Diễn đàn

Mấy suy nghĩ về cây cam lấn cây lúa

Cập nhật, 07:38, Thứ Năm, 30/08/2012 (GMT+7)

Gần đây trên thông tin đại chúng có đưa vấn đề nông dân huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long đưa cây cam xuống đất trồng lúa. Có lẽ Trà Ôn không phải là ngoại lệ mà nó đã diễn ra nhiều nơi ở ĐBSCL. Cái cần quan tâm là làm sao tìm cho ra nguyên nhân nông dân chọn cây cam mà bỏ cây lúa.

Nếu nói cây cam có lợi nhuận cao hơn cây lúa thì chưa hẳn là như vậy, vì đã qua người trồng cam đã từng điêu đứng do dịch bệnh rồi giá cam bị rớt thê thảm. Lúc hưng thịnh, cây cam cho lợi nhuận rất cao nhưng lúc suy tàn thì cây cam cũng bị chặt phá. Kịch bản này cứ diễn đi diễn lại nhiều nơi nhiều lúc. Người đã từng nhiều năm dựa vào cây cam mà sống cũng tự rút ra một kết luận: 10 người trồng cam giỏi lắm là năm ba người kiếm ăn được chứ không phải ai trồng cam đều giàu cả. Còn cây lúa thì cũng không thể đơn giản, nó cũng cứ vấp phải “trúng mùa rớt giá” và ngược lại thì bị tác động của thiên tai dịch bệnh.

Trong chiến lược an ninh lương thực, Nhà nước ta đã chủ trương phải duy trì cho bằng được 3,8 triệu km2 dành cho đất trồng lúa. Từ chủ trương quan trọng này, nếu việc cây cam lấn cây lúa không có cách giải quyết tận gốc thì rất nguy hiểm, vì ngoài cây cam thì còn cây gì lấn ruộng nữa?

Để bảo vệ cho được 3,8 triệu km2 đất trồng lúa, có lẽ Đảng và Nhà nước ta cần có nhiều chủ trương biện pháp. Trong các chủ trương biện pháp ấy, người viết thấy có một nội dung đáng quan tâm, đó là việc đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn có hiệu quả hơn. Một số chuyên gia kinh tế đã lên tiếng phê phán tỷ lệ đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn rất thấp, mà đầu tư kém hiệu quả là vấn đề cần xem xét đánh giá lại. Từ lâu, ta chấp nhận theo kinh tế thị trường nhưng nông dân ta chưa đủ “tư thế” tiêu thụ sản phẩm mình làm ra. Yêu cầu của Chính phủ là làm sao cho nông dân có lời từ 30- 40%, nhưng giá lúa có tăng mà Nhà nước chưa trực tiếp mua trong khi nông dân thì không thể chờ đợi buộc phải bán tư thương. Khi tư thương bán cho Nhà nước với giá cao thì người ta nhầm tưởng nông dân lời 30- 40%. Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn- Viện trưởng IPSARD, 70% số dân ở nông thôn làm ra sản phẩm tương đương 20% GDP, kim ngạch xuất khẩu 30% nhưng đầu tư không tương xứng. Còn Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh nhìn góc độ tổng thể nền kinh tế thì cho rằng mức đầu tư cho nông nghiệp cách đây 10 năm từ 13- 14% ngân sách nhưng hiện nay chỉ 6%. Như vậy chưa có gì gọi là ưu tiên cho nông nghiệp, do không ưu tiên trên thực tế mà nông nghiệp, nông thôn khó khăn là không tránh khỏi. Do không chủ động được các khâu sản xuất, chăm bón, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm... nên nông dân chịu biết bao may rủi trong một chuỗi khâu ấy, dẫn đến một số người không cam tâm bám ruộng nên ruộng lúa bị cây- con khác cũng như các dự án lấn dần. Đó là mối đe dọa đến 3,8 triệu km2 đất lúa.

Từ thực tế nêu trên, nông nghiệp, nông thôn đang cần tiếng nói chung của các “nhà”, trong đó vai trò của Nhà nước trở thành quyết định.

NGUYỄN THANH LIÊM (Trà Ôn)