Pin điện mặt trời: còn phụ thuộc Trung Quốc

Cập nhật, 09:19, Chủ Nhật, 25/04/2021 (GMT+7)

Theo chuyên gia ngành điện, các doanh nghiệp trong nước chủ yếu nhập khẩu pin từ Trung Quốc rồi đem lắp ráp.

Vấn đề ở chỗ: đúng là Việt Nam rất thiếu điện, nhưng đó phải là nguồn điện ổn định, bền vững và không ảnh hưởng đến hệ thống đang có.
Vấn đề ở chỗ: đúng là Việt Nam rất thiếu điện, nhưng đó phải là nguồn điện ổn định, bền vững và không ảnh hưởng đến hệ thống đang có.

Một báo cáo mới đây của Hãng Tư vấn năng lượng Rystad Energy cho biết, mức giá vật liệu và chi phí vận tải biển tăng cao hơn đang làm chi phí tấm pin điện mặt trời xuất từ Trung Quốc tăng lên mức hơn 0,22 đô la/wp, đảo ngược xu hướng giảm kéo dài 7 năm qua.

Diễn biến này là do giá các vật liệu sử dụng để sản xuất các tế bào quang điện silicon (thành phần chính để tạo nên tấm pin điện mặt trời), gồm polysilicon, bạc, nhôm và thủy tinh cũng như chi phí vận chuyển tăng cao hơn.

PGS.TS. Lê Văn Doanh- nguyên Trưởng Khoa Điện, ĐH Bách khoa Hà Nội- tán thành với quan điểm báo cáo của Rystad Energy đưa ra, đó là sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp pin mặt trời, vật liệu sản xuất pin điện mặt trời từ
Trung Quốc.

Đối với Việt Nam, vị chuyên gia khẳng định 100% nguyên vật liệu làm pin điện mặt trời đều phải nhập khẩu, trong đó chủ yếu là nhập khẩu từ Trung Quốc bởi giá rẻ nhất. Ngoài Trung Quốc, các quốc gia khác như Đức, Pháp... cũng cung cấp pin điện mặt trời nhưng giá thành đắt hơn.

Pin điện mặt trời được cấu tạo từ các “tế bào” cell để nhận ánh sáng và biến đổi thành điện. Các cell này được làm bằng silic tinh khiết với công nghệ cực kỳ khó, Việt Nam chưa thể làm được và mua thì cũng rất đắt. Chúng được dán lên một miếng kính cường lực, xung quanh là một tấm nhôm để đỡ. Ngoài ra, cần có thêm một bộ inverter để chuyển đổi điện một chiều thành điện xoay chiều. Doanh nghiệp Việt Nam chỉ đơn thuần là nhập khẩu từ Trung Quốc, đóng container mang về lắp ráp- PGS.TS. Lê Văn Doanh
chỉ rõ.

Bởi pin điện mặt trời hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc nên hễ thị trường này biến động thì các doanh nghiệp trong lĩnh vực này ở Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng theo. Tuy nhiên, chi phí đầu tư dự án điện mặt trời ngày càng rẻ hơn. Ở một số thời điểm, khi giá nguyên vật liệu tăng, tính kinh tế của dự án điện mặt trời có thể giảm đi nhưng không đáng kể.

Trung Quốc là quốc gia phát triển năng lượng tái tạo nhiều nhất thế giới, đặc biệt là điện mặt trời là bởi đất nước Trung Quốc rộng lớn, trong đó có những hoang mạc mênh mông ở Tân Cương, Tây Tạng. Trung Quốc đẩy mạnh phát triển điện mặt trời ở những vùng hoang mạc này để vừa có điện, vừa trồng trọt cây trái ở dưới các tấm pin điện mặt trời.

PGS.TS. Lê Văn Doanh cho rằng Việt Nam chúng ta cũng có thể làm được pin điện mặt trời nhưng phải đầu tư rất lớn, mà như vậy thì không có lợi ngay. Sở dĩ Việt Nam xảy ra cơn sốt làm điện mặt trời là do chính sách mua điện mặt trời với giá ưu đãi (giá FIT), còn các công ty cung cấp pin điện mặt trời ở Trung Quốc sẵn sàng cho doanh nghiệp Việt Nam trả dần chi phí nguyên vật liệu nên nhiều nhà đầu tư đổ xô vào làm. Không sai khi nói rằng cuộc đua điện mặt trời tại Việt Nam thời gian qua đã giúp các công ty pin Trung Quốc hưởng lợi.

Cũng bởi phải nhập khẩu hoàn toàn nên không ít nhà đầu tư điện mặt trời cảm thấy lo ngại về chất lượng, hiệu suất... của các tấm pin điện mặt trời, nhất là khi hồi tháng 3 vừa qua, giám đốc một công ty buôn lậu tấm pin điện mặt trời đã bị cơ quan công an bắt tạm giam ở Bắc Giang.

Về vấn đề này, theo PGS.TS. Lê Văn Doanh, đối với những tấm pin điện mặt trời trôi nổi, vào Việt Nam theo con đường nhập lậu, chất lượng của chúng khó đảm bảo, trong đó hoàn toàn có thể là đồ phế phẩm.

Còn về tiêu chuẩn cụ thể của pin điện mặt trời, ông khẳng định đã có khá đầy đủ. Thậm chí, theo thống kê của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học- Công nghệ) thì Việt Nam có gần 20 tiêu chuẩn Việt Nam liên quan đến hệ thống điện mặt trời. Vấn đề là cần hoàn thiện các chế tài về chất lượng sản phẩm để xử lý những đơn vị nhập khẩu, các nhà đầu tư sử dụng thiết bị kém chất lượng.

ĐÔNG PHƯƠNG (theo ĐVO)