Xây dựng đô thị, chuỗi đô thị thông minh

Cập nhật, 15:27, Thứ Tư, 06/07/2022 (GMT+7)

 

Xây dựng đô thị thông minh- xây dựng môi trường đô thị ngày càng đáng sống hơn. Ảnh: SÔNG HẬU
Xây dựng đô thị thông minh- xây dựng môi trường đô thị ngày càng đáng sống hơn. Ảnh: SÔNG HẬU

(VLO) Để phát triển và hình thành những đô thị (ĐT) thông minh trước hết phải thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trong các lĩnh vực, trong đó cần chú trọng hàng đầu đến chuyển đổi số trong quản lý ĐT.

Theo ông Trần Quốc Thái- Cục trưởng Cục Phát triển ĐT (Bộ Xây dựng), bên cạnh những kết quả tích cực, các nỗ lực xây dựng và phát triển ĐT thông minh chưa có nhiều tiến bộ rõ nét.

Theo đó, thiếu cảnh báo sớm để hạn chế các thiệt hại, thiên tai, bão lũ, cũng như đề xuất các khuyến nghị, giải pháp, các vấn đề trực tiếp liên quan đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Bên cạnh, những nỗ lực để kiểm soát và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của ĐT như cây xanh, mặt nước tự nhiên, nỗ lực để ĐT xanh hơn, sạch hơn, đáng sống hơn, bền vững hơn chưa nhiều.

Mặt khác, các giải pháp để đa dạng hóa nguồn lực cho thực hiện các ý tưởng, sáng kiến, nỗ lực xây dựng và phát triển ĐT thông minh chưa nhiều, chủ yếu vẫn dựa vào nguồn lực từ ngân sách.

Tại Vĩnh Long, thực hiện Quyết định số 3613/QĐ- UBND, ngày 31/12/2020 của UBND tỉnh phê duyệt kiến trúc ICT phát triển ĐT thông minh tỉnh Vĩnh Long, phiên bản 1.0, năm 2021, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu triển khai thí điểm dịch vụ ĐT thông minh.

Cần xây dựng hạ tầng số, chú trọng chuyển đổi số trong phát triển đô thị. Ảnh: THẢO LY
Cần xây dựng hạ tầng số, chú trọng chuyển đổi số trong phát triển đô thị. Ảnh: THẢO LY

Các ứng dụng trong thí điểm dịch vụ ĐT thông minh đều kết nối và chia sẻ, tập trung và thông suốt cho người sử dụng; tích hợp với các hệ thống công nghệ thông tin sẵn có, tích hợp, đồng bộ dữ liệu từ các hệ thống sẵn có về Trung tâm Giám sát, điều hành dịch vụ ĐT thông minh như hệ thống họp thông minh, hệ thống chỉ tiêu kinh tế- xã hội, ngành, hệ thống giám sát camera, hệ thống giám sát an toàn thông tin (SOC),...

Ngày 24/1/2022 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06- NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững ĐT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Nghị quyết 06 đã nhấn mạnh nhiệm vụ “đẩy nhanh chuyển đổi số trong quản lý ĐT, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số ở ĐT gắn kết chặt chẽ với phát triển ĐT thông minh”. Nghiên cứu và thực tiễn cho thấy, để phát triển và hình thành những ĐT thông minh trước hết phải thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trong các lĩnh vực, trong đó cần chú trọng hàng đầu đến chuyển đổi số trong quản lý ĐT.

Ứng dụng công dân cung cấp thông tin chính quyền, điểm tin, một số tiện ích đối với tất cả các lĩnh vực, xử lý phản ánh người dân (Smart Vĩnh Long): đã tiếp nhận hàng trăm ý kiến phản ánh (hầu hết đã được xử lý)…

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ- Trần Việt Trường cho biết, Đảng bộ thành phố xác định các nhiệm vụ giải pháp phát triển TP Cần Thơ trở thành ĐT xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, dịch bệnh.

Trong đó, xây dựng cơ chế huy động mọi nguồn lực xây dựng và phát triển thành phố. Phấn đấu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xây dựng và phát triển TP Cần Thơ mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL, trở thành thành phố phát triển khá trong khu vực Châu Á.

Theo đó, TP Cần Thơ kiến nghị Trung ương ưu tiên tạo điều kiện để tiếp cận các dự án hợp tác quốc tế toàn diện trên các lĩnh vực quản lý nhà nước về xây dựng và ĐT, hợp tác với các ĐT, các tổ chức quốc tế tham gia hệ thống mạng lưới các ĐT xanh và thông minh ở khu vực và quốc tế.

Đồng thời, kiến nghị Trung ương thống nhất thực hiện quy hoạch ĐT trong cả nước theo hướng ĐT thông minh, hỗ trợ TP Cần Thơ phát triển trung tâm điều hành ĐT thông minh, bảo đảm hạ tầng và phần mềm nền tảng điều hành tiên tiến, hiện đại với cơ chế chính sách nguồn lực chất lượng phục vụ chỉ đạo điều hành của lãnh đạo thành phố đạt hiệu quả cao…

Trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển bền vững ĐT Việt Nam diễn ra hồi tháng 6/2022, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức 2 hội thảo chuyên đề: “Xây dựng ĐT, chuỗi ĐT thông minh kết nối trong nước và quốc tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và “Chuyển đổi số và xây dựng hạ tầng ĐT đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu trong tiến trình phát triển ĐT bền vững”.

Tại đây, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đã chia sẻ về việc gắn kết giữa chuyển đổi số với xây dựng ĐT thông minh, những lưu ý khi áp dụng các công nghệ số, nền tảng số tại các ĐT… Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương- Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh, phát triển ĐT thông minh nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ.

Ngày 1/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ĐT thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018- 2025 và định hướng đến năm 2030.

Bên cạnh, Nghị quyết số 52- NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã đề ra mục tiêu hình thành một số chuỗi ĐT thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới ĐT thông minh trong khu vực và thế giới.

Đến nay, cả nước đã có 41/63 tỉnh- thành đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển ĐT thông minh. Về triển khai các dịch vụ ĐT thông minh, có khoảng gần 40 tỉnh- thành đã triển khai phát triển một số dịch vụ về ĐT thông minh; 17 tỉnh- thành đã triển khai xây dựng hoặc đồng ý về chủ trương xây dựng trung tâm điều hành ĐT thông minh; 17 tỉnh- thành đã triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh, khoảng 10 tỉnh- thành triển khai các ứng dụng về giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn ĐT. Ngoài ra còn một số ứng dụng trong các lĩnh vực khác như giáo dục thông minh, y tế thông minh…

SÔNG HẬU