Tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL

Liên kết phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu

Cập nhật, 05:34, Thứ Bảy, 27/08/2022 (GMT+7)
Lãnh đạo các tỉnh trao đổi bên lề hội nghị.
Lãnh đạo các tỉnh trao đổi bên lề hội nghị.

(VLO) “Trong những năm qua, Vĩnh Long luôn xem việc Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Duyên hải phía Đông ĐBSCL là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm mở ra các cơ hội hợp tác chặt chẽ, toàn diện, khai thác tốt nhất các lợi thế hiện có của các bên, mang lại lợi ích chung cho cả tiểu vùng”- Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Quang Ngời phát biểu tại Hội nghị liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Duyên hải phía Đông ĐBSCL.

Để góp phần phát triển các tỉnh trong vùng, Vĩnh Long sẽ phối hợp chặt chẽ để liên kết hợp tác, phát huy hiệu quả lợi thế của vùng.

Mở ra các cơ hội hợp tác

Đề án Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Duyên hải phía Đông ĐBSCL được 4 tỉnh: Vĩnh Long- Tiền Giang- Bến Tre- Trà Vinh thống nhất triển khai thực hiện từ năm 2018 trên 8 lĩnh vực và đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.

Ông Lữ Quang Ngời cho biết: Năm 2020- 2021, tỉnh Vĩnh Long phụ trách nhiệm vụ Trưởng ban Điều hành đề án đã triển khai các hoạt động hợp tác liên kết tiểu vùng.

Mặc dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc triển khai các hoạt động liên kết giữa các tiểu vùng rất khó khăn, các lĩnh vực và kết quả hợp tác hạn chế; tuy nhiên, 4 tỉnh đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động liên kết và đạt được những kết quả nhất định.

Cụ thể, đã góp ý quy hoạch vùng ĐBSCL, quy hoạch tỉnh; phối hợp giữa các tỉnh trong vận động nguồn vốn tài trợ và mức vốn vay lại thực hiện dự án thuộc khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, với những tiềm năng đặc biệt về phát triển du lịch của tiểu vùng, các tỉnh đã chủ động tổ chức khảo sát các tuyến, điểm du lịch nhằm từng bước khôi phục hoạt động du lịch; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong quản lý du lịch, công tác thông tin quảng bá, xúc tiến du lịch.

Bên cạnh đó, triển khai các nội dung để chuẩn bị đầu tư cầu thay thế phà Đình Khao kết nối 2 tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre; phối hợp trong đề nghị Ban Quản lý dự án 8 hỗ trợ đầu tư nâng cấp, cải tạo dự án Quốc lộ 53 đoạn Long Hồ- Ba Si của tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh; phối hợp giữa Vĩnh Long và Tiền Giang với Bộ Giao thông vận tải trong thực hiện một số hạng mục của đường (cầu) cao tốc đoạn Trung Lương- Mỹ Thuận; tỉnh Bến Tre và Tiền Giang phối hợp với Bộ Giao thông vận tải khởi công và triển khai thi công cầu Rạch Miễu 2,…

Song, bên cạnh những thuận lợi, kết quả đã đạt được, đề án liên kết cũng gặp không ít khó khăn về cơ chế tài chính, cũng như việc huy động các nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ, nhất là xây dựng đề án liên kết tiểu vùng.

Ngoài ra, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương khá tương đồng, nhưng tính chất, quy mô, nguồn lực của các lĩnh vực hợp tác khác nhau; một số hoạt động liên kết dừng lại ở hình thức phổ biến mà chưa có những hoạt động, cách làm thiết thực, cụ thể.

Tiểu vùng có những tiềm năng đặc biệt về phát triển du lịch.
Tiểu vùng có những tiềm năng đặc biệt về phát triển du lịch.

Trước những bất cập nêu trên, đại diện tỉnh Vĩnh Long đề xuất các tỉnh không tiếp tục xây dựng đề án liên kết mà tập trung sâu vào các nội dung liên kết đã được thống nhất và đang thực hiện.

Hiện tại nhiều nội dung liên kết hợp tác đang được các tỉnh tiếp tục triển khai; trong đó có một số nội dung về phát triển kết cấu hạ tầng có tính liên tỉnh, liên huyện giữa các tỉnh về thích ứng biến đổi khí hậu, vận hành khai thác các công trình thủy lợi, các lĩnh vực, hoạt động về du lịch, xúc tiến đầu tư.

Liên kết cần có dấu ấn của tiểu vùng

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang- Nguyễn Văn Vĩnh thống nhất cao việc tiếp tục thực hiện chủ trương liên kết tiểu vùng, hướng tới tính chất đặc thù, thế mạnh riêng.

Theo đó, việc liên kết trong thời gian tới của tiểu vùng cần tập trung vào các lĩnh vực: hạ tầng giao thông, du lịch, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, thị trường lao động và phát triển nguồn nhân lực, phòng chống khai thác cát trái phép và đồng thuận giải quyết các vấn đề bất cập, phát sinh từ thực tiễn giữa các địa phương.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre- Trần Ngọc Tam đề xuất, về lâu dài tiểu vùng cần mở rộng liên kết thêm với tỉnh Sóc Trăng.

Nếu điều này được thực hiện, khu vực Duyên hải phía Đông ĐBSCL sẽ hình thành được 3 trung tâm lớn là: Năng lượng sạch, nuôi tôm công nghệ cao và trung tâm lấn biển để tạo thêm quỹ đất cho sự phát triển.

Hơn nữa, Bến Tre cần liên kết vùng sản xuất nông sản với các tỉnh để tạo vùng nguyên liệu tập trung, sản lượng lớn, chất lượng đồng đều, đặc biệt là vùng sản xuất trái bưởi da xanh để xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Đồng thời, ông Tam mong muốn xây dựng cầu Đình Khao trở thành cầu cảnh quan, là điểm nhấn của kết nối vùng, kết nối du lịch. Sau khi có cầu, các tỉnh nên liên kết tổ chức Festival cây trái ngon giữa 3 tỉnh Tiền Giang- Bến Tre- Vĩnh Long.

Cũng tại hội nghị này, Vĩnh Long đã bàn giao nội dung điều hành Đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Duyên hải phía Đông ĐBSCL cho tỉnh Tiền Giang.

Ông Lữ Quang Ngời

Vĩnh Long sẽ phối hợp chặt chẽ hơn việc liên kết hợp tác, phát huy hiệu quả lợi thế của liên kết, góp phần phát triển các tỉnh trong vùng, đưa hợp tác giữa các địa phương trong tiểu vùng ngày càng sâu rộng và hiệu quả hơn. Trong thời gian tới, các tỉnh cần tập trung liên kết trong lập quy hoạch tỉnh, xúc tiến thương mại và du lịch, xây dựng các chương trình, dự án chung của tiểu vùng. Phối hợp nghiên cứu, đề xuất các dự án hạ tầng giao thông kết nối các địa phương trong tiểu vùng và giữa tiểu vùng với vùng ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh vào quy hoạch tỉnh, đặc biệt là tạo đồng thuận trong đàm phán với nhà tài trợ để vay vốn ODA đầu tư tuyến đường bộ ven biển; kiến nghị Trung ương hỗ trợ nguồn vốn để sớm đầu tư xây dựng cầu Đình Khao nối 2 tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre.

Bài, ảnh: THẢO LY