Cải thiện PCI có giúp địa phương tăng thu hút đầu tư?

Cập nhật, 06:42, Thứ Năm, 06/04/2017 (GMT+7)

 

Vĩnh Long rất chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, qua đó củng cố niềm tin của DN, nhà đầu tư khi đến tìm hiểu và hoạt động, mở rộng sản xuất kinh doanh tại Vĩnh Long.
Vĩnh Long rất chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, qua đó củng cố niềm tin của DN, nhà đầu tư khi đến tìm hiểu và hoạt động, mở rộng sản xuất kinh doanh tại Vĩnh Long.

Tại Hội thảo phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) khu vực ĐBSCL năm 2016 tại Vĩnh Long, ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, ông nhận được câu hỏi băn khoăn của không ít tỉnh- thành là: Liệu cải thiện PCI có giúp địa phương tăng cường thu hút đầu tư, phát triển kinh tế hay không?

Có hay không có PCI vẫn phải nâng chất điều hành

Nhóm nghiên cứu PCI đã có những thống kê về mối quan hệ giữa các nỗ lực cải thiện chất lượng điều hành và sự phát triển của khu vực tư nhân.

Cụ thể, theo ông Tuấn, phân tích mối quan hệ giữa những thay đổi trong bộ chỉ số PCI gốc và số lượng doanh nghiệp (DN) mới đăng ký ở một tỉnh (sau khi tính toán những ảnh hưởng của các yếu tố cơ bản như dân số, quy mô kinh tế, cơ sở hạ tầng và đô thị hóa) cho thấy câu trả lời là: một điểm cải thiện trong chỉ số PCI gốc sẽ giúp tăng tỷ lệ DN thành lập mới lên 2,7%.

Cụ thể hơn, một điểm cải thiện về chỉ số Tiếp cận đất đai hoặc Cạnh tranh bình đẳng có thể giúp tăng thêm 15% số DN đăng ký mới trong 10 năm tới.

Theo ông Đậu Anh Tuấn dẫn giải, con số này tuy lớn nhưng mới chỉ là thành quả ngắn hạn của những nỗ lực cải thiện chất lượng điều hành trong năm sau cải cách. Cải thiện chất lượng điều hành kinh tế còn có các tác động dài hạn. Mô hình thống kê được sử dụng trong PCI 2016 còn có thể tính toán hiệu ứng dài hạn này.

Qua đánh giá vai trò của các chỉ số thành phần PCI (gồm: chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, dịch vụ hỗ trợ DN, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý) trong mối quan hệ giữa chất lượng điều hành và hoạt động kinh tế, các chuyên gia khảo sát PCI 2016 khuyến nghị: để thúc đẩy hoạt động kinh tế, các địa phương nên chú trọng tăng cường khả năng tiếp cận đất đai, cải thiện tính minh bạch và nâng cao chất lượng đào tạo lao động.

Ngoài ra, cần cải thiện chỉ số cạnh tranh bình đẳng và giảm thiểu các chi phí không chính thức. Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, tất cả các lĩnh vực này đều có tác động lớn trong ngắn hạn và cả dài hạn.

TS. Võ Hùng Dũng- Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, nhận định: “Nhìn chung các năm qua, các tỉnh- thành có sự cải thiện thứ hạng trong PCI đều có sự tăng trưởng kinh tế tốt hơn.

Như vậy, PCI đang là một công cụ để điều hành kinh tế của địa phương. Căn cứ vào bảng xếp hạng PCI để các tỉnh cải thiện môi trường đầu tư và chia sẻ kinh nghiệm. Lãnh đạo các tỉnh sử dụng PCI để giám sát hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh cấp sở, ngành, huyện- thị…

Đến nay, các tỉnh có thứ hạng cao của khu vực ĐBSCL đều duy trì hoạt động phân tích PCI và đưa ra các chương trình hành động cải thiện liên tục, như các tỉnh: Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, TP Cần Thơ, Kiên Giang…”.

Ở góc độ địa phương, ông Lê Văn Nưng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang- cho rằng nếu không có PCI thì không chỉ riêng An Giang mà các tỉnh khác cũng vẫn phải cải thiện môi trường kinh doanh, chất lượng quản lý điều hành với phương châm “Luôn làm DN đủ- Rủ được DN mới”.

Vì thế, ông bày tỏ mong muốn kết quả PCI hàng năm đem lại hiệu quả thiết thực, đi vào chiều sâu để các tỉnh- thành có thứ hạng cao thấy vui và những địa phương thứ hạng còn thấp có động lực phấn đấu, không thờ ơ với PCI.

Vĩnh Long cải thiện PCI- tạo chất lượng môi trường đầu tư tốt hơn

Ông Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng- Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long- khẳng định:

“Trong những năm qua, Vĩnh Long rất chú trọng đến việc cải thiện môi trường đầu tư, lấy cải cách hành chính và thủ tục hành chính làm thước đo tính minh bạch của chính quyền. Qua đó, đã củng cố niềm tin của DN, nhà đầu tư khi đến tìm hiểu và hoạt động sản xuất kinh doanh tại Vĩnh Long”.

Điều này thể hiện qua số lượng nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Vĩnh Long trong năm 2016 tăng cao, số dự án được cấp chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư nhiều hơn so những năm trước.

Trong năm này, có 57 lượt nhà đầu tư đến làm việc tìm hiểu môi trường và khả năng triển khai các dự án đầu tư. Đã có 2 dự án được cấp chủ trương, 15 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng số vốn đăng ký trên 4.400 tỷ đồng.

Đáng chú ý nhất, trong năm qua một số dự án có vốn đầu tư lớn được triển khai nhanh như: Trung tâm Thương mại- Dịch vụ nhà ở Tập đoàn Vincom với số vốn đăng ký 485 tỷ đồng; dự án Nhà máy Thức ăn chăn nuôi De Heus với vốn đầu tư hơn 30 triệu USD; Dự án Nhà máy Capsule III, nâng vốn từ 150 lên 375 tỷ đồng,…

Các dự án này được đánh giá sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.

Hội thảo phân tích PCI khu vực ĐBSCL 2016 tại Vĩnh Long.
Hội thảo phân tích PCI khu vực ĐBSCL 2016 tại Vĩnh Long.

Theo kết quả chỉ số PCI năm 2016 vừa được công bố thì Vĩnh Long đạt 62,76 điểm, xếp hạng 6, thuộc nhóm rất tốt, tăng 13 hạng so với năm 2015.

Thể hiện sự cải thiện đáng kể về chất lượng điều hành theo đánh giá của cộng đồng DN. Những lĩnh vực cải thiện nhiều như các chỉ tiêu về tiếp cận đất đai, gia nhập thị trường, chi phí thời gian, tính năng động của chính quyền,…

Theo ông Trương Đặng Vĩnh Phúc- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư tỉnh Vĩnh Long, lãnh đạo tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt và không ngừng chú trọng cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh để thúc đẩy sự phát triển của DN, nhất là sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Theo đó, tỉnh đã có nhiều giải pháp quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành như ban hành các cơ chế, chính sách để khuyến khích hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ DN, khởi nghiệp.

Ông Trương Đặng Vĩnh Phúc cho biết, những giải pháp trọng tâm mà tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện trong năm 2016 mang lại kết quả nhất định.

Chẳng hạn, cải thiện tính năng động của lãnh đạo tỉnh trong vận dụng thực thi chính sách của Trung ương và địa phương. Kịp thời nắm bắt thông tin và giải quyết những khó khăn vướng mắc cho các DN, nhà đầu tư qua các buổi khảo sát, đối thoại, gặp mặt và đề xuất trực tiếp của DN.

Đẩy mạnh hiệu quả công tác cải cách hành chính, thủ tục hành chính gắn với minh bạch hóa thông tin cho DN, người dân. Triển khai thực hiện khá tốt, đồng bộ các chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động ổn định và phát triển lâu dài trên địa bàn.

 

TS. Võ Hùng Dũng nhận định: Trong 12 năm đánh giá PCI, các tỉnh có sự tăng giảm nhưng nhìn chung vẫn ổn định về chất lượng điều hành. Tỉnh quan tâm cải cách luôn có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng, cho thấy nỗ lực của địa phương được DN nhìn nhận. Tỉnh có chất lượng điều hành tốt sẽ phát triển được DN, thu hút nhiều đầu tư.

  • ™Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- HOÀNG MINH