Gỡ "nút thắt" tiêu thụ nông sản cho đồng bằng

Cập nhật, 06:17, Thứ Hai, 13/06/2022 (GMT+7)

 

Vị trí quy hoạch trung tâm tại TP Cần Thơ với quy mô 3.300ha.
Vị trí quy hoạch trung tâm tại TP Cần Thơ với quy mô 3.300ha.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Trần Thanh Nam “nút thắt” của ĐBSCL là tiêu thụ nông sản chứ không phải thiếu hàng hóa. Chính phủ và Quốc hội xác định ĐBSCL là vùng an ninh lương thực trọng điểm của cả nước nên phải có một trung tâm điều phối sản xuất, chế biến, liên kết, tiêu thụ.

Và với mục tiêu “Một điểm đến đa dịch vụ”, Đề án thành lập Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL sẽ thu hút đầu tư cho chế biến sâu các sản phẩm thủy sản, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, trong đó chú trọng sản phẩm giá trị gia tăng để tăng giá trị xuất khẩu.

Sẽ giải quyết được nhiều vấn đề

Theo dự thảo đề án, Trung tâm Liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL tại Cần Thơ có quy mô 3.300ha. Trong đó, giai đoạn đầu có quy mô khoảng 450ha. Tập trung cho sản xuất, chế biến tinh, hệ thống kho bãi, khu phi thuế quan của lĩnh vực nông nghiệp. Lộ trình và tầm nhìn phát triển trung tâm sẽ thực hiện theo từng giai đoạn. Cụ thể, đề án sẽ hình thành những phân khu hạt nhân: sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu và khu phi thuế quan.

Mục tiêu đến năm 2030, trung tâm trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại ĐBSCL, thực hiện đầy đủ chức năng liên kết với vai trò dẫn dắt (về công nghệ, đào tạo, chuyển giao giải pháp); thúc đẩy (kiến tạo các chuỗi liên kết, thu hút các nguồn lực) và hỗ trợ mạnh mẽ hoạt động kinh tế nông nghiệp toàn vùng (nâng cao giá trị gia tăng, tiêu thụ, xuất khẩu). Chức năng là trung tâm logistics của cả vùng. Do đó, trung tâm có sứ mệnh liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản ĐBSCL, đặc biệt là xuất khẩu. Trung tâm cần có khả năng thông thương hàng hóa hai chiều giữa các tỉnh ĐBSCL, có hệ thống kho lạnh tiêu chuẩn để có thể bảo quản hàng nông sản xuất khẩu trong một khoảng thời gian nhất định, thông quan hàng nông sản ĐBSCL một cách thuận tiện và có các cảng quốc tế (cảng hàng không và cảng biển) có khả năng thực hiện xuất khẩu trực tiếp từ Cần Thơ.

Đến năm 2050, trung tâm sẽ trở thành hạt nhân của đô thị sân bay, với công nghệ thông minh và là đầu mối của chuỗi các trung tâm sản xuất, chế biến và tiêu thụ thông minh toàn vùng. Trong chuỗi liên kết này, có khoảng 50- 70% các quy trình sản xuất được thực hiện tự động thông minh…

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ- Trần Việt Trường nhấn mạnh: Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ ra đời không chỉ giúp giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản, thủy sản của vùng ĐBSCL mà còn thiết lập chuỗi cung ứng, tạo điều kiện để hàng hóa nông sản được thông suốt trong tất cả các khâu từ thu hoạch- chế biến- bảo quản- vận chuyển- phân phối- xuất khẩu. Tập hợp các đầu mối sản xuất, thu mua, tiêu thụ nông sản của các địa phương trong vùng, hình thành kết nối cung- cầu nông sản giữa nơi sản xuất với thị trường tiêu thụ, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản. Theo đó, trung tâm có tính chất “đa mục tiêu” từ việc cung cấp dịch vụ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông, thủy sản đến việc hình thành hệ thống kho lạnh quốc gia, cung cấp các dịch vụ xuất nhập khẩu và cả phi thuế quan...

Cần làm rõ tính vùng, cơ chế phối hợp, kết nối

Tại hội nghị góp ý đề án vừa được tổ chức, hầu hết các ý kiến của đại diện bộ ngành trung ương, lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia tư vấn đều thống nhất cao việc thành lập trung tâm và có nhiều góp ý quan trọng khác cho việc hoàn thiện đề án. Nhiều đại biểu đã đặt vấn đề trung tâm sẽ hoạt động, vận hành như thế nào.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long- Nguyễn Văn Liêm, cho rằng: Việc thành lập trung tâm là rất cần thiết, bởi nhiều năm nay, ĐBSCL được xác định là vựa nông sản của cả nước nhưng kết nối giao thông rất yếu, hàng hóa phải thường xuyên giải cứu, đầu ra bấp bênh và rất thiếu liên kết, trong đó chưa có trung tâm chế biến sâu. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại là tính liên kết, mô hình quản lý… Do đó, phải nghiên cứu xây dựng trung tâm trở thành trung tâm chế biến sâu của các trung tâm.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Trần Thanh Nam, nhấn mạnh: Trung tâm được thành lập theo cơ chế đặc thù, không chỉ là một khu công nghiệp, khu kinh tế mà sẽ vận dụng hết những chính sách để phục vụ cho nông sản ĐBSCL. Trung tâm phải là mô hình đa chức năng. Trung tâm ra đời phải phát huy thế mạnh của 13 tỉnh ĐBSCL, không để sản xuất chồng chéo, cạnh tranh nhau…

“Nút thắt của ĐBSCL là vấn đề tiêu thụ nông sản chứ không phải thiếu hàng hóa. Chính phủ và Quốc hội xác định ĐBSCL là vùng an ninh lương thực, trọng điểm nông nghiệp của cả nước nên phải có một trung tâm điều phối sản xuất, chế biến, liên kết tiêu thụ. Đây là vấn đề đúng với ý nguyện và mong muốn của cán bộ và nhân dân các tỉnh- thành vùng ĐBSCL. Do đó, đề nghị Cần Thơ khẩn trương xây dựng đề án, cố gắng đầu tháng 6/2022 có bản dự thảo đề án tương đối hoàn thiện để tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế nhằm hoàn chỉnh đề án. Song song đó, TP Cần Thơ cần thành lập đoàn để làm việc với các bộ, ngành Trung ương nhằm trao đổi, đề xuất thêm cơ chế, chính sách và thời gian thực hiện ưu đãi để thu hút các đơn vị, doanh nghiệp tham gia vào Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ”- Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị.

Bài, ảnh: TRÀ MY