nhật, 20:43, Thứ Năm, 12/05/2016 (GMT+7)

Đến thời điểm này, hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL đã qua thời kỳ đỉnh điểm, nhưng hậu quả của nó để lại là hết sức nặng nề. Vấn đề đặt ra là ngành chuyên môn và các cấp chính quyền trong tỉnh sẽ đối phó với thiên tai này như thế nào trong năm tới hay nhiều năm nữa?

Vùng có xâm nhập mặn cần có những hồ chứa nước ngọt quy mô lớn phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Ảnh: LÊ HIẾU
Vùng có xâm nhập mặn cần có những hồ chứa nước ngọt quy mô lớn phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Ảnh: LÊ HIẾU

Nên rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch chuyên ngành có sử dụng nhiều nước

Trong 2 năm gần đây, các quy hoạch chuyên ngành của tỉnh có liên quan đến sử dụng nguồn nước đã được lập, được phê duyệt và triển khai thực hiện. Đa số các quy hoạch đều có lồng ghép các nhiệm vụ, đề xuất những chương trình, dự án ưu tiên để ứng phó với biến đổi khí hậu- nước biển dâng, hạn, mặn…

Trong đó đáng kể nhất là các quy hoạch trên các lĩnh vực tài nguyên nước, nông nghiệp, thủy sản, thủy lợi và nước sạch nông thôn.

Tuy nhiên, hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử trong những tháng đầu năm 2016 đã kiểm chứng lại khả năng thích ứng của các mô hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản, cũng như tính khả thi, tính cấp thiết và tính hiệu quả của các chương trình/dự án theo quy hoạch đã, đang và sẽ triển khai thực hiện.

Trong tương lai, nếu tiếp tục xảy ra như vậy hoặc gay gắt hơn, nghiêm trọng hơn thì thiệt hại sẽ càng lớn hơn.

Việc mặn lên cao mức kỷ lục và duy trì thời gian dài hơn trước đây trong mùa khô năm nay buộc phải quy hoạch lại các tiểu vùng, vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản, phải xem xét lại thời vụ, cơ cấu mùa vụ (nhất là vụ Hè Thu), loại cây trồng, vật nuôi… cho phù hợp với điều kiện hạn, mặn.

Việc thiếu hụt hay bị động trong khai thác nguồn nước mặt từ sông ngòi, kinh, rạch cấp cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua ở vùng bị nhiễm mặn cao như huyện Vũng Liêm, Trà Ôn và Mang Thít buộc phải rà soát lại quy hoạch tài nguyên nước trong thời gian tới (như xác định lại tổng lượng nước, phân vùng cấp nước, nhu cầu nước từng ngành, lĩnh vực, từng thời kỳ, tính toán lại tính khả thi và hiệu quả của khai thác tài nguyên nước ngầm…);

phải rà soát lại quy hoạch cấp nước sạch đô thị và nông thôn (xem lại vùng thu nước, đối tượng và loại hình cấp nước…);

và phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy lợi (đề xuất các công trình ưu tiên thực hiện sớm để ngăn mặn, trữ ngọt, các hệ thống kinh tiếp nước ngọt từ vùng ngọt ở vùng Bắc sông Măng Thít về vùng Nam sông Măng Thít, một số loại hình công trình trữ, cấp nước ngọt mới hiện chưa có trong tỉnh, như xây dựng hồ chứa, dùng kinh, rạch ngoài đê bao để làm nơi chứa nước ngọt trong mùa khô…

Một số giải pháp công trình mới cần nghiên cứu bổ sung

Từ trước đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, giải pháp có tính phổ biến và có tính truyền thống để không bị thiếu hụt nguồn nước ngọt trong mùa khô hạn là tăng cường nạo vét kinh, rạch nội đồng, kinh trong vùng đê bao, kinh sau cống, đập kết hợp với tu sửa cống, đập để gia tăng khả năng dẫn và trữ nước ngọt.

Ưu điểm của giải pháp này là dễ thực hiện đại trà nếu vốn đầu tư được bố trí kịp thời, không phá hiện trạng hệ thống thủy lợi hiện có.

Nhưng yếu điểm là không đối phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài, do lòng kinh nhỏ nên lượng nước trữ rất thấp hoặc nước dễ bị ô nhiễm. Điều này đã thấy trong đợt mặn lên cao vào các tháng đầu năm 2016.

Nước trong các kinh nội đồng chỉ đủ dùng trong vòng 7-10 ngày. Các nhà máy nước sinh hoạt không thể lấy nước ngọt từ những kinh, rạch trong đê bao vì hầu hết các nhà máy đều thu nước từ những kinh, rạch ngoài đê bao nhưng những kinh này đều bị nhiễm mặn. Do vậy, trong thời gian tới, các giải pháp sau đây cần xem xét,
thực hiện.

Giải pháp thứ nhất là dùng những kinh, rạch ngoài đê bao làm hồ, làm nơi chứa nước. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có trên 5.000 tuyến kinh, rạch nằm ngoài đê bao, bờ bao (trừ sông Tiền, sông Cổ Chiên, sông Hậu và sông Măng Thít) có khả năng trữ, chứa và dẫn nước rất lớn nhưng hầu hết đều để thông thương, không có cống đầu kinh, trừ một số rạch liên thông với nhau ở huyện Vũng Liêm đã được xây cống (như cống Nàng Âm, cống Rạch Bàng) giúp trữ được lượng nước khá lớn, như rạch Nàng Âm, Cái Sửu, Cái Chuối, rạch Bàng, rạch Mây Tức.

Vì vậy, trong thời gian tới, ở những nơi có nhu cầu nước cao trong mùa khô hạn như khu dân cư đông đúc, nơi có công trình cấp nước sạch, vùng sản xuất nông nghiệp- thủy sản tập trung, chuyên canh… có thể dùng 1 hay 2- 3 tuyến kinh, rạch nối với nhau làm nơi chứa, trữ nước ngọt.

Muốn chứa nước phải xây cống chặn ở đầu các kinh, rạch này. Cống chặn là cống hở, ghe tàu có thể qua lại được, cống chỉ đóng cửa trữ nước khi độ mặn trên sông lớn (sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên) lên cao.

Tận dụng kinh, rạch ngoài đê bao làm hồ, làm nơi chứa nước ở vùng hạn, mặn.
Tận dụng kinh, rạch ngoài đê bao làm hồ, làm nơi chứa nước ở vùng hạn, mặn.

Khi độ mặn giảm, cửa cống sẽ được mở trở lại cho nước thông thương bình thường. Ưu điểm của giải pháp này là không phá vỡ hiện trạng sản xuất và hệ thống thủy lợi hiện có, có thể trữ được lượng nước trong mùa khô lớn hơn, thời gian trữ nước dài hơn; các nhà máy nước sinh hoạt hiện có sẽ hoạt động bình thường, không phải di dời vì kinh, rạch ngoài đê bao không bị nhiễm mặn.

Nhưng khuyết điểm là vốn đầu tư lớn vì xây dựng thêm cống chặn và cản trở giao thông thủy do các kinh bị cống chặn ở đầu kinh.

Thứ nhì là giải pháp chuyển tải nước từ vùng nước ngọt (vùng Bắc sông Măng Thít) tiếp cho vùng bị nhiễm mặn, bị hạn (vùng Nam Măng Thít) vào mùa khô.

Cụ thể là cải tạo, nạo vét, mở rộng các tuyến kinh trục lớn ở các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn và các tuyến kinh ở khu vực các huyện Măng Thít, Tam Bình, Long Hồ nối với sông Măng để tiếp nước ngọt cho huyện Vũng Liêm, Trà Ôn và một phần của tỉnh Trà Vinh.

Muốn lấy được nước ngọt từ sông Măng thì phải xây cống chặn tất các vàm sông nối với sông Cổ Chiên, sông Hậu và cả 2 đầu sông Măng để nước mặn không xâm nhập vào nội vùng.

Cũng như giải pháp thứ nhất, giải pháp này không phá vỡ hiện trạng sản xuất và thủy lợi trong vùng, khả năng trữ nước ngọt lớn hơn giải pháp đầu, nhưng vốn đầu tư rất lớn vì xây dựng nhiều kinh trục và cống lớn, giao thông thủy sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là tuyến sông Măng do bị cống lớn chặn đầu sông, đầu kinh.

Và cuối cùng là giải pháp xây dựng hồ chứa nước ngọt ở vùng bị nhiễm mặn cao ở Vũng Liêm, Trà Ôn và Mang Thít, trong đó ưu tiên cho các cù lao.

Diện tích hồ chứa tùy thuộc vào nhu cầu nước, điều kiện khí tượng-thủy văn, địa chất thủy văn của khu vực phục vụ, có thể từ vài trăm hec-ta đến vài chục ngàn hec-ta. Đây là giải pháp căn cơ để đối phó với hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt, kéo dài.

Do tác động rất lớn đến môi trường như cần mặt bằng rộng để xây dựng hồ nên phải di dời, tái định cư nhiều hộ dân, đời sống dân cư bị đảo lộn...

Hơn nữa các biện pháp lấy nước từ hồ chứa cấp cho công trình thủy lợi, công trình cấp nước sạch phải thay đổi, phải xây dựng nhiều công trình mới. Vốn đầu tư thực hiện hồ chứa là rất lớn, điều kiện hiện tại của tỉnh khó, cần hỗ trợ của trung ương mới thực hiện sớm được.

Tỉnh Vĩnh Long nằm ở trung tâm ĐBSCL là vùng được đánh giá chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu- nước biển dâng. Hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước cấp cho sản xuất và dân sinh được dự báo còn khốc liệt hơn trong tương lai.

Việc thực hiện các dự án rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch chuyên ngành có sử dụng nguồn nước là rất cấp thiết để phù hợp với tình hình mới. Các giải pháp công trình đối phó với hạn hán, xâm nhập mặn cần thực hiện theo lộ trình, đồng bộ và cần có sự liên kết vùng để đạt hiệu quả cao nhất.

TRUNG CHÁNH