Ép mít "chín lúc nào cũng được" bằng thuốc lạ

Cập nhật, 08:33, Thứ Sáu, 06/05/2016 (GMT+7)

Chỉ cần một ống thuốc có xuất xứ từ Trung Quốc nhỏ trực tiếp vào phần cuống mít theo một liều lượng nhất định, những quả mít xanh sẽ chín bất cứ lúc nào. Đó là mánh khóe "kiếm cơm" của nhiều thương lái buôn mít ở một số khu chợ đầu mối tại TP.HCM.

Muốn mít chín lúc nào cũng được

Mùa mít ở các tỉnh phía Nam chưa bắt đầu tuy nhiên ở các chợ đầu mối trên địa bàn TP.HCM như chợ nông sản Thủ Đức (quận Thủ Đức), chợ Bình Chánh, chợ Hóc Môn... loại hoa quả này đã được bày bán rất nhiều với giá đắt hơn lúc chính vụ nhiều lần.

Không chỉ được bày bán ở các khu chợ đầu mối lớn, loại trái cây này còn được bán khá nhiều ven quốc lộ. Điều dễ nhận biết của loại mít này là không có mùi thơm ngào ngạt như những loại mít chín tự nhiên, bên ngoài vỏ mít vẫn còn xanh nhưng bên trong mít đã chín vàng.

Mít đã chín nhưng vỏ vẫn xanh và không thơm.
Mít đã chín nhưng vỏ vẫn xanh và không thơm.

Qua tìm hiểu từ một số thương lái, PV báo HN&PL được biết, đây đều là mít được vận chuyển từ những vựa trái cây dưới miền Tây lên. Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao mít chín mà vỏ vẫn xanh hay mít chín mà không có mùi thơm thì những tiểu thương này đều không trả lời hoặc tìm cách lảng tránh.

Với mong muốn tìm ra lời giải đáp cho những câu hỏi trên, PV quyết định thâm nhập thực tế để tìm hiểu.

Trong vai người đi buôn, PV dạo quanh các điểm bán mít ở những khu chợ lớn để dò mối. PV ghé vào một điểm bán mít nằm trên đường Quốc lộ 13 (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM) để đặt vấn đề.

Gian hàng nhỏ rộng chưa đầy 10m2 nhưng lúc nào cũng tấp nập kẻ ra người vào. Chủ cửa hàng là một người đàn ông trung niên tên Công, hành nghề buôn mít đã 5 năm nay.

Trong khi khách mua hàng người nắn, người vỗ, người cúi sát vào quả mít để xem có mùi thơm hay không thì người chủ đứng gần đó luôn miệng giới thiệu đây là mít nhà, mít lấy tại vườn và cam kết đảm bảo chất lượng.

Sau một hồi trò chuyện, PV đặt vấn đề đang cần mua một số lượng lớn mít để về bán cho khách du lịch vì bây giờ đang vào mùa lễ hội, khách thập phương đổ về đông nên sức mua tốt. Công mời PV lên gác để trao đổi trong khi gọi vợ ra để trông hàng.

Công cho biết: "Bây giờ miền Nam chưa phải mùa mít, hàng bọn anh cũng nhập tận miền Tây lên nên giá thành khá cao, giá bán lẻ là 20 ngàn đồng/kg, còn nếu các chú lấy được nhiều thì anh đổ giá 18 ngàn đồng/kg, giao trước nửa tiền, nhận biên lai, hai ngày sau thì có hàng ra".

Mít bị dùng hóa chất để thúc chín.
Mít bị dùng hóa chất để thúc chín.

PV tiếp lời Công: "Cái khó bây giờ là khâu vận chuyển. Bọn em cũng mới đi buôn nếu nhập mít chín thì không vận chuyển đi xa và cũng không bảo quản được, còn nếu nhập mít xanh về thì không biết bao giờ mới chín để kịp bán".

Nghe đến đây, Công phá lên cười rồi giải thích luôn: "Đúng là các cậu mới đi buôn thật, chứ giờ ai lại nhập mít chín, có nhập là nhập mít xanh ấy, còn đến nơi rồi muốn chín lúc nào thì "tác động" vào một tý là được".

Chữ "tác động" Công ngân dài, cộng thêm ánh mắt tinh quái đánh về phía khách mua như mách nước. Thấy khách mua vẫn còn lơ mơ trước câu nói của mình,

Công với tay dưới gầm giường, bê ra một quả mít vẫn còn dính nhựa để làm giáo cụ trực quan luôn. Tay Công vỗ vỗ lên quả mít, xoay đều chỉ vào cuống mít chỉ dạy tận tình.

Theo như lời Công, mít xanh sau khi được nhập về sẽ có tuyệt chiêu riêng để "hô biến" thành mít chín chỉ sau một ngày. Loại "thần dược" có tác dụng “ép” cho mít chín này có xuất xứ từ Trung Quốc, chỉ cần pha theo chỉ dẫn, nhỏ hoặc tiêm trực tiếp vào cuống mít, bọc nilon chỗ tiêm thuốc vào là sau một thời gian ngắn mít sẽ chín.

Tuy nhiên, do tác dụng của thuốc nên mít dù chín nhưng vỏ ngoài vẫn có màu xanh chứ không chuyển thành màu nâu như mít chín tự nhiên và mùi thơm cũng sẽ không ngào ngạt. Đây là loại "thần dược" mới xuất hiện trong năm 2016 này, "thần dược" làm chín mít được dùng trước đều đã lỗi thời rồi.

Công lưu ý thêm: "Nếu muốn mít chín càng nhanh thì liều lượng pha càng tăng lên, ví dụ như các chú muốn nay tiêm mà mai mít chín thì cứ thế đổ vào, không phải pha gì, nồng độ thuốc càng loãng, thời gian mít chín sẽ càng lâu. Anh nói thế để các chú về tiện đường mà cân đối.

Thêm nữa là khi sử dụng nhớ phải đeo bao tay, thuốc này mà dính vào tay thì cháy cả tay chứ chẳng đùa đâu". Thấy PV hỏi thăm nơi mua, Công cho biết: "Cứ đến cửa hàng thuốc trừ sâu, hỏi mua thuốc thúc chín hoa quả hai ngàn đồng một liều là họ bán cho ngay, chỗ nào cũng bán hết".

Bật mí loại "thuốc độc" giúp mít nhanh chín

Qua quá trình tìm hiểu ở một vài cơ sở chuyên bán mít khác, PV đều nhận được lời tâm sự từ những tiểu thương là họ đều sử dụng phương pháp tiêm thuốc kích thích để mít nhanh chín.

Lý giải về mục đích của việc làm này bà Hoa, một mối buôn mít khác cho biết, bên cạnh việc ép mít chín để bán được giá thì họ coi đây như một phương pháp để bảo quản mít, giảm thấp nhất rủi ro trong quá trình tiêu thụ sản phẩm.

"Chúng tôi đều là những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, hơn nữa, việc dùng thuốc kích thích để mít nhanh chín tôi nghĩ cũng không có vấn đề gì, cũng như ngày trước nhiều người vẫn dùng đất đèn để rấm cà chua, hoa quả.

Bản thân tôi cũng bán hàng ở đây bao nhiêu năm nhưng chưa thấy có khách hàng nào phản ánh ăn mít gặp vấn đề gì về sức khoẻ cả", bà Hoa nói.

Tiếp tục đem những gợi ý của Công về về loại thuốc kích thích hoa quả chín đến một số địa điểm buôn bán thuốc bảo vệ thực vật ở ngoại thành TP.HCM thì đều nhận được câu trả lời là có loại thuốc đó.

Tuy nhiên, thay bằng thái độ chào đón thì những chủ cửa hàng ở đây đều tỏ ra rất cẩn trọng mỗi khi có khách hỏi mua loại thuốc này.

Khó phân biệt được mít chín ép và mít chín cây.
Khó phân biệt được mít chín ép và mít chín cây.

Về đặc điểm nhận dạng, thuốc rấm chín hoa quả có hai loại, một loại màu trắng, trong khi loại còn lại có màu vàng ngà.

Bao bì được thiết kế bắt mắt với hàng loạt các loại trái cây quen thuộc ở Việt Nam như chuối, hồng, đu đủ... đặc biệt, trên bao bì của sản phẩm không hề có hướng dẫn sử dụng, thành phần... mà chỉ có hàng chữ Việt Nam "Hoa quả thúc chín tố".

Nơi sản xuất cũng được ghi rõ ràng bằng tiếng Việt dưới cuối bao bì "nhà máy nông nghiệp hoá công Nam Ninh, Quảng Tây", cùng dòng lưu ý ghi bằng tiếng Việt "loại thuốc này có thể ăn mòn kim loại".

Bên cạnh đó, trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật của bộ NN&PTNT có hiệu lực kể từ ngày 15/3/2015 không có bất cứ tên thuốc nào là "Hoa quả thúc chín tố".

Giá thành của loại thuốc này ở mỗi cửa hàng lại có sự chênh lệch. Nếu như ở một vài cửa hàng thuộc huyện Bình Chánh (TP.HCM), mức giá chỉ là ba ngàn đồng/lọ 15ml và 25 ngàn đồng/vỉ 10 lọ, thì trên địa bàn quận 12 (TP.HCM), giá của mỗi lọ 15ml được đẩy lên mức năm ngàn đồng/lọ 15ml.

Lý giải về sự chênh lệch này, một chủ cửa hàng trên địa bàn quận 12 cho biết: "Thuốc này bọn chị lấy chui, chứ trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép bán ở nước ta không có loại này. Cán bộ đi kiểm tra mà bị phát hiện là bị phạt nặng lắm, chính vì vậy nên giá mới được độn lên một chút".

Nhận biết mít chín bằng thuốc

Trao đổi với PV, thạc sĩ Phan Hải Nam (chuyên gia nông nghiệp Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) cho hay: "Việc phân biệt mít chín cây hay dùng thuốc hoàn toàn có thể thực hiện bằng mắt thường. Theo đó, nếu quả mít chưa già, có gai bên ngoài nhọn, dày đặc và có màu xanh tươi mà múi mít bên trong đã chín thì chắc chắn là được “ép” chín bằng thuốc. Bên cạnh đó, khu vực gần cuống mít (chỗ thường dùng để tiêm thuốc kích thích) sẽ bị nhũn thối, trong khi phần đít quả lại chín tới, không có mùi thơm ngào ngạt. Mít chín tự nhiên sẽ có những đặc điểm như gai nở to, mít chuyển màu nâu vàng, chín đều từ cuống đến đít quả".

Theo Trần Nga (Đời sống pháp luật)