Nghe "hương miền Tây" trong vườn nhãn chú Tám Liếp

Cập nhật, 07:46, Chủ Nhật, 03/07/2022 (GMT+7)

 

Chú Tám Liếp phấn khởi với thành quả vườn nhãn Ido giống mới siêu trái do mình dày công lai tạo ra.
Chú Tám Liếp phấn khởi với thành quả vườn nhãn Ido giống mới siêu trái do mình dày công lai tạo ra.

(VLO) Gần 6 năm trở lại thăm chú Tám Liếp “vua nhãn Ido” ở Mang Thít, chúng tôi đã quên con đường ngoằn ngoèo vào chòi nhãn nhưng những câu chuyện đời, “chuyện tình” với cây nhãn Ido của chú vẫn còn mới nguyên trong ký ức.

Chú Tám Liếp tên thật là Nguyễn Văn Phúc- 69 tuổi (ngụ ấp Vàm Lịch, xã Chánh An), người đã có 42 năm gắn bó với cây nhãn. Người “NÔNG DÂN Nam Bộ” viết hoa, hào sảng ấy là người luôn tìm tòi, học hỏi để cho ra đời những giống nhãn chất lượng nhất, hoàn thiện nhất.

Với chúng tôi, chú Tám là một tấm gương tự lực, tự cường, là người nông dân luôn có ý thức vươn lên xây dựng quê hương. Người sẵn sàng sẻ chia kinh nghiệm của mình để “bà con cùng làm giàu”, người đã “nói phải đi đôi với làm” và đã làm thì phải cho ra sản phẩm hoàn hảo nhất.

Tìm tòi giống nhãn hoàn hảo nhất

Tôi còn nhớ câu chuyện dang dở gần 6 năm về trước, khi chú hẹn chúng tôi vài năm nữa ghé, chú sẽ làm giống nhãn mới tốt hơn. Chú Tám khoe, người bạn mới cho một đoạn nhãn siêu trái đem từ nước ngoài về, chú đang cấy ghép.

Giờ chúng tôi đến đây được mục sở thị lời của chú, những cây nhãn Ido sai oằn trái, mỗi chùm nặng chừng 2- 3kg, kích cỡ đồng đều và không có cọng, không trái đeo.

Khi chúng tôi đến, chú Tám mở tủ lạnh lấy rổ nhãn ra mời “ăn thử đi mấy đứa”, rồi chú giới thiệu: “Cái giống nhãn mới này tiết kiệm tiền nhân công vì chỉ cần cắt xuống là đóng thùng, không cần lặt cùi, bỏ trái đeo… như những giống trước đây”.

Những trái nhãn tròn đều, hột nhỏ tróc cơm, thịt dày, giòn ngọt thanh được thương lái ở TP Hồ Chí Minh định giá 100.000 đ/kg nhưng chú Tám chưa bán, mà neo trên cây cho khách đến tham quan.

Nói về quá trình làm ra giống nhãn mới từ một nhánh nhãn của người bạn mang ở nước ngoài về, chú Tám cười kể: “Chú cưng nó đến nỗi thức canh từng ngày, từng giờ, hồi hợp đợi từng chồi non nhú lên”.

Nhánh nhãn ấy, được chú lấy “từng hột gạo” ghép thử nghiệm lần lượt từng mắt vào các cây: nhãn long, nhãn da bò, nhãn long tiêu đường và nhãn Ido, nhưng chỉ lên được có 2 chồi”. Trong đó, chồi trên cây nhãn Ido là phát triển tốt.

Sau đó, chú Tám chiết nhánh từ cây Ido rồi đem trồng nhưng không đạt. Chú Tám hớp ngụm trà đá, nói tiếp: “Chú suy nghĩ gần một năm trời, thường nhãn mình chiết trồng như vậy nó mới tốt được mà sao kỳ vậy. Chất lượng không đạt, cây phát triển chậm. Khi phát triển đạt thì nó ra trái lẳn mẳn”.

Để có được cây nhãn giống siêu trái ngày hôm nay là cả một quá trình mày mò, thử nghiệm 6 năm trời với 4 vòng cấy ghép mới cho ra đời giống nhãn hoàn thiện nhất”.

Chú Tám cười tươi cho biết hài lòng với giống nhãn mới: “Một quá trình rất dài mới cho ra được giống nhãn như ngày hôm nay. Mong ước của chú là làm ra giống nhãn hoàn hảo nhất- không những ngon ngọt, giá trị kinh tế cao mà còn nhiều trái, giảm giá thành nhân công, …”.

Bên ly trà đá buổi trưa hè, chú Tám rành rọt kể về những đoàn khách đã ghé tham quan, về những nơi đã đặt hàng cây giống mới của chú, còn con trai, con rể và nhân công của chú thì đang “cấy bo” (ghép cành- PV) ở Tây Ninh. Chị Ái con gái chú thì đang chuẩn bị thùng xốp để đóng nhãn gửi lên Đắk Lắk.

Công việc như không bao giờ ngơi với gia đình chú, đến nỗi “ở miết cái chòi này, cái nhà lớn trong vườn bỏ không luôn”. Niềm vui của chú Tám là được chia sẻ câu chuyện của mình với nhiều người, khi học được, thấy được những giống cây mới lạ.

Tình yêu cây nhãn cùng với ý chí, quyết tâm và ý thức làm giàu cho mình cho quê hương đã giúp chú Tám có thêm động lực để “đã làm thì làm cho tốt nhất”. Tình yêu ấy cũng trở thành nỗi băn khoăn vì nông dân miền Tây mình nhiều người còn nghèo, chưa làm giàu được trên mảnh vườn của mình.

Cùng nhau làm giàu

Chỉ trong thời gian ngắn ngủi của buổi chiều, đã có hai vị khách đến trực tiếp nhà tìm chú Tám để mua cây giống, phân hữu cơ và nhờ hướng dẫn kỹ thuật trồng nhãn.

Những người tìm đến chú vì “nghe nói” chứ chưa biết mặt; cứ chạy đến chợ Chánh An hỏi ông Tám Liếp thì không ai mà không biết. Những người nông dân tìm đến chú để được chia sẻ kinh nghiệm, cây giống và cả tình yêu, niềm tự hào về cây nhãn, nói như chú Tám thì “nó ngon hơn nhãn gốc nước ngoài nữa nha mấy đứa”.

Anh Phạm Hoàng Sơn- xã Tích Thiện (Trà Ôn) đã có 22 năm trồng nhãn Ido và thường xuyên lui tới nhà chú Tám để học hỏi kỹ thuật, từ cải tạo vườn trồng nhãn đến làm cây giống.

Anh Sơn chia sẻ: “Tôi tới lui nhà chú Tám riết muốn mòn đường, từ hồi chỉ có 2,5 công đất, nhờ cây nhãn đến nay mở rộng thêm được hơn 15 công”.

Cây nhãn Ido đã giúp gia đình anh Sơn ngày một sung túc và với anh, chú Tám là người “cái gì không biết thì hỏi anh Tám chỉ thiệt tình, không giấu nghề, từ phân gì, bao nhiêu thì hợp lý, tới ghép cây dùng dao gì mới được,…”.

Cùng chú Tám đi dạo trong những liếp nhãn thẳng tắp, xanh mơn mởn. Với 4ha vườn nhãn Ido, hàng năm cho hơn 100 tấn trái, không quá khi người ta gọi chú là tỷ phú nhãn, chú Tám trồng nhãn, trồng cây giống không chỉ là “làm kinh tế” mà còn “làm vì đam mê”, “nghiện vườn” chú không ngại chia sẻ đam mê cho nhiều người để “bà con cùng làm giàu”.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi đang tiếp diễn thì anh Nguyễn Văn Thức- một nông dân ở xã Bình Phước (Mang Thít) đến mua phân cá.

Anh Thức cũng là một nông dân gắn bó với cây nhãn nên cùng chúng tôi tham quan vườn nhãn xuồng tím chú Tám trồng, vừa ngắm nghía vừa thưởng thức giống nhãn mới.

Những cây nhãn trái có màu tím lạ mắt, to tròn, thoang thoảng mùi hương vừa chín tới hút mắt người đi đường.

Chú Tám thật thà, giới thiệu: “Giống nhãn tím nó đẹp mắt chứ hương vị cũng như nhãn xuồng vàng. Khi trồng nhãn xuất khẩu thì phải trồng giống nhãn cơm tróc thì mới đạt tiêu chuẩn.

Những nước Châu Âu thường không ăn trái tươi mà qua chế biến, sấy. Họ sử dụng máy bóc vỏ nhãn, nếu nhãn cơm mỏng và không tróc thì máy bóc vỏ không được, phải bóc thủ công nên không đảm bảo chất lượng”.

Anh Thức cũng là người mua phân, giống và được chú Tám chỉ dẫn tận tình. “Những lúc xử lý sai kỹ thuật, tôi thường gọi cầu cứu chú Tám, chú chạy xuống tận nhà hướng dẫn. Do đợt rồi tui ngại dịch bệnh xử lý cho nhãn ra trái có phân nửa diện tích nên lời không nhiều, chớ trúng giá ngon lắm”- anh Thức tiếc nuối.

Trời về chiều nắng dần hạ nhiệt, chia tay mọi người, chúng tôi len lỏi giữa con đường nhỏ với bóng cây trái rợp mát hai bên đường. Con đường vào nhà chú Tám giờ đây nghe thoang thoảng “hương miền Tây”- tên gọi mà chú Tám dự định sẽ đặt cho giống nhãn siêu trái của mình.

Chuyện chú Tám Liếp ngày xưa

Hồi xưa làm gì có đất, cha mẹ làm tá điền cho người ta, mà làm lúa mùa trúng “sập giàn” thì cũng 10 giạ/công, cuối mùa đong cho chủ đất hết 3 giạ rồi”. Đến khi chú đi “săn” giống nhãn Ido rồi mang về vùng đất bên bờ sông Măng này. Rồi cây Ido “đỏng đảnh” đến lúc cũng “biết nghe lời” cho trái oằn sai, còn 1 ngày nữa là lái qua hái trái, chồng tiền 1,2 tỷ đồng, thì đúng ngày 23/12/2006 cơn bão số 6 đổ bộ vào, cả vườn nhãn rạp ngọn y như lúa sập. Vườn nhãn 1,2 tỷ đồng “hốt” còn được... 80 triệu đồng tiền cọc! Qua bao thăng trầm, chú Tám được mệnh danh là: “vua nhãn Ido”, “tỷ phú nhãn miền Tây”... chúng tôi vẫn muốn gọi chú gần gũi nhất- một “NÔNG DÂN Nam Bộ” viết hoa.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- PHẠM PHONG