Ngành tòa án thi đua hoàn thành nhiệm vụ

Cập nhật, 20:20, Thứ Ba, 06/02/2024 (GMT+7)
Phiên tòa hình sự trực tuyến hạn chế thủ tục trích xuất, di lý bị cáo, tiết kiệm chi phí và lực lượng bảo vệ.
Phiên tòa hình sự trực tuyến hạn chế thủ tục trích xuất, di lý bị cáo, tiết kiệm chi phí và lực lượng bảo vệ.
Công tác xét xử góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế- xã hội. Trên cơ sở đó, ngành tòa án thực hiện nhiều giải pháp đột phá, thi đua hoàn thành nhiệm vụ, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
 
Theo đánh giá của TAND tỉnh, trong bối cảnh tình hình tội phạm tuy được kiềm chế nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, ngành tòa án đã khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch công tác với các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể và tổ chức thực hiện quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, quyết tâm thực hiện thắng lợi.
 
Trong công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự, TAND 2 cấp (cấp tỉnh và cấp huyện) xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không xét xử oan sai, không bỏ lọt tội phạm. Các vụ án được dư luận xã hội quan tâm được giải quyết kịp thời, hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội. Việc cho bị cáo hưởng án treo, cải tạo không giam giữ thực hiện chặt chẽ.
 
Về công tác giải quyết án dân sự, TAND 2 cấp thực hiện tốt việc hướng dẫn các đương sự thực hiện đúng thủ tục khởi kiện và quyền, nghĩa vụ cung cấp chứng cứ. Công tác hòa giải tiếp tục được chú trọng và thực hiện có hiệu quả.
 
Bên cạnh đó, đối với án hành chính, ngành tòa án chú trọng việc tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện và làm tốt công tác phối hợp với ngành kiểm sát trong việc đưa vụ án ra xét xử đúng luật định.
 
Theo báo cáo của Tòa Hành chính (TAND tỉnh), Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực thi hành từ năm 2016 là bước tiến mới, hoàn thiện về mặt pháp lý nhưng quá trình triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, một số điều khoản chưa rõ ràng, còn có cách hiểu khác nhau, một số quy định chưa phù hợp, gây khó khăn trong quá trình giải quyết, nhất là các vụ án liên quan đến quản lý nhà nước về đất đai.
 
Từ thực tế này, Tòa Hành chính đề ra 2 nhóm giải pháp trọng tâm về phối hợp thu thập tài liệu, chứng cứ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử. Trong công tác này, cán bộ tòa án thực hiện tinh thần “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.
 
Kết quả nổi bật năm 2023, tỷ lệ giải quyết án hành chính đạt 100%, trong đó tỷ lệ đối thoại thành đạt 50%. Không có án bị hủy, sửa. Thành tích này giúp Tòa Hành chính nhiều năm liền đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc.
 
TAND huyện Mang Thít thực hiện giải pháp trong việc mở phiên tòa trực tuyến. Hình thức xét xử này giúp các bị cáo trong các vụ án hình sự được tham gia phiên tòa tại nơi giam giữ, hạn chế thủ tục trích xuất, di lý, tiết kiệm chi phí và lực lượng bảo vệ.
 
Đối với xét xử trực tuyến các vụ dân sự còn hạn chế được tình trạng tập trung đông người gây mất trật tự phiên tòa. Để làm được việc này, ngay từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, lãnh đạo TAND huyện Mang Thít chủ động liên hệ các điểm cầu thành phần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết.
 
Đồng thời, phân công một thư ký ở điểm cầu thành phần điều hành, đảm bảo mọi việc thuận lợi suốt quá trình xét xử.
 
Ông Lâm Văn Năm- Phó Chánh án TAND tỉnh, cho biết: Năm 2023, TAND 2 cấp xét xử 51 vụ theo hình thức trực tuyến ở các lĩnh vực về hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính. Có vụ kết hợp phiên tòa trực tuyến với phiên tòa rút kinh nghiệm của thẩm phán và viện kiểm sát cùng cấp.
 
Tuy cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đảm bảo nhưng TAND 2 cấp đã xét xử trực tuyến đạt hiệu quả cao, được báo cáo điển hình trong Cụm thi đua các tỉnh Tây Nam Bộ. Ngoài ra, TAND 2 cấp tiếp tục thực hiện mô hình “Hành chính tư pháp một cửa”, đổi mới quy trình, thủ tục tiếp nhận, xử lý công việc theo hướng đơn giản hóa.
 
Nhằm giúp người dân mau chóng tiếp cận công lý, rút ngắn thời gian giải quyết đơn khởi kiện, TAND tỉnh ban hành hướng dẫn nghiệp vụ về nội dung đơn khởi kiện và giải pháp nâng cao giải quyết án dân sự, hôn nhân gia đình và tập huấn, triển khai áp dụng thống nhất trong hệ thống tòa án.
 
Vừa qua, tại hội nghị triển khai công tác năm 2024 của TAND tỉnh, ông Nguyễn Thành Thế- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, hoan nghênh và đồng tình việc triển khai các giải pháp đột phá của ngành tòa án về công khai các bản án, tổ chức phiên tòa trực tuyến, phiên tòa rút kinh nghiệm.
 
Đây là cách làm thiết thực, nâng cao chất lượng xét xử và đề cao trách nhiệm của thẩm phán, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân, phát huy vai trò giám sát của Nhân dân. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy lưu ý ngành tòa án tiếp tục đề cao trách nhiệm, nâng cao chất lượng xét xử, chú trọng làm tốt việc tranh tụng tại phiên tòa, không để xảy ra các vụ xử oan, sai và bỏ lọt tội phạm.
 
Đảm bảo các phán quyết của tòa án đúng pháp luật, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Chấn chỉnh kịp thời các sai sót trong hoạt động nghiệp vụ, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, thẩm phán, khắc phục việc để các vụ án quá thời hạn xét xử và hạn chế tới mức thấp nhất các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan.
Năm 2023, TAND 2 cấp tổ chức hòa giải, đối thoại theo Luật Tố tụng hành chính 3.805/6.163 vụ việc. Hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án 486/491 vụ. Tổ chức 129 phiên tòa rút kinh nghiệm, vượt chỉ tiêu và đảm bảo tiêu chí theo quy định của TAND Tối cao. Công bố 5.048 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của TAND Tối cao.
Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH