Quốc hội thảo luận chủ trương đầu tư nhiều dự án đường cao tốc

Cập nhật, 05:18, Thứ Ba, 07/06/2022 (GMT+7)

(VLO) Ngày 6/6, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư: Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh; chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa- Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa- Vũng Tàu (giai đoạn 1); kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Tại báo cáo thẩm tra dự án đường Vành đai 4, dự án đường Vành đai 3, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan thực hiện để bảo đảm được tiến độ hoàn thành 2 dự án, ban hành chính sách hợp lý và đền bù thỏa đáng đối với người dân chịu ảnh hưởng của các dự án.

Đối với các đường cao tốc, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng việc triển khai thực hiện nhiều dự án đường cao tốc cùng một thời gian, trong đó tập trung chủ yếu vào giai đoạn 2022- 2025 sẽ cần một nguồn lực rất lớn, do đó sẽ khó bảo đảm tiến độ cơ bản hoàn thành trong năm 2025.

Do đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị đánh giá bổ sung đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, nguồn nhân lực… để có giải pháp kịp thời nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho các dự án được triển khai.

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu cho rằng việc Quốc hội phải xem xét 5 dự án quan trọng quốc gia có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội cho cả vùng và cả nước, do đó đòi hỏi sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, cần bảo đảm khả thi trong tổ chức thực hiện các dự án khi cùng một lúc nhiều dự án trọng điểm quốc gia được triển khai thì các vấn đề như vật liệu thi công, năng lực thi công của các nhà thầu, bảo đảm vốn… cần được tính đến.

TÂM NHƯ