Liên kết sản xuất tiêu thụ đậu nành, tăng hiệu quả kinh tế

Cập nhật, 06:01, Thứ Năm, 05/05/2022 (GMT+7)

 

Nông dân phấn khởi khi tham gia mô hình vì mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Nông dân phấn khởi khi tham gia mô hình vì mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Việc luân canh cây đậu nành với lúa không chỉ giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng thu nhập mà đây còn là biện pháp canh tác nông nghiệp bền vững góp phần cắt đứt nguồn lây lan của sâu bệnh, bồi dưỡng đất. Qua đó, nông dân còn được tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất, nâng cao ý thức sản xuất, từng bước mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất.

Hiệu quả, tăng lợi nhuận

Với mục tiêu mở rộng vùng nguyên liệu đậu nành trên đất lúa tại huyện Long Hồ (Vĩnh Long) nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung, từ năm 2020, Vinasoy đã đưa giống đậu nành VINASOY 02-NS không biến đổi gien trồng khảo nghiệm trên đất lúa tại huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) và huyện Long Hồ (Vĩnh Long). Kết quả cho thấy giống đậu nành này phát triển rất tốt tại các vùng đất thử nghiệm.

Trong vụ Xuân Hè năm nay, Vinasoy tiếp tục thực hiện “Mô hình thử nghiệm liên kết sản xuất đậu nành” tại ấp Tân Thới- xã Tân Hạnh (Long Hồ) với quy mô hơn 10ha bằng giống VINASOY 02-NS không biến đổi gien. Theo đó, Vinasoy cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật canh tác và cam kết bao tiêu toàn bộ đậu nành hạt đạt chất lượng với giá cạnh tranh.

Đây là giống được Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy (VSAC) lai tạo và chọn lọc bằng phương pháp lai hữu tính từ giống địa phương có khả năng thích ứng tốt tại các vùng sản xuất, quả chín đồng đều, kích thước hạt lớn, kháng được nhiều loại sâu bệnh hại, năng suất cao gấp 1,5 - 2 lần so với đậu nành trước đây và phù hợp làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm của Vinasoy, khả năng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều nông dân tham gia mô hình bày tỏ vui mừng bởi việc chuyển đổi trồng đậu nành đã đem lại nhiều lợi ích, không chỉ tốn ít công chăm sóc, cây cho năng suất cao, chỉ khoảng 3 tháng là được thu hoạch mà còn có tác dụng cải tạo đất để tiếp tục trồng lúa trong các vụ sau.

Tham gia mô hình được 2 năm, chú Nguyễn Thanh Bình- ấp Tân Thới (xã Tân Hạnh) cho biết: “Tôi trồng trên 3.000m2, 1 năm trồng xen canh 2 vụ lúa 1 vụ đậu, đợt thu hoạch vừa rồi đậu nành cho năng suất rất khá và lợi nhuận cũng phấn khởi. Trồng đậu còn tạo điều kiện thuận lợi cho 2 vụ lúa trúng hơn.

Mô hình này còn tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất, giúp nông dân có ý thức hơn trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn, chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng. Bản thân tôi sẽ tiếp tục trồng và vận động người dân xung quanh trồng”.

Ông Lê Hoàng Duy, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy (VSAC) cho biết, Vinasoy đẩy mạnh liên kết sản xuất với người nông dân trên cả nước để chủ động về nguồn nguyên liệu sản xuất các sản phẩm mới, đảm bảo mang hương vị tươi ngon nhất đến tay người tiêu dùng.

Theo ông Duy, việc luân canh cây đậu nành trồng xen lúa ở ĐBSCL mang lại nhiều lợi ích thiết thực như cắt đứt nguồn lây lan sâu bệnh trên cây lúa (đặc biệt là rầy nâu); gia tăng năng suất cây lúa và cải tạo đất- năng suất lúa vụ Thu Đông ngay sau vụ đậu nành cho năng suất cao ngang bằng vụ Đông Xuân.

Ngoài ra việc luân canh này còn giúp cải tạo được lý tính và hóa tính của đất, giúp cải thiện độ phì nhiêu của đất, tính chất xốp của đất càng gia tăng sau 3 năm luân canh cây đậu nành với lúa.

Ông Nguyễn Minh Thành- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Long Hồ đánh giá: Trồng đậu nành sẽ tiết kiệm nhiều chi phí và có lợi nhuận cao hơn trồng lúa, vì tiết kiệm được chi phí cày, xới đất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Mô hình luân canh giữa đậu nành và lúa mang lại hiệu quả rất thiết thực về kinh tế. Đặc biệt, do sử dụng ít nước nên rất thích hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, nhất là xâm nhập mặn và khô hạn như hiện nay.

Mô hình này được xem là hướng đi mới, giúp nông dân có thu nhập ổn định.
Mô hình này được xem là hướng đi mới, giúp nông dân có thu nhập ổn định.

Nhân rộng mô hình, phát triển vùng nguyên liệu

Nhiều nông dân tham gia mô hình liên kết cho hay, mô hình này được xem là hướng đi mới, giúp nông dân có thu nhập ổn định.

Bên cạnh đó, nhiều nông dân còn bày tỏ an tâm khi được công ty cung cấp cây giống, bao tiêu sản phẩm, công ty thường xuyên hỗ trợ nông dân về kỹ thuật chăm sóc, xử lý sâu bệnh, giúp cây đậu nành rau đạt năng suất và chất lượng tốt nhất. Nông dân không phải lo về đầu ra, không lo bị ép giá.

Theo Chủ tịch UBND xã Tân Hạnh- Lê Văn Út Em, hiện xã có 19ha liên kết sản xuất trồng đậu nành, bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế tốt. Vinasoy thực hiện hợp đồng trước đảm bảo bà con có lợi nhuận, giá bằng hoặc cao hơn vụ lúa. Doanh nghiệp còn hỗ trợ hướng dẫn toàn bộ kỹ thuật và cơ giới hóa nên tiết kiệm nhiều chi phí.

Chú Nguyễn Văn Thấp (xã Tân Hạnh) chia sẻ: “Được doanh nghiệp cung cấp giống, hướng dẫn mọi kỹ thuật và làm hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên thấy rất yên tâm, lại thấy hiệu quả kinh tế của mấy anh em tham gia trước nên tôi chuẩn bị tham gia trồng”.

Theo ông Lê Hoàng Duy, thời gian tới, chương trình liên kết sản xuất dự kiến được triển khai cho vụ Xuân Hè năm 2023 tại Vĩnh Long và Sóc Trăng với diện tích trên 300ha, trong đó, huyện Long Hồ 200ha.

“Để mở rộng diện tích, xây dựng mối liên kết sản xuất bền vững thì rất cần sự ủng hộ của chính quyền địa phương, nhất là vận động quy hoạch vùng trồng, vận động nông dân thay đổi tư duy sản xuất”- ông Duy cho hay.

Ông Nguyễn Minh Thành cho biết thêm: “Trồng đậu nành xen lúa sẽ có nhiều lợi ích và thu nhập cao hơn, giúp đất tơi xốp, giúp cây lúa phát triển tốt hơn. Dự kiến, năm 2023, huyện Long Hồ sẽ nhân rộng ra ở xã Tân Hạnh và xã Phú Đức với quy mô gần 200ha”.

Hiện tại giống đậu nành VINASOY 02- NS không biến đổi gien đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp phép lưu hành tại 4 vùng nguyên liệu của Vinasoy gồm Đồng bằng sông Hồng, ĐBSCL, Miền Trung và Tây Nguyên. Vinasoy đẩy mạnh liên kết sản xuất với người nông dân trên cả nước để chủ động về nguồn nguyên liệu sản xuất các sản phẩm mới, đảm bảo mang hương vị tươi ngon nhất đến tay người tiêu dùng.

Bài, ảnh: YẾN LY