Để những hè tình nguyện thêm ý nghĩa

Cập nhật, 13:01, Thứ Bảy, 25/06/2022 (GMT+7)
Tham gia hoạt động tình nguyện được học nhiều điều bổ ích nhưng bạn trẻ cũng cần trang bị các kỹ năng cần thiết.
Tham gia hoạt động tình nguyện được học nhiều điều bổ ích nhưng bạn trẻ cũng cần trang bị các kỹ năng cần thiết.

Mùa hè là khoảng thời gian mà các bạn trẻ hòa mình vào các hoạt động hữu ích xây dựng địa phương và chia sẻ yêu thương với cộng đồng. Thế nhưng trong quá trình tình nguyện sẽ luôn tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro. Vì thế, làm thế nào để hoạt động tình nguyện hiệu quả và đảm bảo an toàn là vấn đề luôn được các bạn trẻ quan tâm.

Đi tình nguyện để được cống hiến

Những ngày qua, các bạn sinh viên Trường ĐH Cửu Long đã hồ hởi tình nguyện về những vùng “đất mới” với khát khao được góp phần xây dựng quê hương. Tại mặt trận xã Ngọc Biên (huyện Trà Cú, Trà Vinh), ngay sau khi về địa phương, các bạn trẻ đã cùng đoàn viên, thanh niên xã nhà tham gia thực hiện công trình thanh niên xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường. Qua hơn một tuần, các bạn đã trồng 600 cây xanh, phát quang bụi rậm, thu gom rác hơn 18km trên các tuyến đường…

Dù trời nắng chang chang nhưng các bạn vẫn hăng say làm việc với quyết tâm cao. Bởi “được làm những công việc có ích, em thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều”- bạn Nguyễn Thanh Thưởng- sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô, cho biết.

Với nhiều bạn trẻ, hè là dịp trải nghiệm thực tế, để được “góp chút gì đó” cho xã hội. Bắt đầu đi mùa hè xanh từ năm học thứ nhất, bạn Nguyễn Trung Hiếu- Chi hội trưởng Chi hội Sinh viên Long Hồ Trường ĐH Cần Thơ với các bạn cùng quê đã tham gia các hoạt động tiếp sức mùa thi ở quê nhà. Trung Hiếu cho hay, năm nào em cũng học hè nhưng vì đam mê hoạt động tình nguyện nên đã linh động sắp xếp để đảm bảo “đôi việc”. Nhớ lại chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm rồi thật đặc biệt, dù diễn ra trong lúc dịch bệnh phức tạp thế nhưng không vì thế mà giảm đi “lửa” tình nguyện của em và các bạn khi hỗ trợ đo thân nhiệt, hướng dẫn phân luồng đảm bảo an toàn giao thông, đưa đón miễn phí thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt…

“Mỗi chuyến đi được cùng bạn bè sinh hoạt dưới một mái nhà đã cho em hiểu thế nào là tinh thần đồng đội. Qua những việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa, em thấy mình cần phải phấn đấu cống hiến nhiều hơn nữa cho cộng đồng”- Trung Hiếu thổ lộ.

Mỗi độ hè về, các cán bộ, giáo viên trẻ khối trường học cũng có những hoạt động tình nguyện đáng nhớ. Từ trồng cây xanh, thăm Mẹ Việt Nam anh hùng, tặng quà cho học sinh nghèo đến làm đường, bóc xóa rao vặt sai quy định hay tư vấn mùa thi... “Mỗi lần bắt tay vào các phần việc cụ thể là dịp để đoàn viên, thanh niên đem sức trẻ và lòng nhiệt huyết chung tay xây dựng nông thôn mới và vì an sinh xã hội”- anh Nguyễn Trung Hậu- Ủy viên BCH Đoàn Trường THPT Lưu Văn Liệt cho biết.

Cũng chính vì thế mà từ khi còn là sinh viên đến nay, anh hầu như có mặt ở các phong trào Đoàn- Hội. Theo anh, tuổi trẻ nên tích cực tham gia những chuyến đi, hoạt động tình nguyện vì “có đi mới hiểu và ý thức được trách nhiệm để cùng đóng góp sức lực, trí tuệ cho quê hương”.

Đảm bảo an toàn lên hàng đầu

Tham gia hoạt động tình nguyện để có thêm những trải nghiệm trong cuộc sống, được rèn luyện, cống hiến, trưởng thành hơn. Đó là tâm trạng chung của hầu hết bạn trẻ khi chuẩn bị bước vào chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè. Tuy nhiên, do chủ quan hoặc thiếu kiến thức nên nhiều người chưa chuẩn bị những điều cần thiết làm hành trang để lên đường. Nhiều bạn trẻ không lường trước được nơi mình đến, việc mình làm, cũng như không xác định được mình có thể cống hiến gì, chỉ biết lấy nhiệt huyết làm đầu và được bố trí việc gì thì làm việc đó…

Thực tế thời gian qua, đã có nhiều bạn trẻ vì lao động hăng say quá mà bị đứt tay, đứt chân. Có bạn sức khỏe kém mà vẫn làm việc giữa trưa, đến tối về lại bị nóng sốt. Cũng có sinh viên tình nguyện bị đuối nước; tai nạn giao thông…

Từng trực tiếp tham gia mùa hè xanh khi còn ở giảng đường, giờ phụ trách quản lý sinh viên, anh Bùi Lê Hưng- Phó Bí thư Đoàn Trường ĐH Cửu Long cho biết: Trước khi diễn ra chiến dịch, Đoàn Thanh niên- Hội Sinh viên trường đã họp triển khai, tư vấn, hướng dẫn trang bị kỹ năng cần thiết cho sinh viên; phân công đội trưởng, đội phó tại các mặt trận phụ trách chỉ huy, đoàn kết, tập hợp các chiến sĩ tình nguyện cùng ăn, cùng ở, cùng làm phát huy tối đa sức lực của mình.

“Để đảm bảo an toàn cho chuyến tình nguyện, Ban Chỉ đạo nhà trường nghiêm cấm việc tách đoàn và các thành viên phải tuân thủ theo sự sắp xếp của địa phương, làm việc trên tinh thần tập thể và đoàn kết nội bộ, với phương châm “đi dân nhớ, ở dân thương, làm dân tin”- anh Bùi Lê Hưng chia sẻ.

Bạn trẻ tham gia thực hiện “Tuyến đường thắp sáng”.
Bạn trẻ tham gia thực hiện “Tuyến đường thắp sáng”.

Trước khi các chiến sĩ tình nguyện về với địa phương, Đoàn- Hội các trường cũng đi “tiền trạm” và tổ chức tập huấn kỹ năng cho các bạn trẻ. Thế nhưng khi va chạm thực tế sẽ có không ít những trở ngại, có khi xảy ra thương tích, tai nạn không ngờ trước.

Với vai trò quản lý các bạn sinh viên tham gia hoạt động tình nguyện hè năm nay, bạn Nguyễn Trung Hiếu cũng nhắn nhủ: “Làm tình nguyện, nhất là ở những vùng sâu vùng xa, vùng sông nước, bạn trẻ phải nên tự trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết như chấp hành nội quy nhóm và biết cách tự giữ gìn sức khỏe, đảm bảo an toàn giao thông. Đặc biệt là trong tình hình thích ứng dịch COVID-19 hiện nay, bên cạnh đem theo thuốc men, nón, mùng mền, bạn trẻ cần phải chuẩn bị khẩu trang, nước sát khuẩn, tấm chắn giọt bắn…”.

Hè về những chiếc áo xanh tình nguyện thấp thoáng trên mọi nẻo đường cùng nhau đảm nhận các phần việc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Và để đảm bảo tình nguyện an toàn, hiệu quả, các bạn trẻ cần xác định rõ việc cần làm, phù hợp với khả năng, trình độ, sức khỏe và mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Cùng với đó, bạn trẻ nên trang bị cho mình những kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ