Để sản xuất vụ Hè Thu đạt hiệu quả cao

Cập nhật, 13:58, Thứ Ba, 18/04/2023 (GMT+7)
Nông dân tập trung làm đất để xuống giống.
Nông dân tập trung làm đất để xuống giống.

(VLO) Vụ lúa Hè Thu, tuy giá phân bón có giảm song nông dân sản xuất lúa vẫn đứng trước không ít áp lực về thời tiết, chi phí đầu vào. Trước tình hình này, ngành nông nghiệp tỉnh chủ động triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo sản xuất hiệu quả.

Tỉnh Vĩnh Long dự kiến gieo sạ khoảng 41.000ha lúa Hè Thu. Năm nay, nhuần 2 tháng 2 âl nên nông dân không bị áp lực về thời vụ, kéo dài đến hết tháng 4 dương lịch.

Ghi nhận ở các địa phương, nông dân gieo sạ phổ biến trên 15 kg/công, để đảm bảo mật độ cũng như chú trọng các biện pháp canh tác để giảm giá thành.

Nhiều tuần nay, nông dân tỉnh Vĩnh Long tập trung gieo sạ lúa Hè Thu. Ghi nhận tại các địa phương, nông dân làm đất, xuống giống thuận lợi.

Tại nhiều cánh đồng, để chuẩn bị cho vụ lúa Hè Thu, ngay sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân, cho đất nghỉ ngơi ít lâu thì nông dân đã tập trung cày, xới, phơi đất hơn 3 tuần để cắt nguồn sâu bệnh còn lưu tồn ở vụ trước.

Nông dân chang bằng mặt ruộng, tạo rãnh thoát nước thật kỹ nhằm giúp hạt lúa bắt rễ tốt ngay khi gieo sạ, đồng thời không bị khô do nắng nóng.

Chú Trần Văn Năm (xã Phú Đức, huyện Long Hồ) cho biết: “Vụ này tôi sạ OM5451 ngắn ngày, có thời gian sạ lấp vụ, dư thời gian xới bỏ nền để làm tiếp vụ sau”.

Anh Nguyễn Văn Bé (xã Hòa Lộc, huyện Tam Bình) cho hay: “Xới khô rồi thả nước vô máy xới lại lần nữa, máy đánh đường nước rồi rải. Tôi sạ giống mới, thơm nhẹ.

Năm nay không ai sạ chay hết. Tại vì sạ chay nó bị hư đất dữ lắm, không trúng mà cũng nặng phân, dễ đổ ngã”.

Theo Chi cục Trồng Trọt và BVTV, vụ này đã xuống giống hơn 30.000ha (đạt gần 79% so với kế hoạch vụ). Trà lúa Hè Thu sớm đã giai đoạn chắc xanh chín trên 1.000ha.

Hiện tại, diện tích xuống giống chính vụ tập trung giai đoạn mạ đến đẻ nhánh, vẫn còn đang tiếp tục xuống giống.

Tuy nhiên, những ngày này, thời tiết nắng nóng, xen lẫn những cơn mưa, khiến nông dân cũng lo lắng vụ mùa bị ảnh hưởng.

Nhiều nông dân cho hay: vụ này, đầu vụ thường xảy ra nắng nóng, đất bị nhiễm phèn, một số cơn mưa xảy ra cũng ảnh hưởng đến giống lúa sau sạ, dịch bệnh trên lúa.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV, thời điểm này, ban ngày nắng nóng xen kẽ mưa trái mùa, về đêm ẩm độ không khí cao kết hợp trà lúa Hè Thu đang giai đoạn sung yếu tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát sinh phát triển.

Để phòng ngừa bệnh đạo ôn, lem lép hạt trên lúa hiệu quả trong điều kiện hiện nay nên áp dụng tổng hợp các biện pháp canh tác ngay từ đầu vụ như: sạ thưa, giống ít nhiễm, làm đất bằng phẳng, bón phân cân đối kết hợp thăm đồng thường xuyên khi thấy có dấu hiệu chớm bệnh bà con ngưng bón phân đạm- phân bón lá.

Cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh, đối với ruộng trồng giống nhiễm, có thể kết hợp phun ngừa bệnh đạo ôn cổ bông và bệnh lem lép hạt khi lúa trổ lác đác và lần 2 khi lúa trổ đều.

Theo dõi kiểm tra thường xuyên mật số rầy nâu ngoài đồng, chỉ can thiệp thuốc đặc trị khi rầy cám nở rộ tuổi 2-3 và mật số trên 3.000 con/m2.

Để phòng trừ hiệu quả sâu cuốn lá nông dân cần tích cực kiểm tra, theo dõi sự phát triển của sâu. Hạn chế phun thuốc trừ sâu cho lúa dưới 40 ngày để bảo tồn thiên địch vì giai đoạn này khi sâu gây hại ở mật độ thấp, sự thiệt hại không đáng kể do cây lúa có khả năng tự bù đắp.

Trong giai đoạn lúa đẻ nhánh chỉ nên phun thuốc khi mật độ sâu xuất hiện khoảng 30-40 con/m2. Trong giai đoạn đòng-trổ mật độ khoảng 15-20 con/m2 phải tiến hành phun đúng thuốc. Quan sát đồng ruộng khi thấy xuất hiện sâu tuổi 1-3 thì tiến hành phun thuốc hiệu quả sẽ cao hơn.

Đồng thời, khuyến cáo nông dân phải tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách khi phun thuốc, thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng để đúng nơi quy định nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, cho biết: Nông dân cần ứng dụng công nghệ mới hiện nay vào sản xuất như sạ thưa, theo hàng, theo khóm. Áp dụng các biện pháp máy phun thuốc không người lái để giảm chi phí, giảm công, tăng lợi nhuận, hiệu quả.

Đặc biệt hiện nay, tỉnh đang định hướng sản xuất theo hướng an toàn, hướng hữu cơ, ngành nông nghiệp sẽ hỗ trợ cho các HTX, tổ hợp tác có liên kết hình thành lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ của tỉnh định hướng đến năm 2025 có 900ha lúa chứng nhận hữu cơ.

Cây lúa vẫn là cây trồng chủ lực của tỉnh, là nguồn kinh tế chính của phần lớn nông dân Vĩnh Long. Với sự nỗ lực của nông dân cùng những hỗ trợ của ngành nông nghiệp sẽ góp phần giúp nông dân sản xuất thắng lợi vụ lúa Hè Thu năm nay, vụ lúa quan trọng thứ hai trong năm.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG