Chương trình hợp tác kinh tế- xã hội TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL

Tạo lập không gian phát triển chung

Cập nhật, 05:36, Thứ Năm, 20/04/2023 (GMT+7)
KCN Bình Minh (Vĩnh Long). Ảnh: NGUYỄN VINH HIỂN
KCN Bình Minh (Vĩnh Long). Ảnh: NGUYỄN VINH HIỂN

(VLO) Chương trình hợp tác kinh tế- xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL được đánh giá đạt nhiều kết quả tích cực, có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực. Qua nhiều hoạt động cho thấy, sự hợp tác góp phần tạo gắn kết, tạo lập không gian kinh tế chung cho phát triển kinh tế của toàn vùng để phát huy tốt nhất lợi thế của từng địa phương.

Kỳ 1: Hợp tác cùng phát triển

Vấn đề liên kết, hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL giữ vai trò hết sức quan trọng và là một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Hiệu quả trên nhiều lĩnh vực

Ông Trần Ngọc Tam- Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, khẳng định TP Hồ Chí Minh là động lực, đầu tàu dẫn dắt với vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục và đào tạo... của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, có nguồn nhân lực chất lượng cao, là thị trường tiêu thụ lớn và là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới.

TP Hồ Chí Minh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp ngày càng lớn trong cơ cấu khu vực dịch vụ, cơ cấu kinh tế; lưu thông hàng hóa xuyên suốt, góp phần đảm bảo cân đối cung- cầu, ổn định giá cả thị trường.

Đặc biệt, thành phố đã triển khai thực hiện tốt vai trò kết nối cung- cầu hàng hóa; quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) xúc tiến, mở rộng thị trường tại các địa phương.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm và Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu tham quan các sản phẩm trưng bày dịp Hội nghị Xúc tiến đầu tư về du lịch và thương mại giữa Vĩnh Long và TP Hồ Chí Minh năm 2022.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm và Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu tham quan các sản phẩm trưng bày dịp Hội nghị Xúc tiến đầu tư về du lịch và thương mại giữa Vĩnh Long và TP Hồ Chí Minh năm 2022.

Lấy TP Cần Thơ làm trung tâm của ĐBSCL, trên cơ sở phát huy lợi thế, TP Cần Thơ cũng là địa phương được hưởng nhiều lợi ích từ sự hợp tác.

Theo đó, Cần Thơ được sự quan tâm đầu tư của Trung ương trong xây dựng các tuyến giao thông liên vùng, hình thành các khu công nghiệp, đô thị lớn quy mô vùng để giải quyết bài toán tổng thể để kết nối. Từ đó đã định hình không gian phát triển, quy hoạch hạ tầng kết nối với TP Hồ Chí Minh của cả vùng ĐBSCL.

Có thể khẳng định, các chương trình hợp tác đã phát huy tốt nhất lợi thế so sánh của các tỉnh trong vùng. Qua đó, trên cơ sở phối hợp có trọng tâm, trọng điểm, đã ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu mà vùng có lợi thế, tạo môi trường thuận lợi và tiền đề cho sự phát triển chung của cả vùng như: hợp tác phát triển để kết nối mạng lưới hạ tầng giao thông; hạ tầng thông tin và truyền thông; cung cấp điện, nước, hạ tầng và sản phẩm du lịch; kinh tế biển và đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng nhân lực phục vụ phát triển du lịch…

Tháo gỡ điểm nghẽn, hợp tác phát triển

Tuy các chương trình hợp tác thời gian qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, Theo UBND TP Hồ Chí Minh, chương trình cũng còn nhiều khó khăn do các hoạt động, chương trình chưa đạt được chiều sâu, nhiều nội dung mang tính dàn trải.

Các cuộc gặp gỡ kết nối còn hình thức, đặt nặng về các tuyên bố chung nhưng chưa bàn bạc thảo luận chuyên sâu các lĩnh vực có thể hợp tác hiệu quả, chưa có kế hoạch cụ thể triển khai chương trình sau khi ký kết.

Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út đề xuất phải thống nhất quan điểm rằng liên kết phát triển kinh tế- xã hội của vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh là vấn đề chung, đòi hỏi sự đồng lòng của tất cả địa phương trong vùng, TP Hồ Chí Minh, cộng đồng DN. Do vậy, Long An đề xuất thành lập Hội đồng liên kết giữa vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh. Vì “muốn đi xa phải đi cùng nhau”.

Từ năm 2011 đến nay, chương trình kết nối cung- cầu ngày càng được mở rộng cả về quy mô và chất lượng, số lượng địa phương, DN tham gia ngày càng tăng, các biên bản ghi nhớ, hợp đồng kinh tế được các bên ký kết ngày càng nhiều, riêng hội nghị năm 2022 có 581 biên bản ghi nhớ.

Tuy nhiên, theo các DN, việc đưa hàng hóa DN phân phối, siêu thị lớn của TP Hồ Chí Minh còn nhiều khó khăn như: chưa tiếp cận được nhà phân phối lớn, sản phẩm tốt chưa được công nhận, kết nối giao thương bằng thương mại điện tử chưa nhiều, các mục tiêu hướng đến các tiêu chí xanh- sản phẩm xanh, các vấn đề “giải cứu” nông sản trong thời gian qua,…

Ông Võ Văn Hoan- Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho rằng để tháo gỡ các nút thắt, rào cản giữa DN sản xuất và phân phối đòi hỏi các DN, cơ quan quản lý phải xem đây là nhiệm vụ của mình và hình thành chuỗi sản xuất kinh doanh đầu tư và phát triển, gắn kết sản xuất với phân phối và tiêu dùng…

Do vậy, Sở Công Thương thành phố tiếp tục phát huy vai trò đầu mối, phối hợp chặt chẽ với sở công thương các tỉnh, thành đẩy mạnh kết nối trực tuyến, phát huy các giải pháp ứng dụng thương mại điện tử trong kết nối giao thương, tạo điều kiện thuận lợi để các DN gặp gỡ, trao đổi…

Qua đó từng bước thiết lập kênh phân phối trực tuyến, định hướng xuất khẩu hàng hóa đặc trưng. Đặc biệt tập trung vào các sản phẩm có tính nội địa hóa và tính đặc trưng địa phương, phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “Hàng Việt Nam ưu tiên cho người Việt Nam”…

Các tỉnh, thành ĐBSCL với những lợi thế, tiềm năng sẵn có sẽ phát huy sức mạnh khi có sự liên kết chặt chẽ với TP Hồ Chí Minh.
Các tỉnh, thành ĐBSCL với những lợi thế, tiềm năng sẵn có sẽ phát huy sức mạnh khi có sự liên kết chặt chẽ với TP Hồ Chí Minh.

Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, việc hợp tác trong thời gian tới giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL cần có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu mà từng địa phương, DN có lợi thế, những mong muốn, yêu cầu gì của địa phương, DN đối với TP Hồ Chí Minh và đối với vùng.

Việc liên kết phát triển phải tạo lập được không gian kinh tế chung cho tăng trưởng của toàn vùng và của TP Hồ Chí Minh, phát huy tốt nhất lợi thế từng địa phương và của vùng, mở ra cơ hội mới để thu hút các dự án từ các nhà đầu tư TP Hồ Chí Minh cho các địa phương trong vùng.

Tại hội thảo “Xây dựng sản phẩm tiêu chuẩn Halal từ vùng ĐBSCL để tiếp cận các quốc gia Hồi giáo” do TP Hồ Chí Minh tổ chức, các DN vùng ĐBSCL nắm rõ các quy trình sản xuất và kiểm định sản phẩm theo tiêu chuẩn Halal và các điều kiện để được cấp chứng nhận Halal.

Halal theo tiếng Ả rập có nghĩa là hợp pháp hay hợp quy (được phép) chỉ về quy chuẩn tôn giáo mang tính phù hợp về chuẩn mực và giá trị của đạo Hồi, sự hợp pháp ở đây phải theo chuẩn của Kinh Qur’an. Chứng nhận Halal là xác nhận rằng sản phẩm nào đó đạt yêu cầu về các thành phần và hội đủ điều kiện trong sản xuất và đáp ứng yêu cầu Tiêu chuẩn Halal.

Kỳ cuối: Vĩnh Long cần tận dụng cơ hội, phát huy lợi thế

Bài, ảnh: KHÁNH DUY