Hệ sinh thái đa dạng biển đồng bằng

Cập nhật, 06:01, Chủ Nhật, 28/08/2022 (GMT+7)

(VLO) Với khoảng 374km bờ biển, từ tỉnh Long An kéo dài đến tỉnh Kiên Giang, đường biển đồng bằng với bán đảo Cà Mau nhô ra thành điểm cực Nam của Tổ quốc.

Đặc điểm địa hình này đã tạo nên vành đai rừng phòng hộ được chia thành nhiều vùng sinh thái đa dạng và có sự khác biệt nhau. Những người dân ven biển đã phát triển kinh tế nương vào hệ sinh thái nước mặn và cả sự pha trộn giữa mặn và ngọt.

Điều kỳ diệu là thiên nhiên và con người cũng đã chứng minh được rằng, nhiều loài cây trồng, vật nuôi nước ngọt vẫn có thể sống và phát triển tốt trên nền đất ngập mặn quanh năm.

Tại Cồn Cống, thuộc xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang), là cửa Tiểu và cửa Đại, chúng ta thấy rừng phòng hộ là sự “sống chung” giữa cây đước và cây bần, dừa nước cùng nhau tiến ra biển, tạo nên những bãi bồi tự nhiên chống sạt lở vô cùng hiệu quả.

Tương tự, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) vươn mình ra biển tạo nên cù lao có hệ thống thủy chế vô cùng đặc biệt, khi trong cùng một ngày có thể nhận thấy sự biến đổi nhiều lần giữa mặn và ngọt trên các cửa sông.

Người dân Cù Lao Dung, ngoài phát triển nghề nuôi tôm từ nguồn nước mặn, vẫn canh tác nhiều loại cây trồng nước ngọt một cách… bình yên, như cây nhãn, sầu riêng, thanh long, cùng với các rẫy rau màu phát triển tốt quanh năm. Sắp tới, là những dự án lớn đưa con cá tra vốn sống vùng nước ngọt tiến dần ra… sát biển.

Xuôi về bán đảo Cà Mau, lại thấy có sự phân chia rõ rệt giữa biển Tây và biển Đông, với sự “phân luồng” canh tác khác nhau giữa mặn và ngọt.

Sát mé biển Tây thuộc huyện Trần Văn Thời, phía bên trong con đê là vùng trồng lúa, kéo dài đến khu vực rừng ngập ngọt U Minh Hạ, đến U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang.

Ngược lại, phía biển Đông thì các huyện Đầm Dơi, Cái Nước… lại phát triển mạnh về “kinh tế mặn” là con tôm sinh thái và tôm công nghiệp.

Hệ sinh thái đa dạng của biển đồng bằng và có sự khác biệt về địa hình, địa chất và thủy chế không tương đồng, đòi hỏi có sự “thấu hiểu” và thích ứng phù hợp của từng nơi, trong định cư, sản xuất và ứng phó với những đổi thay của thời tiết, khí hậu.

Nhìn chung, hiện nay nhiều địa phương đã nhận thấy được cái lợi thế to lớn của “kinh tế mặn” hơn là những lo sợ về sự xâm nhập mặn, từ đó thay đổi cách nhìn và cách ứng xử với thiên nhiên.

Một số hình ảnh ghi nhận về hệ sinh thái và đời sống canh tác, sản xuất của người dân dọc biển Đông và biển Tây của đồng bằng.

NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY (thực hiện)

Cửa Đại thuộc Cồn Cống, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang), hệ thống rừng phòng hộ ven biển là những cây bần, dừa nước sống cùng với cây đước, tạo nên những bãi bồi tự nhiên giữ biển.
Cửa Đại thuộc Cồn Cống, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang), hệ thống rừng phòng hộ ven biển là những cây bần, dừa nước sống cùng với cây đước, tạo nên những bãi bồi tự nhiên giữ biển.

 

Người dân Cồn Cống được giao rừng, kết hợp nuôi tôm sinh thái.
Người dân Cồn Cống được giao rừng, kết hợp nuôi tôm sinh thái.

 

Con “Khém Sâu” được hình thành tự nhiên như sông, rạch, nhưng có đặc tính là thẳng tắp như kênh đào và cắt ngang cù lao Dung, theo mùa đưa nước ngọt và nước mặn vào các vùng nuôi trồng phía cuối nguồn cù lao. Chính hệ sinh thái nước đặc biệt đã tạo nên “vương quốc mía” cù lao Dung có độ đường cao nhất nước.
Con “Khém Sâu” được hình thành tự nhiên như sông, rạch, nhưng có đặc tính là thẳng tắp như kênh đào và cắt ngang cù lao Dung, theo mùa đưa nước ngọt và nước mặn vào các vùng nuôi trồng phía cuối nguồn cù lao. Chính hệ sinh thái nước đặc biệt đã tạo nên “vương quốc mía” cù lao Dung có độ đường cao nhất nước.

 

Cây nhãn được đưa từ Bình Hòa Phước (Vĩnh Long) về trồng trên đất ngập mặn ở cù lao Dung gần 30 năm, giờ được ghép vào những nhánh nhãn tím, vẫn tiếp tục cho trái đầy cây.
Cây nhãn được đưa từ Bình Hòa Phước (Vĩnh Long) về trồng trên đất ngập mặn ở cù lao Dung gần 30 năm, giờ được ghép vào những nhánh nhãn tím, vẫn tiếp tục cho trái đầy cây.

 

Khu vực trồng lúa ở xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau). Phía trong đê bao biển Tây.
Khu vực trồng lúa ở xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau). Phía trong đê bao biển Tây.

 

Đoạn đê bao biển Đông chống sạt lở, thuộc huyện Đầm Dơi (Cà Mau).
Đoạn đê bao biển Đông chống sạt lở, thuộc huyện Đầm Dơi (Cà Mau).

 

Các tin khác: