Bánh phồng, bánh quy, bánh trung thu... từ khoai lang tím

Cập nhật, 13:18, Thứ Năm, 04/08/2022 (GMT+7)

 

  Có thể nhiều cây trái, sản vật, thức món địa phương đều rất quen thuộc, nhưng khi biến tấu, cải tiến sẽ góp phần nâng giá trị sản phẩm ấy lên một góc khác.
Có thể nhiều cây trái, sản vật, thức món địa phương đều rất quen thuộc, nhưng khi biến tấu, cải tiến sẽ góp phần nâng giá trị sản phẩm ấy lên một góc khác.

Những thức món quen thuộc hàng ngày từ củ khoai lang tím Nhật đã được biến tấu thành bánh phồng khoai lang, bánh quy khoai lang và bánh trung thu khoai lang (vào mùa trung thu)... đã góp phần đa dạng sản phẩm, nâng giá trị từ củ khoai lang.

Câu chuyện cùng củ khoai lang tím Nhật nguồn gốc từ vùng rẫy Bình Tân được Mr Khoai Lang- anh Nguyễn Thanh Việt- người sáng lập Công ty TNHH Bánh Nhật Ngọc (Phường 8, TP Vĩnh Long) kể… bằng các sản phẩm bánh của mình. Năm 2019, từ thực tế thấy giá khoai lang khá thấp, anh Việt suy nghĩ bên cạnh xuất đi thị trường trong và ngoài nước, sao không tận dụng sản phẩm nông nghiệp này để làm bánh? Cũng như các thức món hàng ngày ai cũng thấy là khoai lang chiên, lắc, luộc, nấu chè, khoai lang sống… bán ở bất kỳ khu chợ nào.

Với trăn trở ấy, anh khởi sự làm bánh từ khoai lang và bánh phồng khoai lang, bánh quy khoai lang, rồi bánh trung thu khoai lang theo mùa vụ. Thuận lợi là có nguồn cung từ “vựa” khoai lang ở Bình Tân, thêm nữa các loại bánh từ khoai lang làm ra sẽ có vòng đời lâu hơn để đi vào thị trường. “Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm bánh khoai lang của mình hiện nay khá nhiều và có tính ổn định”- anh Việt nói, có thể bằng cách nào đó, thông qua sản phẩm bánh phồng, bánh quy, bánh trung thu khoai lang, không ít người đã vượt ra khỏi khuôn khổ về khoai lang là món ăn dân dã mộc mạc, ăn vặt và nâng lên một cảm nhận mới về tính dinh dưỡng, thực dưỡng hiện nay.

Nói về phát triển thị trường, anh Việt cho biết sau 3 năm khởi nghiệp, hiện nay các sản phẩm bánh phồng khoai lang, bánh quy khoai lang và bánh trung thu khoai lang đã đi vào các thị trường ở các vùng miền với định danh “đặc sản địa phương”. Anh kể ở TP Hồ Chí Minh, có khoảng 20 đại lý có bán các sản phẩm này, ở ĐBSCL có tầm 10 đại lý bày bán, còn Hà Nội được 1 đại lý, Đà Nẵng cũng 1 đại lý. “Khi tạo ra được các sản phẩm bánh này, mình tin là góp phần nâng giá trị của củ khoai lang lên một góc khác, khi đa dạng hơn tính đặc trưng từ củ khoai lang bên cạnh xuất khẩu và hơn cả một món ăn sáng, ăn vặt thường thấy”- anh Việt trải lòng về trải nghiệm của mình và nói thêm cũng như cam sành, bưởi Năm Roi, việc có thể tạo nên hình thái mới cho sản phẩm nông nghiệp địa phương là điều có thể nghĩ tới để nâng giá trị sản xuất, giá trị kinh tế của sản phẩm đó.

Từ chỗ ban đầu cơ sở anh Việt có chục mét vuông để làm những sản phẩm bánh khoai lang, nay anh mở rộng lên khoảng 1.000m2 phục vụ sản xuất, trưng bày sản phẩm. Anh Việt cho biết hiện nay, Công ty TNHH Bánh Nhật Ngọc cho ra lò mỗi tháng 7- 8 tấn bánh phồng khoai lang, khoảng 1 tấn bánh quy khoai lang và một lượng không nhỏ bánh trung thu khoai lang vào dịp Tết Trung thu. Với bánh phồng khoai lang, bánh quy khoai lang, sản phẩm đã được tỉnh công nhận đạt OCOP 4 sao. Bánh trung thu khoai lang đang được anh chuẩn bị điều kiện tiến tới chuẩn này. Đón mùa trung thu năm nay, cơ sở sản xuất khoảng 20.000 bánh trung thu khoai lang. Anh Việt kể đang đầu tư hàng trăm triệu đồng để làm túi đựng bánh, làm cho sản phẩm bắt mắt hơn và định danh để đi vào thị trường.

Anh Nguyễn Thanh Việt bên các sản phẩm bánh phồng khoai lang, bánh quy khoai lang của mình.
Anh Nguyễn Thanh Việt bên các sản phẩm bánh phồng khoai lang, bánh quy khoai lang của mình.

3- 4 năm khởi nghiệp từ củ khoai lang bằng cách biến tấu ra các loại bánh như đã kể, anh Việt cũng như các nhân sự của mình tâm niệm rằng: “Phải làm bằng cái tâm của mình để tạo ra các loại bánh khoai lang tốt nhất cho khách hàng, để mọi người biết tới tỉnh nhà không chỉ là “vựa” khoai lang mà còn trải nghiệm được các loại bánh làm từ củ khoai lang như một “đặc sản”, cũng như vươn xa đến các vùng miền, địa phương khác”.

Gọi tên nhau bằng sản phẩm khởi nghiệp của mình

Anh Việt kể cách gọi này cho dễ xưng hô, dễ nhớ nhau khi đem sản phẩm của mình đi thi khởi nghiệp. Vậy nên có bạn nữ khởi nghiệp ở TP Hồ Chí Minh làm nước rau má nên được mọi người gọi là “cô bé rau má”, anh bạn làm nấm rơm được gọi “anh nấm rơm”, anh bạn làm khô trâu gọi là “anh khô trâu”, cô gái làm mật hoa dừa ở Bến Tre có nickname “cô gái mật hoa dừa”, và như anh Việt làm sản phẩm từ củ khoai lang được gọi luôn Mr Khoai Lang,... Đây cũng là cách định danh, định vị sản phẩm khởi nghiệp đặc trưng và tâm huyết của mỗi người làm khởi nghiệp đó.

“Chia ngọt sẻ bùi, nâng tầm giá trị khoai lang”- anh Việt cho biết bộ sản phẩm bánh từ khoai lang là dự án khởi nghiệp tiên phong của tỉnh, đã tham gia các cuộc thi khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đến nay, các sản phẩm bánh khoai lang đoạt giải nhì khởi nghiệp ĐBSCL năm 2018, giải nhất khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Long năm 2019, top 30 dự án do Trung ương Đoàn kết hợp với BSA tổ chức năm 2019, 2020.

Bài, ảnh: MINH THÁI