Lúa Đông Xuân- bất lợi ngay đầu vụ

Cập nhật, 16:37, Thứ Ba, 22/11/2016 (GMT+7)

Nước lũ “kha khá” năm nay khả năng sẽ vun bồi nguồn phù sa cho đồng ruộng. Tuy nhiên, cũng chính nước lũ đã gây tràn nhiều tuyến bờ bao, ngập lụt làm chết giống lúa tại nhiều địa phương.

Bên cạnh là dịch hại, nhất là ốc bươu vàng, rầy nâu, chuột… gia tăng cắn phá. Dự báo sản xuất lúa Đông Xuân 2016- 2017 sẽ tăng thêm nhiều chi phí.

Sản xuất lúa Đông Xuân dự báo sẽ tăng thêm nhiều chi phí.
Sản xuất lúa Đông Xuân dự báo sẽ tăng thêm nhiều chi phí.

Dịch hại gia tăng

Hiện lúa Đông Xuân trên địa bàn tỉnh chủ yếu ở giai đoạn dưới tháng tuổi. Những ngày qua, bà con nông dân trên nhiều cánh đồng phải tất bật phòng trừ các loại dịch hại.

Gặp chúng tôi khi vừa rảo quanh 6 công lúa vừa gieo sạ trên một tháng tuổi, ông Nguyễn Văn Danh (xã Hòa Bình- Trà Ôn) cho hay, khu vực này năm nay chuột xuất hiện và cắn phá nhiều hơn mọi năm, nhất là những ruộng nằm cặp quốc lộ.

Mặc dù bà con cũng triển khai không ít cách như dùng bẫy, thả thuốc, đi soi ban đêm… để diệt chuột, nhưng “thấy không mấy hiệu quả”. Một số ruộng bà con còn mua lưới rào xung quanh nhằm hạn chế chuột vào ruộng.

Trong khi đó, tại xã Long Phú (Tam Bình), mưa mấy ngày qua làm nhiều diện tích chịu cảnh chết giống phải gieo sạ lại hoàn toàn. Trên những ruộng phải giặm lại đã làm lúa mất sức nên giờ hơn một tháng rồi nhưng lúa chậm phát triển hơn mọi năm. 

Thống kê của Sở Nông nghiệp- PTNT, tính tới thời điểm hiện tại đã xuống giống trên 12.500ha lúa Đông Xuân sớm, chủ yếu giai đoạn mạ- làm đòng.

Do điều kiện thời tiết ảnh hưởng gây chết giống đến nay là 281ha với tỷ lệ trên 70% tại các huyện Trà Ôn, Tam Bình và TX Bình Minh. Bên cạnh, bệnh đạo ôn đã nhiễm 431ha, tăng 75ha so với tuần trước, chủ yếu là đạo ôn cổ bông xuất hiện với tỷ lệ 5- 10% trà lúa chắc xanh- chín, phân bố ở các huyện Mang Thít (xã Bình Phước, Tân Long Hội), Vũng Liêm (xã Tân An Luông, Trung An) và Tam Bình (xã Hòa Lộc).

Tại các xã Thiện Mỹ, Tân Mỹ, Tích Thiện, Vĩnh Xuân, Trà Côn, Nhơn Bình, Xuân Hiệp (Trà Ôn) đã xuất hiện rầy nâu trên trà lúa đẻ nhánh- làm đòng làm hơn 60ha bị nhiễm. Hiện bà con đang khẩn trương các biện pháp phòng chống.

Lo tăng chi phí

Do ảnh hưởng con nước rằm tháng 10 âl vừa qua nên gây tràn bờ đê, ngập nhiều ruộng lúa vừa mới gieo sạ. Nhiều bà con phải bơm nước, cứu lúa. Chị Nguyễn Thị Huyền Hương (Tam Bình) cho biết, sau khi gieo sạ lúa được một đêm thì trời đổ mưa, ngoài đê nước tràn vào ngập ruộng.

Để cứu lúa, chị phải đặt máy bơm ngày đêm. “Tốn cả triệu đồng tiền xăng giờ lúa mới đỡ hơn nhưng còn chết rất nhiều, khoảng 2 công buộc gieo sạ lại chứ không ít!”- chị Hương nói.

Ngoài việc tập trung bơm nước chống ngập úng cho lúa thì nông dân còn phải đối mặt với nỗi lo tăng chi phí sản xuất. Bởi hiện nay, những diện tích lúa bị ảnh hưởng do mưa bão phải cần nguồn giống mới gieo sạ lại, còn với những diện tích bị chết giống ít thì nông dân phải tốn thêm chi phí thuê người giặm lại. 

Vụ lúa Đông Xuân 2016- 2017, toàn tỉnh dự kiến xuống giống 60.000ha, chia làm 3 đợt xuống giống, bắt đầu từ 22/9 và kết thúc vào 8/12/2016.

Cảnh báo của Bộ Nông nghiệp- PTNT trong vụ Đông Xuân này, ngoài một số tỉnh- thành ĐBSCL thì Vĩnh Long cũng sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng hạn mặn. Vì vậy, cần căn cứ vào thực tế sản xuất vừa qua để tính toán diện tích, thời vụ gieo trồng hợp lý nhằm hạn chế ảnh hưởng, thiệt hại do thiếu nước, xâm nhập mặn.

Để chủ động ứng phó, Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết, cũng đã bố trí lịch thời vụ. Cụ thể, đối với các vùng có khả năng bị ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn ở 3 huyện Vũng Liêm, Mang Thít và Trà Ôn khuyến cáo nên bố trí lịch gieo sạ trong đợt 1 và đợt 2 (từ 22/9- 12/11/2016).

Nếu không bố trí được trong 2 đợt nên khuyến cáo người dân chuyển đổi cây trồng để hạn chế tối đa thiệt hại do hạn mặn.

Bên cạnh đó, xem xét tích trữ nước hợp lý vào hệ thống kinh mương, ao, đầm, khu vực trũng phục vụ sản xuất. Một số địa phương cũng cho biết đang khẩn trương quy hoạch lại sản xuất, trong đó cắt giảm diện tích gieo sạ ở những vùng đặc biệt khó khăn về nguồn nước ngọt, chuyển sang cây trồng cạn, trồng cỏ phát triển chăn nuôi để giảm thiệt hại.

  • Bài, ảnh: HOÀNG MINH