Vĩnh Long hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững

Cập nhật, 07:18, Thứ Năm, 01/09/2022 (GMT+7)

 

Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội của tỉnh được tăng cường đầu tư, tạo động lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội của tỉnh được tăng cường đầu tư, tạo động lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Vĩnh Long là tỉnh thuần nông có điểm xuất phát thấp, nông dân chủ yếu sống nhờ vào cây lúa- “con trâu đi trước cái cày theo sau”. Thông qua công cuộc đổi mới đất nước, cùng với những chủ trương, chính sách chăm lo kinh tế- xã hội của Đảng và Nhà nước, đến nay tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng được nền tảng kinh tế- xã hội tương đối vững chắc.

Với sự đoàn kết, thống nhất của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã đưa đất nước thoát khỏi cảnh nghèo nàn, lạc hậu, kinh tế- xã hội của tỉnh đạt nhiều thành tựu nổi bật, nền kinh tế từ tăng trưởng nhanh hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững.

Tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Tay ngoái trầu, nhìn ra khoảng sân rộng trước nhà, bà Trần Thị Sáu- ấp Cầu Ván (xã Tân Long Hội, Mang Thít) bồi hồi nhớ lại tuổi thơ của bà trải qua 2 cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng gia đình bà vẫn thường xuyên góp lúa gạo ủng hộ bộ đội với mong ước đất nước được hòa bình, cuộc sống tốt đẹp hơn. Miệng nhai trầu bỏm bẻm, bà Sáu kể: Hồi xưa, chiến tranh tàn phá, đất ruộng đa phần bị địa chủ thâu tóm, nên dân mình nghèo lắm.

Để làm ruộng, phải phác cỏ cao tận đầu, từ lúc gieo cấy đến thu hoạch phải mất 6 tháng, nhưng năng suất chẳng bao nhiêu. Thu hoạch xong thì bó lúa, tuốt lúa, rồi đem phơi, trời mưa thì bưng ra bưng vô muốn “rãn xương sống”… Cái thời khó khăn “con trâu là đầu cơ nghiệp” như vậy, nhưng “thời đó, đang đi cấy ngoài ruộng mà nghe nói Tây vô tới bắc Mỹ Thuận là đã lo chạy giặc”- bà Sáu kể.

Ngày đất nước hòa bình, thống nhất, điều làm cho bà Sáu và mọi người dân rất vui sướng vì đã có thể “an tâm lao động- sản xuất trên mảnh đất của mình”. Thông qua tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, bà con làm nông đã có máy móc hỗ trợ, giúp tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc… giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và giải phóng sức lao động rất lớn.

Ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Trong điều kiện khó khăn của một tỉnh nhỏ, điểm xuất phát thấp, công nghiệp chưa phát triển, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Song, cùng với tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, cơ sở vật chất và năng lực sản xuất mới được tăng cường, đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật tăng về số lượng và chất lượng... đã đưa quy mô nền kinh tế (năm 2021) tăng gấp 38,5 lần, GRDP bình quân đầu người tăng 35,8 lần so với năm 1992.

Đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã hình thành được các ngành công nghiệp chế biến, khai thác có hiệu quả nguồn nguyên liệu và nhân lực tại chỗ, đã hình thành được 3 khu công nghiệp với diện tích gần 736ha, qua đó đã đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng công nghiệp và kinh tế của tỉnh. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch mạnh theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại- dịch vụ và từng bước thực hiện vai trò cầu nối gắn kết sản xuất với tiêu dùng, liên kết thị trường nội tỉnh với cả nước, từng bước thích ứng cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tạo động lực mới cho phát triển

Những năm đầu sau giải phóng, trường học xuống cấp, mưa là ngập, dụng cụ học tập thiếu thốn… Cùng với việc vận động và hỗ trợ của Nhà nước, cơ sở vật chất trường học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đến nay đã xây dựng thay thế toàn bộ các điểm trường tre lá và chuyển sang đầu tư kiên cố, bán kiên cố; 100% trường học có nhà vệ sinh, nước sạch sử dụng. Mạng lưới và quy mô trường học các cấp được mở rộng khắp, đáp ứng tốt nhu cầu giảng dạy và học tập.

Các thiết chế văn hóa đang ngày càng hoàn thiện, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân nông thôn và thành thị.
Các thiết chế văn hóa đang ngày càng hoàn thiện, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân nông thôn và thành thị.

Trong khi đó, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai thực hiện tốt các chính sách, các dự án như hỗ trợ trực tiếp đến người nghèo, hộ nghèo, xã khó khăn, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục, vay vốn, học nghề, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài…

Qua đó, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống dân cư. Điều đáng quý nữa là người cao tuổi được hưởng khá nhiều chính sách như được trợ cấp hàng tháng, cấp thẻ BHYT, ưu tiên khám chữa bệnh, được chúc thọ và tặng quà… “Xưa tôi ước mong được hòa bình để dân mình có cuộc sống tốt đẹp hơn, tôi không nghĩ quê mình sẽ đổi thay như thế này và dân mình có cuộc sống tốt đẹp ngoài sự tưởng tượng như vậy”- bà Sáu nói.

Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời cho biết thêm: Những năm qua, các lĩnh vực văn hóa- xã hội đạt được nhiều tiến bộ đáng kể. Trong đó, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân ngày càng được nâng cao, với tỷ lệ giường bệnh đạt gần 30 giường/vạn dân và gần 9 bác sĩ/vạn dân. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều chỉ còn 2,01%; các chính sách người có công, an sinh xã hội được chú trọng thực hiện; các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc được bảo tồn và phát huy. Quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; chất lượng môi trường được đảm bảo.

Vĩnh Long trên đường phát triển. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình
Vĩnh Long trên đường phát triển. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Để kinh tế- xã hội của tỉnh không ngừng phát triển, đời sống nhân dân không ngừng nâng cao, Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời cho biết: Mục tiêu của tỉnh trong thời gian tới là phát triển kinh tế nhanh, sớm rút ngắn khoảng cách chênh lệch và tiến kịp trình độ phát triển chung của cả nước; xây dựng Vĩnh Long phát triển theo hướng nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ hiện đại.

Trên cơ sở đó, tỉnh định hướng: Tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tiếp tục thực hiện cơ cấu kinh tế “Nông nghiệp, công nghiệp- xây dựng và thương mại- dịch vụ”… Đồng thời, tiếp tục cơ cấu lại ngành công thương, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI