Nông nghiệp công nghệ cao - hướng đi tất yếu

Cập nhật, 22:11, Thứ Sáu, 27/01/2023 (GMT+7)
Sử dụng máy bay không người lái vào rải phân và phun thuốc.
Sử dụng máy bay không người lái vào rải phân và phun thuốc.
Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Vĩnh Long xuất hiện ngày càng nhiều. Đây cũng là xu hướng tất yếu giúp nhà nông giảm giá thành sản xuất, nâng cao giá trị, chất lượng nông sản và góp phần bảo vệ môi trường.
 
Nhiều mô hình hiệu quả
 
Theo Sở Nông nghiệp - PTNT tỉnh, đến cuối năm 2022 toàn tỉnh có 20 cơ sở được chứng nhận tiêu chuẩn GAP và tương đương áp dụng quy trình canh tác theo tiêu chuẩn an toàn, hướng hữu cơ. Trong đó, nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. 
 
Như mô hình sản xuất gạo hữu cơ của Hợp tác xã Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (xã Trung Ngãi - Vũng Liêm) thực hiện từ năm 2011, đến nay phát triển được 100ha.
 
Tất cả sản phẩm gạo tại đây được canh tác theo quy trình đặc biệt, sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ và chế phẩm sinh học đạt chuẩn organic được cấp chứng nhận hữu cơ quốc tế 30ha. Các khâu gieo sạ đến thu hoạch, chế biến đều sử dụng thiết bị máy móc hỗ trợ, đặc biệt từ năm 2016 việc tưới phân, thuốc sử dụng máy bay không người lái giúp giảm giá thành đáng kể. 
 
Ông Đoàn Văn Tài - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt phấn khởi cho biết: “Nếu như trước đây mình tưới phân, thuốc cần một đội đến 30 người làm trong 2 ngày, giờ chỉ cần 2 chiếc máy bay tưới trong 1 buổi sáng là xong, giúp hạ giá thành đáng kể. Từ khi ứng dụng các công nghệ vào sản xuất hữu cơ giúp giá trị sản phẩm tăng gấp 3 - 10 lần tùy theo sản phẩm lúa, gạo hay các sản phẩm từ gạo”.
 
Mô hình trang trại nuôi 20.000 con lươn của anh Trần Khánh Duy (xã Long An - Long Hồ) sử dụng các hệ thống lọc tuần hoàn đã giúp anh không cần thay nước hàng ngày như các mô hình nuôi lươn không bùn khác. Mô hình này chỉ cần sử dụng 1 bể lắng lọc, 1 bể vi sinh và 1 máy bơm nước, máy tạo oxy và cho nguồn nước từ bể nuôi lươn qua các bể lắng lọc để tái sử dụng lại vào bể nuôi lươn.
Hệ thống lọc nước tuần hoàn giúp lươn khỏe mạnh của anh Trần Khánh Duy.
Hệ thống lọc nước tuần hoàn giúp lươn khỏe mạnh của anh Trần Khánh Duy.
 
Với ưu điểm của mô hình này là giảm số lần thay nước. “Nếu những mô hình nuôi lươn không bùn khác mỗi ngày phải thay từ 2 - 3 lần nước, thì mô hình này 5 - 10 ngày mới thay nước/lần, nhờ đó tiết kiệm lượng nước và tiền nước. Lươn sinh trưởng tốt, ít bệnh, ít hao hụt. Tỷ lệ chuyển hóa 1kg thức ăn cho 1,2kg lươn thương phẩm, trong khi cách nuôi cũ chỉ 1kg lươn.”- anh Trần Khánh Duy chia sẻ. 
 
Hay khu vườn “Peace Farm” trên 1.500m chuyên trồng dưa lưới, dưa leo và cà trái cây của chị Lê Ngọc Hiền (phường Trường An - TP Vĩnh Long) được áp dụng theo công nghệ của Israel và chuẩn VietGAP, tưới và bón phân sinh học tự động bằng công nghệ nhỏ giọt vào ngay gốc cây, giúp tiết kiệm chi phí.
 
Chị Lê Ngọc Hiền cho biết: “Nhờ áp dụng công nghệ này trong nhà màng, tôi có thể kiểm soát tốt sâu bệnh, dinh dưỡng cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho cây phát triển, chính vì thế mà sản phẩm đạt chất lượng, an toàn giúp nâng cao giá thành gấp 2 - 3 lần”.
 
Khuyến khích phát triển 
 
Thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2030, Sở Nông nghiệp - PTNT đã triển khai nhiều dự án, mô hình khuyến nông ứng dụng vào sản xuất.
 
Năm 2022, Sở Nông nghiệp - PTNT đã thực hiện 9 dự án khuyến nông, tăng cường các hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất; từng bước tạo dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả, giảm chi phí, nâng cao chất lượng nông sản, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. 
 
Có thể kể đến, mô hình ứng dụng cơ giới hóa (máy sạ theo khóm), đồng thời áp dụng các tiến bộ về giống và kỹ thuật vào canh tác lúa trên diện tích 52ha tại huyện Tam Bình và Bình Tân. Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ trứng vịt theo hướng giá trị gia tăng và các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi vịt đã góp phần duy trì và mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định, giúp người chăn nuôi an tâm sản xuất.
 
Ngành nông nghiệp cũng đang triển khai thực hiện đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới giai đoạn 2021 - 2025 với kinh phí hơn 18,6 tỷ đồng để hỗ trợ hợp tác xã đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, sơ chế, chế biến, và công nghệ thu hoạch, bảo quản sản phẩm hữu cơ...
 
 Trồng theo hướng hữu cơ nên sản phẩm của chị Lê Ngọc Hiền lúc nào cũng trong trạng thái hết hàng.

Trồng theo hướng hữu cơ nên sản phẩm của chị Lê Ngọc Hiền lúc nào cũng trong trạng thái hết hàng.

 Theo ông Trương Thành Dãnh - Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, lực lượng lao động có trình độ quản lý và tay nghề cao.

 
Lĩnh vực này lại có nhiều rủi ro nhất là giá cả sản phẩm và thị trường tiêu thụ. Vì thế, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tập trung triển khai xây dựng mã số vùng trồng, phổ biến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng.
 
Đồng thời, sẽ tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho người dân, hợp tác xã yên tâm sản xuất, từng bước hình thành nền nông nghiệp công nghệ cao và bền vững. 
 
Ngành nông nghiệp phấn đấu đến năm 2025 diện tích sản xuất hữu cơ đạt 1,5% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp (khoảng 1.800ha); nâng tỷ lệ diện tích cây trồng có áp dụng phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh lên 40%; sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 20% trong tổng sản phẩm nông nghiệp...
 Bài, ảnh: TẤN TÂN