Blog thị trường

Lo thiếu nguyên liệu cá tra

Cập nhật, 11:23, Thứ Sáu, 06/05/2022 (GMT+7)

(VLO) Tính đến hết tháng 3/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt trên 160 triệu USD, tăng 123%. Hiện nay, tình trạng lạm phát kỷ lục đang diễn ra ở Mỹ do chuỗi cung ứng đứt gãy và tác động của khủng hoảng Ukraine, giá cả tăng chóng mặt, nhu cầu nhu yếu phẩm, trong đó có thực phẩm, thủy sản tăng mạnh nên sắp tới là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đông lạnh sang thị trường này.

Theo đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL lập đỉnh vào cuối quý I/2022, giá trung bình xuất khẩu sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh sang hầu hết các thị trường cũng tăng mạnh.

 Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang xuất khẩu sản phẩm cá tra nguyên con, cắt xẻ bướm đông lạnh, bao tử cá tra đông lạnh, bong bóng cá tra khô, cá tra nguyên con bỏ nội tạng đông lạnh, da cá tra đông block đông lạnh... sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp lo thiếu nguyên liệu chế biến hàng xuất khẩu trong những tháng tới.

Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, hiện nay, diện tích thả nuôi mới cá tra chỉ bằng 94% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thu hoạch đạt 350.000 tấn tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tại một số địa phương chủ lực sản xuất cá tra như Đồng Tháp, diện tích nuôi cá tra cũng chỉ đạt 94,6%; diện tích nuôi cá tra thâm canh của Vĩnh Long cũng giảm 22,9% so với cùng kỳ năm trước.

Giá cá tra nguyên liệu tăng trong thời gian qua giúp cho người nuôi có động lực thả nuôi trở lại, tuy nhiên chi phí thức ăn, con giống, nguyên liệu vật tư đầu vào cũng tăng nhanh không kém giá cá bán. Do đó, cho tới nay, cả người nuôi và doanh nghiệp chưa lời cao.

Hiện nay cả nước có gần 120 cơ sở chế biến xuất khẩu cá tra với tổng công suất thiết kế ước đạt 1,8 triệu tấn nguyên liệu/năm, hầu hết các cơ sở nằm ở vùng ĐBSCL. Các cơ sở được trang bị máy móc thiết bị và công nghệ hiện đại, đáp ứng tốt các yêu cầu và tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu.

LÝ AN