Sức khỏe và thuốc lá

Hút thuốc lá- tàn phá sức khỏe

Cập nhật, 18:08, Thứ Bảy, 07/05/2022 (GMT+7)

 

Dù biết hút thuốc có hại, song tỷ lệ người hút thuốc lá đang có xu hướng tăng.
Dù biết hút thuốc có hại, song tỷ lệ người hút thuốc lá đang có xu hướng tăng.

(VLO) Những tác động nguy hại của thuốc lá đến sức khỏe là không thể bàn cãi. Đến nay, giới y khoa vẫn tiếp tục phát hiện ra nhiều tác động xấu của “món giải trí” này đến cơ thể con người.

Thuốc lá là một trong những nguy cơ lớn nhất đối với sức khỏe con người và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong sớm. Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá.

Việt Nam nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động.

Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 45,3%, nữ 1,1%. Thuốc lá chính là thủ phạm của 6/8 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và là nguyên nhân thứ 2 gây nên các bệnh tim mạch như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)... Đồng thời, theo Bệnh viện K (Hà Nội), 90% ca ung thư phổi do hút thuốc lá.

Một nghiên cứu y khoa cũng từng dẫn chứng về việc bệnh nhân xuất hiện tình trạng phản ứng tự miễn, người hút thuốc lá bị bệnh phổi nặng, mạn tính bị chính hệ thống miễn dịch của mình tấn công mô phổi, bởi thuốc lá đầu độc tế bào, khiến hệ miễn dịch chống lại chính cơ thể mình.

Thực tế, người hút thuốc lâu năm thường mắc các bệnh mãn tính về tim mạch, phổi. Tình trạng bệnh sẽ diễn tiến nặng khi mắc thêm COVID-19.

Để ngăn ngừa tình trạng suy giảm miễn dịch và hạn chế nguy cơ nhiễm trùng, bỏ hút thuốc lá là việc đầu tiên cần thực hiện.

Cùng với đó, người nghiện thuốc nên kết hợp các hoạt động ăn uống khoa học, đúng cách, bổ sung đủ vitamin, tập thể dục thường xuyên, hít thở không khí trong lành và tránh tiếp xúc những nơi dễ nhiễm bệnh. Một lối sống lành mạnh không khói thuốc sẽ chất lượng và an toàn hơn cho chính bạn và những người thân trong gia đình.

Bài, ảnh: MAI ANH