Tập trung phát triển hệ thống logistics

Cập nhật, 05:04, Thứ Năm, 10/02/2022 (GMT+7)

 

Vĩnh Long có những tuyến đường thủy nội địa là cửa ngõ ra Biển Đông của ĐBSCL.
Vĩnh Long có những tuyến đường thủy nội địa là cửa ngõ ra Biển Đông của ĐBSCL.

(VLO) Theo quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics lồng ghép vào Quy hoạch phát triển thương mại định hướng đến năm 2030, tỉnh sẽ tập trung đầu tư nâng cấp các cảng thành trung tâm logistics cấp vùng gồm: cảng Vĩnh Long với chức năng chủ yếu là trung chuyển hàng hóa (gạo, vật liệu xây dựng,…) và cảng Bình Minh có khả năng kết nối với các vùng trong tỉnh và TP Cần Thơ.

Dự kiến, nguồn huy động vốn đầu tư từ xã hội hóa là 770 tỷ đồng (99,2%) và từ vốn ngân sách 6,63 tỷ đồng (0,8%).

Bên cạnh đó, sẽ đầu tư xây dựng bến bãi, điểm dừng, nhà chờ; ưu tiên cho thuê đất theo giá ưu đãi cho các doanh nghiệp vận tải để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ trên cơ sở các dự án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngành giao thông vận tải sẽ huy động bằng nhiều hình thức để phát huy lợi thế về giao thông thủy, nhất là đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phương tiện, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ giao thông công cộng…

Tỉnh Vĩnh Long hiện có các luồng hàng hải gồm luồng hàng hải sông Tiền dài 74km, là cửa ngõ ra Biển Đông của vùng ĐBSCL, kết nối trực tiếp với tuyến đường thủy kinh Chợ Gạo, tàu thuyền có thể từ các cảng biển Mỹ Tho, Đồng Tháp và Campuchia; luồng hàng hải sông Hậu (luồng Định An- Cần Thơ) dài 103km, là cửa ngõ ra Biển Đông của ĐBSCL, tàu thuyền có thể đi đến các cảng biển Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp và Campuchia.

Đồng thời có 4 tuyến vận tải hàng hóa đường thủy nội địa quốc gia, gồm 2 tuyến đi qua sông Măng Thít, 1 tuyến trên sông Hậu và 1 tuyến trên sông Cổ Chiên (tuyến Sài Gòn- Cà Mau (qua kinh Xà No) dài 336km, tuyến duyên hải Sài Gòn- Cà Mau dài 367km, tuyến sông Cổ Chiên dài 109km, tuyến cửa Định An- biên giới Campuchia dài 211km).

Tin, ảnh: CÔNG NGÔN