Cảnh báo hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ khỏi COVID-19

Cập nhật, 05:47, Thứ Sáu, 15/04/2022 (GMT+7)

(VLO) Trẻ mắc COVID-19 dù phục hồi rất nhanh, song, một tỷ lệ rất nhỏ các trẻ có những diễn biến phức tạp, ngay cả sau khi khỏi bệnh, trong đó có hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) hậu COVID-19. Hội chứng này diễn biến nhanh, dễ nhầm lẫn với viêm ruột thừa cấp hay bệnh Kawasaki. Đa phần bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau điều trị, tỷ lệ tử vong là rất thấp.

Để dự phòng MIS-C, cha mẹ cần cho trẻ tiêm vắc xin phòng COVID-19 và các loại vắc xin phòng bệnh khác.
Để dự phòng MIS-C, cha mẹ cần cho trẻ tiêm vắc xin phòng COVID-19 và các loại vắc xin phòng bệnh khác.

Nhiều trẻ mắc hội chứng MIS-C

Giữa tháng 2/2022, Bệnh viện (BV) Nhi đồng Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhi N.N.H., 7 tuổi, quê ở Vĩnh Long được chuyển đến từ tuyến trước với kết quả PCR SARS-CoV-2 dương tính, theo dõi viêm ruột thừa, trong tình trạng khó thở.

Trước nhập viện 6 ngày, bệnh nhi sốt, 3 ngày cuối tiêu chảy vài lần/ngày, ói, kèm đau bụng nhiều vùng bụng phải, lừ đừ, ngủ nhiều, ăn uống kém, mắt đỏ và sưng nhẹ, nổi ít hồng ban trên người.

Bệnh nhi được ê-kíp trực nhanh chóng đặt ống thở máy, dùng thuốc trợ tim. Khám lâm sàng và kết quả xét nghiệm loại trừ viêm ruột thừa, chẩn đoán phù hợp là COVID-19 xác định, mắc MIS-C thể sốc, phù phổi cấp, xuất huyết tiêu hóa.

Trước tình trạng nguy kịch đe dọa tính mạng của bệnh nhi, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn, thống nhất cho bệnh nhi được điều trị đặc hiệu với các thuốc trong phác đồ của Bộ Y tế. Qua 15 ngày đêm điều trị, bệnh nhi dần cai được máy thở, ăn uống, sinh hoạt bình thường lại và xuất viện.

Bé trai 8 tuổi (ngụ Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) mắc MIS-C nặng liên quan đến COVID-19 nhưng có những biểu hiện giống tình trạng viêm ruột thừa cấp. Hai ngày trước nhập viện, trẻ sốt cao 39- 40 độ C, thuốc hạ sốt ít tác dụng.

Bé than đau bụng quanh rốn lan xuống hố chậu phải, ói 4- 5 lần ra thức ăn, dịch trong không nhầy máu, tiêu phân vàng lỏng 5- 6 lần/ngày.

Nhập viện tại BV Nhi đồng thành phố (TP Hồ Chí Minh), bé S. lừ đừ, sốt cao 39,5 độ C, nhịp tim 160 lần/phút, mạch nhẹ, huyết áp kẹp, thở nhanh, tim đều phổi không ran, bụng trướng nhẹ, ấn đau hố chậu phải. Ngoài ra, hai mắt của bé S. còn đỏ nhẹ, vài hồng ban da ở tay chân.

Bé S. được các bác sĩ chẩn đoán MIS-C liên quan COVID-19 kèm sốc biểu hiện giống tình trạng viêm ruột thừa cấp, được điều trị tích cực hỗ trợ hô hấp, chống sốc, truyền thuốc kháng viêm, kháng đông. Nếu trẻ không được chẩn đoán chính xác dễ đưa đến xử trí mổ “trắng” (nghi trẻ viêm ruột thừa nhưng khi mổ thì không thấy).

Thông tin từ BV Nhi trung ương (Hà Nội) cho biết 1 tháng gần đây, BV tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ mắc MIS-C nhập viện. Đáng chú ý, trước đây BV tiếp nhận 2- 3 ca/tuần, tối đa chỉ 5 ca/ngày, tuy nhiên hiện giờ con số đó có chiều hướng gia tăng. Đa số trẻ nhập viện đều chưa được tiêm phòng COVID -19, trong đó có những ca diễn biến rất nguy kịch phải thở máy, lọc máu.

Cảnh giác trẻ bị sốt sau khi khỏi COVID-19

Theo PGS.TS.BS. Phạm Văn Quang- Trưởng Khoa Hồi sức tích cực BV Nhi đồng, MIS-C hậu COVID-19 thường xảy ra sau khi em bé mắc COVID-19 từ 2- 6 tuần.

Khi mắc bệnh, cơ thể trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng như nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc; phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân; trẻ có thể bị tổn thương tim, đặc biệt là mạch vành. Đồng thời, có thể xảy ra hiện tượng rối loạn đông máu, rối loạn tiêu hóa cấp tính (đau bụng, ói, tiêu chảy...).

Hội chứng này rất giống với bệnh Kawasaki, một bệnh viêm không đặc hiệu, thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 4 tuổi và gây tổn thương, di chứng mạch vành. Để phân biệt 2 loại bệnh này cần thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến- Phó Giám đốc BV Nhi đồng (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Phụ huynh lưu ý khi thấy trẻ sốt cao liên tục > 38,5 độ C, nổi hồng ban da, đỏ mắt, đau bụng, tiêu chảy, ói, thay đổi ý thức, khó thở, mạch nhanh… hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được bác sĩ thăm khám, xét nghiệm định bệnh chính xác.

Bởi ngoài hội chứng viêm đa hệ thống, trẻ có thể mắc sởi, rubella, sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, nhiễm trùng huyết, viêm ruột thừa”.

Do đó, cách tốt nhất để phòng MIS-C là tránh không để trẻ bị mắc COVID-19. Các bậc phụ huynh cần tuân thủ nguyên tắc phòng dịch 5K của Bộ Y tế, có chế độ sinh hoạt và ăn uống hợp lý, đồng thời nên cho trẻ tiêm vắc xin phòng COVID-19 khi có chỉ định và tiêm đủ liều giúp trẻ giảm nguy cơ bị hội chứng này. Bên cạnh đó, vẫn cần tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm khác theo lịch.

Mặc dù MIS-C xảy ra sau mắc COVID- 19, nhưng đa phần COVID- 19 ở trẻ em thường không có triệu chứng hoặc nhẹ. Nên trong tình hình dịch bệnh xảy ra như hiện nay, cần nghĩ tới MIS-C khi trẻ có các triệu chứng sốt cao liên tục, phát ban, mắt đỏ, rối loạn tiêu hóa và cho trẻ đi khám tại các cơ sở y tế, kể cả khi không biết rõ trẻ đã bị mắc COVID-19 trước đó hay không.

 

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN