Xây dựng hạ tầng giao thông: Động lực phát triển kinh tế- xã hội

Cập nhật, 15:01, Thứ Năm, 05/05/2022 (GMT+7)

 

Nhiều công trình giao thông trọng điểm được triển khai trên địa bàn tỉnh. Ảnh minh họa
Nhiều công trình giao thông trọng điểm được triển khai trên địa bàn tỉnh. Ảnh minh họa

(VLO) Những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Long đã tập trung đầu tư, xây dựng nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm. Đặc biệt, tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận vừa được khánh thành và tuyến cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ đang hoàn thiện sẽ là một đòn bẩy giúp tỉnh phát triển kinh tế- xã hội trong những năm tới.

Nhiều dự án trọng điểm

Vĩnh Long là địa phương có lợi thế là vị trí ở trung tâm vùng ĐBSCL thuận lợi trong kết nối giao thông của vùng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác của cả nước.

Hiện nay, chúng ta đang ở trong bối cảnh cả nước và vùng ÐBSCL đang phát triển kết cấu hạ tầng mạnh mẽ, với tốc độ rất nhanh. Ðây vừa là cơ hội, cũng vừa là điều kiện quan trọng để thúc đẩy Vĩnh Long hoàn thiện nhanh kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu và hạ tầng kết nối với giao thông khu vực.

Theo Sở Giao thông Vận tải, hiện nay, tỉnh đầu tư và đang trong quá trình xây dựng một số tuyến đường trọng điểm, quan trọng như: đường Võ Văn Kiệt (TP Vĩnh Long), đường từ QL53- Khu công nghiệp Hòa Phú (ĐT 909B), đường Phú Lộc Bầu Gốc- QL1, ĐT 902, ĐT 907;… Đặc biệt là đường cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ.

Đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông đấu nối với giao thông ĐBSCL góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Trong ảnh: Thi công công trình giao thông nối đường Phạm Hùng- đường Võ Văn Kiệt.
Đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông đấu nối với giao thông ĐBSCL góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Trong ảnh: Thi công công trình giao thông nối đường Phạm Hùng- đường Võ Văn Kiệt.

Theo Sở Giao thông Vận tải, các tuyến đường trên sau khi hoàn thành sẽ đóng góp rất lớn vào sự phát triển của TP Vĩnh Long nói riêng và tỉnh Vĩnh Long nói chung.

Theo ông Trần Quốc Hợp- Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, đường cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ sẽ giải quyết nhu cầu vận tải khi tuyến QL1 đã quá tải, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh của các tỉnh ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung; giảm thiểu tai nạn giao thông trên tuyến QL1; từng bước hoàn chỉnh mạng lưới đường bộ cao tốc theo quy hoạch của Chính phủ.

Kết nối giao thông đồng bằng

Ngày 27/4 vừa qua, tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận đã được khánh thành và đưa vào sử dụng. Tuyến cao tốc này có chiều dài 51km nằm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối cao tốc TP Hồ Chí Minh- Trung Lương) và điểm cuối là nút giao An Thái Trung. Cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận đưa vào lưu thông 2 chiều, tốc độ tối thiểu 60 km/h, tối đa 80 km/h.

Cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển kinh tế- xã hội khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

Việc khánh thành, đưa vào sử dụng tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận là hiện thực lời hứa của Chính phủ với hơn 20 triệu đồng bào vùng ĐBSCL, có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần tạo ra động lực thúc đẩy kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh nhằm phát triển bền vững khu vực ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận đã thông xe và sắp tới là Mỹ Thuận- Cần Thơ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Vĩnh Long vươn mình cất cánh ở cửa ngõ phía Bắc và Tây Bắc, nhất là tận dụng các lợi thế để thu hút đầu tư.

Theo ông Trần Quốc Hợp, hiện Vĩnh Long cũng đã quy hoạch và đầu tư để kết nối với hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL. Cụ thể, đường từ QL53- Khu công nghiệp Hòa Phú (ĐT 909B), đường Phú Lộc Bầu Gốc- QL1 từng bước mở rộng, phát triển hoàn chỉnh, bền vững kết cấu hạ tầng giao thông.

Qua đó tạo trục hành lang phát triển đô thị, công nghiệp mới; liên kết vùng, kết nối với tuyến cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ và kết nối với hệ thống giao thông của khu vực…

“Định hướng trong thời gian tới mạng lưới hạ tầng giao thông sẽ kết nối Vĩnh Long và hệ thống giao thông của vùng, bằng các tuyến cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ, cao tốc Cần Thơ- Cà Mau, cao tốc Hồng Ngự- Trà Vinh, đường sắt tốc độ cao TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ.

Đặc biệt Vĩnh Long nằm giữa sông Tiền và sông Hậu là 2 tuyến đường thủy chính của ĐBSCL, thuận lợi để phát triển vận chuyển bằng đường thủy với các cảng biển lớn”- ông Trần Quốc Hợp nhấn mạnh.

Tại lễ khánh thành cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành lưu ý một số công trình đặc biệt quan trọng là: tuyến cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ dài 23km (tổng mức đầu tư khoảng 4.800 tỷ đồng) và cầu Mỹ Thuận 2 (tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng) trong năm 2023. Phấn đấu tháng 10/2022, đoạn cao tốc Cần Thơ- Cà Mau dài 109km, tổng mức đầu tư trên 27.000 tỷ đồng có thể khởi công và hoàn thành vào cuối năm 2025. Song song đó, khởi công đoạn cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng, với chiều dài 191km, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng trên 52.000 tỷ đồng, hoàn thành năm 2025. Đầu tư đoạn An Hữu- Cao Lãnh dài 27km, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng; chuẩn bị đầu tư đoạn Mỹ An- Cao Lãnh 27km, dự kiến tổng mức đầu tư 4.700 tỷ đồng... Như vậy, trong 5 năm tới, cả nước sẽ đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL. Đây là ưu tiên rất lớn của Đảng, Nhà nước để phát triển khu vực này.

Bài, ảnh: CÔNG NGÔN