Sức khỏe và thuốc lá

Thuốc lá- tác nhân gây ung thư vòm họng

Cập nhật, 18:22, Thứ Ba, 30/11/2021 (GMT+7)

Ung thư vòm họng là bệnh đứng hàng đầu trong các loại ung thư vùng đầu- mặt- cổ và là một trong 10 loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam. Đa số những người mắc bệnh ung thư vòm họng đã từng hút thuốc lá hoặc sống trong môi trường có khói thuốc lá.

Ung thư vòm họng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở nhóm 40- 49 tuổi (chiếm 31%), nam chiếm gần gấp 3 lần so với nữ. Hàng năm, có khoảng 350- 400 bệnh nhân ung thư vòm họng được điều trị tại Bệnh viện K Hà Nội. Căn bệnh này xếp hàng thứ 5 trong các bệnh ung thư ở nam giới. Nếu bệnh phát hiện sớm cơ hội chữa khỏi (sống sau 5 năm) có thể lên tới trên 70- 80%, nhiều trường hợp khỏi hẳn.

Với ung thư vòm họng giai đoạn muộn, tỷ lệ tái phát và di căn sau điều trị rất cao, tỷ lệ sống thêm trên 5 năm thấp, từ 10- 40%.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, hơn một nửa số bệnh ung thư có thể liên quan đến yếu tố môi trường và lối sống không lành mạnh. Nguyên nhân của ung thư vòm họng có thể do nhiễm chất benzopyren, khói công nghiệp, hóa chất bốc hơi, viêm vòm họng mạn tính, hút thuốc lá, nghiện rượu, tiếp xúc với formon, bụi gỗ.

Để dự phòng ung thư vòm họng, các bác sĩ khuyến cáo mọi người cần duy trì một lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống khoa học. Hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích. Hạn chế ăn các loại thực phẩm khô như cá khô, các loại thực phẩm lên men như dưa cà muối, thực phẩm ăn nhanh, nhiều chất bảo quản như xúc xích, thịt hun khói, thức ăn chiên nhiều lần.

MAI ANH