Làng nghề tàu hủ ky nâng lên tầm di sản

Cập nhật, 07:05, Thứ Hai, 23/01/2023 (GMT+7)
Đậu nành - một trong những nguyên liệu quan trọng nhất để làm nên sản phẩm tàu hủ ky Mỹ Hòa nức tiếng gần xa.
Đậu nành - một trong những nguyên liệu quan trọng nhất để làm nên sản phẩm tàu hủ ky Mỹ Hòa nức tiếng gần xa.

(VLO) Là một trong những làng nghề truyền thống của tỉnh Vĩnh Long, năm 2022, làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa (xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống.

Làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa nằm bên bờ sông Cái Vồn, gần cầu Cần Thơ. Về làng nghề này bất kỳ thời điểm nào trong năm, đi vào các hộ sản xuất tàu hủ ky, lúc nào cũng thấy lò hơi, lò lửa nghi ngút, cơi củi đỏ than.

Nghề càng nhộn nhịp hơn vào trước các ngày rằm lớn trong năm (tháng Giêng, 7, 10 âm lịch) và nhất là chuẩn bị sản phẩm cho thị trường dịp Tết. Từng miếng, từng cọng tàu hủ ky vàng óng, giòn, dai được đưa ra lò.

Trăm năm làng nghề bên sông

Dân làng nghề truyền miệng nhau rằng, tàu hủ ky vốn là một món ăn xuất xứ từ “con nhà nghèo”. Bởi xa xưa có một gia đình nghèo làm nghề bán sữa đậu, trong lúc đun nồi sữa trên bếp thì quên bẵng đi, sữa bị đóng thành váng.

Người vợ tiếc của không nỡ bỏ đi nên vớt lấy váng đậu treo lên sào phơi cho ráo. Khi nhà chẳng còn gì ăn, họ bèn lấy váng sữa khô đem ra chế biến, với hy vọng sẽ thành món ăn qua cơn đói. Từ đó, tàu hủ ky ra đời và trở thành một món ăn ngon.

Ông Nguyễn Tấn Thậm (68 tuổi, ngụ ấp Mỹ Khánh 1, xã Mỹ Hòa), người có mấy chục năm gắn bó với nghề làm tàu hủ ky cười bảo đó là sự tích, còn để làm tàu hủ ky chuyên nghiệp thì phải tốn công hơn nhiều, nghề này cũng lắm công phu.

Để làm tàu hủ ky, dân làm nghề đem đậu nành ngâm trong nước chừng 2 giờ cho nở, mềm rồi mang xay thành bột. Sau đó đưa vào máy ly tâm vắt lấy nước. Nước đậu nguyên chất được đưa lên chảo đun để lấy váng.

Thông thường người ta xếp số chảo thành hai hàng gọi là một giàn, tùy theo quy mô từng gia đình mà số giàn này nhiều hay ít. Để lên váng đậu, nước trong chảo chỉ được duy trì ở khoảng 70 độ C.

Nếu muốn lá tàu hủ ky dày thì để váng nổi lâu hơn, còn lá mỏng chỉ cần nổi váng chừng 5 phút. Cứ khoảng 10 phút sau khi vớt, chảo lại nổi váng một lần và được thợ dùng dao rạch váng rồi treo lên sào trúc ngay phía trên chảo cho ráo.

Bà con cùng nhau giữ đỏ lửa làng nghề truyền thống tàu hủ ky Mỹ Hòa.
Bà con cùng nhau giữ đỏ lửa làng nghề truyền thống tàu hủ ky Mỹ Hòa.

Thợ làm tàu hủ ky phải luôn tay cho đến khi cạn nước, lấy mãi tới lớp cuối cùng thì gọi là vớt bẹ. Để có được 1kg tàu hủ ky, nguyên liệu phải dùng vào khoảng 2,5kg đậu nành tươi.

Anh Lương Văn Đạt (cũng ở ấp Mỹ Khánh) vừa được vay 90 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội ở địa phương để mở rộng nghề làm tàu hủ ky của gia đình.

Với 20 chảo sản xuất tàu hủ ky đã có, nguồn vốn này anh đầu tư thêm 24 chảo mới nữa, còn dư anh làm vốn cho nguyên liệu đầu vào, than củi.

Giữ đỏ lửa nghề truyền thống

Hiện mỗi tháng nhà anh Đạt nấu trên 10 ngày, mỗi ngày ra thành phẩm khoảng 90kg tàu hủ non, khô. Giá bán ra thị trường 60.000 đ/kg tàu hủ non, 100.000 đ/kg tàu hủ lá. Đó là nguồn thu nhập chính của gia đình.

Quanh năm vui bên củi lửa, anh Đạt kể câu chuyện nghề nào là ngâm đậu, cạo chảo, đổ than cơi lửa, chan vớt váng đậu... “Nhà tôi lấy công làm lời với nghề truyền thống này, từ thời nội tôi, rồi cha và bây giờ đến tôi giữ lấy”.

Tàu hủ ky miếng lớn - một trong các sản phẩm của làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa.
Tàu hủ ky miếng lớn - một trong các sản phẩm của làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa.

Theo ngành chức năng, làng tàu hủ ky Mỹ Hòa hiện có khoảng 40 hộ gia đình làm nghề, mỗi ngày sản xuất được khoảng 4 tấn tàu hủ ky gồm nhiều loại: tàu hủ ky miếng lớn, tàu hủ ky cọng khô/non, tàu hủ ky ướp muối... cung ứng thị trường.

Từ làng nghề đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động nơi đây và lân cận. Theo ông Nguyễn Văn Mạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa, làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống là một tin rất vui.

Hướng tới, xã kiến nghị với cấp trên quan tâm đầu tư để sản phẩm làng nghề được bảo quản lâu dài, nâng cao chất lượng và quảng bá rộng rãi để đi xa hơn trên thị trường.

Nhiều gia đình với làng nghề cha truyền con nối.
Nhiều gia đình với làng nghề cha truyền con nối.

Trải qua thăng trầm, làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa vẫn đỏ lửa reo vui. Mấy chục năm qua, người dân làng nghề lẫn khách gần xa có dịp về Mỹ Hòa đã quen với mùi thơm đặc trưng của miếng tàu hủ ky vàng ruộm, giàn sợi tàu hủ ky dưới nắng dọc bờ sông.

Nhắc đến tàu hủ ky, nhiều người nghĩ dùng cho món ăn chay, nhưng bây giờ thì nó không còn là nguyên liệu dành riêng cho những người ăn chay nữa. Vì không chỉ là món ăn giàu dinh dưỡng, tàu hủ ky còn được sáng tạo, chế biến đa dạng thành nhiều món ăn.

Để từ đó, miếng tàu hủ ky, cọng tàu hủ ky góp phần làm nên những món ăn bắt mắt, thơm ngon, dậy hương vị... làm phong phú thêm cho văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Bài, ảnh: MINH THÁI