Đàn bò miền Tây… "khát" cỏ!

Cập nhật, 07:24, Chủ Nhật, 08/05/2016 (GMT+7)

Do ảnh hưởng của El Nino mùa mưa 2015 kết thúc sớm, nên mùa khô năm 2016, các tỉnh ĐBSCL thiếu nước ngọt. Mặt khác, mặn xuất hiện sớm 2 tháng xâm nhập sâu 40- 90km, tăng 10- 15km so với các năm trước gây khó khăn cho sản xuất và đời sống người dân. Mặn lấn sâu vào nội đồng làm


không chỉ cây lúa, hoa màu, cây ăn trái khát nước, người dân thiếu nước sinh hoạt mà đàn bò miền Tây cũng khát rơm, khát cỏ trước cơn đại hạn này.

Đàn bò Trà Vinh khát rơm, khát cỏ.
Đàn bò Trà Vinh khát rơm, khát cỏ.

Năm nay, hạn, mặn ở ĐBSCL diễn ra gay gắt gây khó khăn cho sản xuất và đời sống người dân. Tại Trà Vinh, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu,… cây lúa, hoa màu, cây ăn trái thiếu nước; người dân thiếu nước sinh hoạt; đàn bò cũng khát rơm, khát cỏ.

Nông dân Thạc Sóc (xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang- Trà Vinh) than thở: “Canh tác 2 công ruộng sản xuất 3 vụ mỗi năm thì đảm bảo đủ nguồn rơm cho 4 con bò ăn cả năm. Vụ Đông Xuân năm nay khô hạn, mặn tràn vào nội đồng lúa chết khô nên đàn bò không đủ rơm để ăn.

2 tháng nay, tôi phải bỏ ra 2,5 triệu đồng mua 100 cuộn rơm (mỗi cuộn 15kg, giá 25.000 đ/cuộn) để có đủ thức ăn cho bò. Trước đây, rơm người ta cho không, giờ mỗi công phải mua từ 300.000- 350.000đ, mà muốn có phải dặn trước cả tháng trời”.

Hơn 15 năm chăn nuôi bò sinh sản, từ đầu năm 2016 đến nay, ông Nguyễn Văn Reo (xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang- Trà Vinh) nảy ra sáng kiến chuyển sang “kinh doanh” rơm cuộn, phần lợi từ bán rơm cuộn cũng đủ cho 9 con bò của ông ăn hàng ngày.

Ông Reo kể: Nghề nuôi bò sinh sản phát triển mạnh những năm gần đây ở Vinh Kim. Toàn xã có tổng đàn bò hơn 4.560 con là 1 trong 3 địa phương có đàn bò cao nhất huyện. Do nắng hạn, lúa thất mùa nên rơm thiếu trầm trọng, còn cỏ thì không đủ cho bò nên nguồn rơm cuộn bán rất chạy. Lúa thất thì nguồn rơm cuộn lấy từ đâu?

Nghe tôi hỏi, ông đáp: “Đàn bò tại địa phương khát rơm, khát cỏ nên hiện nay người ta tranh mua, tranh bán rơm cuộn gay gắt lắm. Nông dân nuôi bò tỉnh Bến Tre cũng sang tận đây mua. Còn nguồn rơm cuộn chủ yếu lấy từ Long An, Sóc Trăng, Vĩnh Long…”.

 Nông dân Nguyễn Văn Reo (xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang- Trà Vinh) “kinh doanh” rơm cuộn mùa này khá hiệu quả.
Nông dân Nguyễn Văn Reo (xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang- Trà Vinh) “kinh doanh” rơm cuộn mùa này khá hiệu quả.

Ông Dương Văn Đởm- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT Cầu Ngang chia sẻ: Cầu Ngang có đàn bò cao nhất tỉnh với hơn 42.500 con. Hiện nay do vụ lúa Đông Xuân thất mùa trên diện rộng nên nguồn thức ăn rơm rạ cho đàn bò thiếu trầm trọng, trong khi diện tích trồng cỏ nuôi bò chưa nhiều.

Trước đây 1 công rơm giá từ 200.000- 250.000đ, giờ thì lên đến 350.000đ. Biến đổi khí hậu đang tác động bất lợi không chỉ trồng trọt, nuôi trồng thủy sản mà ngay cả chăn nuôi- nhất là chăn nuôi bò- đang đối mặt với thách thức khó khăn mới.

Vì vậy, sắp tới nông dân nên thay đổi phương thức chăn nuôi truyền thống, mạnh dạn chuyển một số diện tích đất trồng lúa gò cao kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò. Có như thế mới chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò...

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT Trà Vinh, toàn tỉnh hiện có đàn bò hơn 140.000 con, do ảnh hưởng hạn hán và xâm nhập mặn, tỉnh Trà Vinh có 22.635ha lúa Đông Xuân bị thiệt hại, sản lượng lúa sụt giảm trên 60.000 tấn, nên nguồn rơm thiếu hụt trầm trọng.

Tại tỉnh Bến Tre, năm nay hạn, mặn khốc liệt khiến lúa chết tràn lan, kéo theo nguồn rơm giảm mạnh, vì thế đàn bò bị thiếu rơm ăn. Không riêng Trà Vinh, Bến Tre mà đàn bò các tỉnh ĐBSCL cũng lâm cảnh khát cỏ, khát rơm trong cơn đại hạn.

Theo Viện Lúa ĐBSCL: Với sản lượng trên 20 triệu tấn lúa/năm, mỗi năm khu vực ĐBSCL có khoảng trên 20 triệu tấn rơm rạ.

Hiện nay, việc thu hoạch lúa cơ bản bằng máy gặt đập liên hợp rất thuận lợi cho việc tận dụng nguồn rơm dồi dào tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng, như: chế biến thức ăn chăn nuôi bò, than sinh học, phân bón và góp phần bảo vệ môi trường.

Bài, ảnh: KỲ DUYÊN