Nâng cao giá trị nông sản từ việc chuyển hướng tư duy sang kinh tế nông nghiệp

Kỳ 2: Chế biến sâu, đáp ứng đa dạng nhu cầu thị trường

Cập nhật, 12:29, Thứ Tư, 06/07/2022 (GMT+7)

(VLO) Để nâng cao giá trị nông sản, không dừng lại ở việc bán sản phẩm tươi, hiện nay nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã nghiên cứu cho ra đời nhiều sản phẩm chế biến từ các nông sản địa phương.

Chế biến được xem là một trong những giải pháp để nâng cao giá trị nông sản.
Chế biến được xem là một trong những giải pháp để nâng cao giá trị nông sản.

Chế biến tạo giá trị gia tăng

Theo các chuyên gia, chế biến và thị trường là những khâu rất quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất đến bàn ăn của người tiêu dùng. Chế biến tạo giá trị gia tăng trong khi lợi nhuận của cả chuỗi thì phần lớn trong khâu kinh doanh thị trường của nông sản.

Theo đó, trong khi một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản tươi đứng trước khó khăn về khâu tiêu thụ, thì nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông sản vẫn mạnh dạn mở rộng sản xuất, nâng cấp công nghệ, gia tăng cơ hội phát triển thị trường.

Tại Cơ sở Sản xuất và Mua bán Tuấn Linh (xã Tân Phú- Tam Bình), từ đầu năm 2020, giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát đến nay, dù đã tăng công suất hoạt động nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Chị Nguyễn Thị Trúc Linh- chủ cơ sở- cho biết: “Thời gian gần đây, người tiêu dùng ngày càng chuộng sản ph ẩm sạch, nguyên liệu từ trái cây, rau củ thiên nhiên để chế biến thành những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Trong đó, Vĩnh Long lại có vùng nguyên liệu lớn với nhiều mặt hàng nông sản khác như: dừa, đậu nành, khoai môn, chanh, sả, ớt, nên tôi đã nghiên cứu, sản xuất ra sản phẩm chao và các loại nước chấm từ những nguyên liệu sẵn có ở địa phương.

Sau khi chế biến, giá trị cao gấp nhiều lần so với việc người dân chỉ bán sản phẩm tươi. Thời gian tới, để góp phần tiêu thụ khoai lang Bình Tân, tôi cũng đang nghiên cứu, tìm ra sản phẩm chế biến từ khoai lang để tạo thêm đầu ra, đồng thời nâng cao giá trị khoai lang”.

Hiện sản phẩm chao dừa, chao môn của cơ sở đã được công nhận sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu, OCOP 3 sao.

Mỗi ngày tiêu thụ trên 2 tấn nông sản các loại từ các địa phương trong tỉnh. Thị trường tiêu thụ sản phẩm phủ khắp từ Đông Nam Bộ đến Cà Mau và hệ thống siêu thị như: WinMart, Sơn Hà, Bách hóa xanh, hệ thống siêu thị Tứ Sơn, cung ứng sản phẩm cho 2 công ty tại Campuchia và Đài Loan.

Tương tự, chị Cao Thúy An- Giám đốc Công ty TNHH MTV Thực phẩm sạch An An (xã Mỹ Phước- Mang Thít), cũng đã nghiên cứu, tạo ra sản phẩm chế biến từ nấm tươi. Theo chị An, đặc thù của nấm do là sản phẩm tươi nên có thời gian bảo quản ngắn hạn.

Cho nên có một số thời điểm trong năm, đặc biệt là mùa mưa nấm sẽ dư thừa trong thị trường. Những lúc như vậy cần có phương án bảo quản để có thể trữ lâu hơn.

“Sản phẩm hiện tại của công ty là snack nấm và canh nấm ăn liền, đáp ứng thị trường trong nước rất tốt. Mùa nắng nóng, nấm tươi tiêu thụ được nhiều, còn mùa mưa thì sản phẩm qua chế biến tiêu thụ tốt hơn, khoảng 3.000 gói sản phẩm/tháng”- chị An cho hay.

Đáp ứng đa dạng thị trường, giảm tổn thất

Phát triển công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn giúp nông sản thâm nhập những thị trường lớn.
Phát triển công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn giúp nông sản thâm nhập những thị trường lớn.

Nhiều doanh nghiệp nhận thấy rằng việc sản xuất và bán sản phẩm tươi có nhược điểm là khó bảo quản và thường chịu tác động của giá cả thị trường. Trong khi sản phẩm chế biến ngoài việc đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, có thời gian bảo quản lâu có thể đáp ứng thị trường xuất khẩu, giảm được tổn thất khi nông sản chưa thể tiêu thụ ngay. Giá các sản phẩm chế biến cũng cao và ổn định hơn.

Tỉnh Vĩnh Long hiện chỉ có trên 10 doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô lớn, trong khi nguồn cung nông sản khá lớn, có thời điểm xuất khẩu khó khăn thì nhu cầu chế biến rất cao. Về lâu dài, tỉnh có định hướng sản xuất tiêu thụ theo chuỗi giá trị, tăng dần tỷ lệ nông sản được sơ chế, chế biến, làm sẵn ăn liền để có thể tham gia vào các siêu thị, hệ thống bán lẻ hiện đại trong nước và hướng đến xuất khẩu. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh trong thời gian tới. Theo ngành chức năng, việc phát triển công nghiệp chế biến và bảo quản thực phẩm được coi là giải pháp tối ưu để nâng cao giá trị sản phẩm, bảo đảm nguồn nông sản phục vụ thị trường trong và ngoài nước. Chế biến được xem là một trong những giải pháp để nâng cao giá trị nông sản.

Song để gỡ được “điểm nghẽn” này lâu dài và hiệu quả, cần có những giải pháp tổng thể, đồng bộ.

Nghĩ vậy nên ngoài xuất khẩu sầu riêng tươi và đông lạnh thì anh Nguyễn Minh Hậu- Giám đốc Công ty TNHH Sáu Ri (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) còn chế biến sản phẩm sầu riêng sấy và mít sấy. Hiện bình quân mỗi tháng doanh nghiệp xuất khẩu từ 1- 2 tấn sản phẩm trái cây sấy.

Trong đó, mỗi ký sầu riêng sau khi chế biến sấy khô có giá bán lên đến 3 triệu đồng. Anh Nguyễn Minh Hậu chia sẻ: “Công ty đang sản xuất những mặt hàng nông sản sấy khô như: sầu riêng sấy, mít sấy và những loại trái tươi và sản phẩm cấp đông.

Sản phẩm đã xuất đi những thị trường như: Úc, Canada, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Việc chế biến sản phẩm thay vì chỉ bán sản phẩm tươi giúp doanh nghiệp dễ tìm đầu ra, đáp ứng đa dạng nhu cầu thị trường, nâng cao được giá trị sản phẩm”.

Chuyên sản xuất và kinh doanh mặt hàng trái cây, rau củ sấy khô với nguyên liệu sản xuất chính là khoai lang tím Bình Tân, ông Trần Hoàng Đông- Giám đốc Công ty TNHH Đông Phát Food, cho biết: Sản phẩm của Đông Phát được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại với nguồn nguyên liệu sạch không sử dụng hóa chất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng.

Sản phẩm của Đông Phát đã xuất khẩu sang thị trường các nước EU, Mỹ, Canada, Đài Loan, Trung Quốc, các nước Châu Á khác và đã nhận được đánh giá cao từ phía khách hàng.

“Công ty cũng đã có nhập nhiều máy sấy chân không, những thiết bị tân tiến để sản xuất những sản phẩm đạt chất lượng tốt cung cấp cho thị trường, an toàn cho người tiêu dùng.

Việc chế biến sản phẩm khoai lang thay vì bán sản phẩm thô đã giúp nâng cao giá trị khoai lang tím, đồng thời giải quyết một phần đầu ra cho khoai lang”- ông Đông chia sẻ.

* Ông Nguyễn Thanh Bình- Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết:

Trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm chế biến rau quả rất tốt, bù đắp cho sự sụt giảm của sản phẩm tươi. Để xuất khẩu sản phẩm tươi, phải qua kiểm tra, kiểm dịch thực vật và đã có nhiều lô hàng bị vướng, không xuất khẩu được. Trong khi đó, hàng chế biến không cần qua khâu kiểm tra này và có ưu điểm hạn sử dụng dài. Không chỉ tăng trưởng đột biến do dịch, trong điều kiện bình thường, dòng sản phẩm chế biến cũng có dư địa tăng trưởng nhanh.

* Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT: Chế biến nông sản đóng vai trò hết sức quan trọng

Ngoài việc đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, nhất là thị trường xuất khẩu, các sản phẩm chế biến có thời gian bảo quản lâu, nên giảm được tổn thất khi chưa thể tiêu thụ ngay. Phát triển công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn giúp nông sản thâm nhập những thị trường lớn. Bởi đối với sản phẩm đã chế biến thì một số thị trường cũng không đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn vi sinh vật như các sản phẩm tươi.

Kỳ cuối: Chuyển hướng tư duy sang kinh tế nông nghiệp

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG