Đại biểu chất vấn việc kinh doanh xổ số và bảo hiểm

Cập nhật, 14:45, Thứ Ba, 26/03/2024 (GMT+7)

(VLO) Tại phiên chất vấn và trả lời chấn vấn tại Phiên họp thứ 31 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về hai lĩnh vực tài chính và ngoại giao, Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thanh Phong đã quan tâm đặt câu hỏi chất vấn về lĩnh vực tài chính. Cùng với các đại biểu ở các tỉnh, thành phố có cùng nội dung chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trả lời những vấn đề trọng tâm tại hội trường; đồng thời Bộ Tài chính cũng có văn bản báo cáo làm rõ những nội dung liên quan.

Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long tham dự trực tuyến phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31.
Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long tham dự trực tuyến phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31.

Lĩnh vực xổ số kiến thiết

Đại biểu Nguyễn Thanh Phong đặt câu hỏi: Phương thức quản lý, vận hành và phát hành xổ số kiến thiết (XSKT) hiện nay còn khá thủ công, chưa khai thác được hết tiềm năng phát triển. Ở góc độ thương mại, phương thức thủ công có dấu hiệu hạn chế việc mở rộng phát hành đối với XSKT.

Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này. Trong lĩnh vực kinh doanh XSKT chưa có các quy định cụ thể để tăng cường, mở rộng việc phát hành XSKT trên mạng Internet và các kênh trực tuyến khác. Vì vậy, đối với lĩnh vực kinh doanh xổ số, Bộ trưởng có giải pháp gì để từng bước mở rộng, thúc đẩy phát triển.

Theo báo cáo Bộ Tài chính, hiện nay, cả nước có 64 doanh nghiệp Nhà nước đang kinh doanh xổ số, gồm 63 công ty XSKT tại 63 tỉnh, thành phố kinh doanh xổ số truyền thống và 1 Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam.

Năm 2023, doanh thu đạt 153.037 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022, nộp ngân sách là 45.016 tỷ đồng, tăng 10,3% so với năm 2022, trong đó xổ số điện toán chiếm 3,4%.

Toàn bộ nguồn thu từ xổ số được nộp vào ngân sách địa phương và hàng năm được Quốc hội phê duyệt để chi cho đầu tư phát triển; trong đó ưu tiên để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề và lĩnh vực y tế; phần còn lại ưu tiên chi thực hiện các công trình, dự án đầu tư chống thiên tai, chống biến đổi khí hậu, NTM và các nhiệm vụ đầu tư quan trọng khác thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương.

Đây là nguồn thu quan trọng của địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền Nam để thực hiện các mục tiêu đầu tư phát triển của tỉnh. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh xổ số cũng tạo công ăn việc làm cho hệ thống đại lý và người bán vé số.

Mặc dù thị trường xổ số tăng trưởng ổn định, đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân, góp phần tăng thu ngân sách và tạo công ăn việc làm tại địa phương, nhưng vẫn còn hạn chế như sản phẩm xổ số thủ công vẫn chiếm tỷ trọng lớn, phát triển không đồng đều giữa các khu vực.

Ngoài ra, gần đây có tình trạng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng pháp luật dân sự để kinh doanh, phân phối vé số qua ứng dụng điện tử, internet, các trung gian thanh toán...

Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược tài chính đến năm 2030, trong đó đối với lĩnh vực xổ số đặt mục tiêu hoàn thiện khung pháp lý, từng bước tái cơ cấu thị trường theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Căn cứ quy định của pháp luật và định hướng nêu trên, Bộ Tài chính sẽ điều hành thị trường theo nguyên tắc thận trọng, triển khai đồng bộ các giải pháp gồm: Tháng 1/2024, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về kinh doanh xổ số tập trung vào việc hiện đại hóa hoạt động xổ số; tăng cường công khai minh bạch trong hoạt động kinh doanh xổ số; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để thực hiện kinh doanh, phân phối vé số trái quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi của người chơi.

Bên cạnh, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để tăng cường quản lý giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh xổ số; tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến việc lợi dụng hoạt động của XSKT, hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc.

Tiếp tục theo dõi, quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh xổ số trên phạm vi cả nước để đảm bảo thị trường phát triển theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch.

Đối với vấn đề bảo hiểm

Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thanh Phong (trái) và Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Long- Nguyễn Minh Dũng tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thanh Phong (trái) và Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Long- Nguyễn Minh Dũng tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phong đặt câu hỏi: Việc phát triển nhanh hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm (BH) qua ngân hàng đã phát sinh một số bất cập trong việc quản lý chất lượng dịch vụ BH qua kênh ngân hàng.

Đặc biệt là BH nhân thọ thường hay phát sinh vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn, cũng như dịch vụ chăm sóc và giải quyết quyền lợi BH cho khách hàng. Bộ trưởng cần có giải pháp căn cơ gì để lành mạnh hóa hoạt động kinh doanh BH.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thị trường BH Việt Nam trong thời gian qua đã góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; cũng như một phần đem lại sự bảo vệ về tài chính, sức khỏe cho người dân.

Cùng với đó, các doanh nghiệp BH đã và đang hoạt động an toàn, hiệu quả, chuyên nghiệp, năng lực cạnh tranh ngày càng được cải thiện.

Các sản phẩm và chất lượng dịch vụ được tăng cường ngày càng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tham gia BH.

Tính đến cuối năm 2023, các doanh nghiệp BH đã đầu tư trở lại nền kinh tế với tổng số tiền ước đạt 762.580 tỷ đồng và chi trả quyền lợi BH ước đạt 86.376 tỷ đồng. Tổng tài sản của các doanh nghiệp BH ước đạt 913.308 tỷ đồng, tăng 11,12% so với năm 2022.

Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường BH, đặc biệt là BH nhân thọ đã phát sinh một số vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn, cũng như dịch vụ chăm sóc và giải quyết quyền lợi BH cho khách hàng.

Cùng với đó, đã hình thành thêm nhiều kênh phân phối khác là các đại lý tổ chức mà điển hình là kênh phân phối qua ngân hàng, giúp hoạt động khai thác BH trở nên đa dạng, nhưng cũng tạo ra sự phức tạp hơn và cần phải nhìn nhận lại và chấn chỉnh để hoạt động đúng hướng, lành mạnh.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã tăng cường nhiều giải pháp để chấn chỉnh những mặt trái, sai lệch trong triển khai hoạt động khai thác các sản phẩm BH trên thị trường BH nhân thọ nói chung và kênh phân phối qua ngân hàng nói riêng.

Bộ Tài chính đã có nhiều công văn yêu cầu các doanh nghiệp BH chấn chỉnh hoạt động bán BH qua ngân hàng, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý BH đối với các ngân hàng.

Bộ Tài chính đã nghiên cứu để trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành bổ sung nhiều quy định pháp luật nhằm kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh của thị trường, tăng cường tính minh bạch thông tin và bảo vệ tốt hơn người tham gia BH.

Cụ thể như chuẩn hóa một số quy định về hợp đồng BH nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia BH; bổ sung các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp BH trong quá trình tư vấn, giao kết hợp đồng BH, đảm bảo tính minh bạch; người dân được tư vấn đúng, đủ thông tin, rõ ràng về sản phẩm BH, để lựa chọn được sản phẩm BH trên cơ sở tự nguyện và phù hợp với nhu cầu; bổ sung các quy định nhằm ngăn chặn tình trạng “ép” mua BH qua ngân hàng hoặc tư vấn không đúng về sản phẩm BH…

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân về quyền và nghĩa vụ khi tham gia hợp đồng BH, các cơ chế xử lý khi có tranh chấp đối với hợp đồng BH.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến sản phẩm BH, công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp BH để người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin khi tìm hiểu, lựa chọn cho mình sản phẩm BH phù hợp.

Bài, ảnh: HẢI YẾN