Quyết liệt khống chế bệnh sốt xuất huyết

Cập nhật, 14:14, Thứ Sáu, 05/07/2019 (GMT+7)

Hiện nay, mưa nhiều nên tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) tiếp tục diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long với số ca mắc bệnh tăng cao, nguy cơ bùng phát thành dịch là rất lớn. Trước tình hình trên, ngành y tế tỉnh đang tiếp tục triển khai nhiều biện pháp khống chế căn bệnh nguy hiểm này.

Ngành y tế tỉnh đang triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất diện rộng diệt muỗi trưởng thành mang mầm bệnh.Ảnh: TL
Ngành y tế tỉnh đang triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất diện rộng diệt muỗi trưởng thành mang mầm bệnh.Ảnh: TL

Đã vào mùa SXH

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm cả nước có 70.800 trường hợp SXH. Theo đánh giá của ngành y tế, mùa dịch SXH năm 2019 đã bắt đầu khi mưa liên tục kết hợp nắng nóng, đặc biệt là ở miền Nam. Đây là điều kiện rất thuận lợi để muỗi vằn sinh sản và phát triển làm lây lan bệnh nhanh trong dân cư.

Cũng theo thống kê của ngành y tế, trong 6 tháng đầu năm, TP Hồ Chí Minh ghi nhận hơn 24.000 ca SXH, tăng 176% so với cùng kỳ; trong đó có 5 người tử vong gồm 3 người lớn, 2 thiếu niên. Số bệnh nhân tăng dần từ những tuần đầu tháng 6 khi mùa mưa đến.

SXH lây từ người bệnh sang người lành qua muỗi vằn. Bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Giai đoạn sốt thường có biểu hiện sốt cao đột ngột, liên tục, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau bụng. Da xung huyết, đau cơ, đau khớp, nhức 2 hố mắt, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

Giai đoạn nguy hiểm thường rơi vào ngày thứ 3- 7 của bệnh. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Một số biểu hiện dễ gặp như tràn dịch màng phổi, gan to, li bì, tụt huyết áp. Người bệnh thường có xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, tiểu máu, xuất huyết nội tạng như tiêu hóa, phổi, não. Trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim.

Phần lớn bệnh nhân SXH được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm khi có sốc xảy ra để xử trí kịp thời. Hiện nay bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh và biện pháp chủ yếu là tránh muỗi đốt, diệt lăng quăng, diệt muỗi trưởng thành. Ngủ trong màn chống muỗi, kể cả ban ngày.

Vĩnh Long có số ca mắc tăng gấp đôi cùng kỳ

Đối với tỉnh Vĩnh Long, tính đến cuối tháng 6, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 830 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Bệnh tiếp tục có chiều hướng gia tăng do muỗi vằn truyền bệnh đang có điều kiện phát triển khi mưa nhiều dụng cụ chứa nước tăng lên.

BS Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh- cho biết: Trước tình hình này, ngành y tế cũng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm khống chế tình hình dịch bệnh, đồng thời nâng cao năng lực cho hệ điều trị cũng như dự phòng để làm giảm tỷ lệ tử vong cũng như khống chế tình hình dịch bệnh trong cộng đồng.

Ngoài ra, ngành tăng cường hoạt động giám sát từ những ca mắc đầu tiên của những địa phương có nguy cơ cũng như xử lý triệt để các ổ dịch không để dịch bùng phát.

Để khống chế tốt bệnh SXH, công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng chống bệnh SXH cũng được ngành y tế tỉnh tăng cường. Tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch SXH cao, nhân viên y tế và cộng tác viên đã đến từng hộ gia đình hướng dẫn các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng cũng như cách nhận biết dấu hiệu của bệnh.

Chị Võ Thị Thủy (xã Hòa Bình- Trà Ôn) cho biết: “Do biết bệnh SXH nguy hiểm nên tôi ý thức phải vệ sinh nhà cửa ngủ mùng kể cả ban ngày, dọn dẹp vệ sinh kỹ lưỡng không có nơi cho muỗi trú ẩn, đối với lu hũ thì kiểm tra thường xuyên nếu phát hiện có lăng quăng thì đổ bỏ liền vì nhà có trẻ nhỏ”.

Theo Y sĩ Nguyễn Văn Nhiều- Phó trưởng Trạm Y tế xã Hòa Bình (Trà Ôn): Khi mùa mưa bắt đầu, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng bệnh, cũng như triển khai cho y tế ấp, tham mưu tốt cho BCĐ để diệt muỗi, lăng quăng xuống tận hộ gia đình của từng ấp nhằm nâng cao ý thức người dân cùng tham gia diệt muỗi, lăng quăng khống chế bệnh SXH.

Hiện nay, ngành y tế tỉnh đang triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất diện rộng diệt muỗi trưởng thành mang mầm bệnh. Tuy nhiên, bệnh SXH chỉ được khống chế khi có sự chung tay diệt muỗi, diệt lăng quăng của cả cộng đồng.

Theo BS Huỳnh Thanh Tân, thời gian muỗi vằn đẻ trứng và từ trứng nở thành lăng quăng phát triển thành muỗi khoảng 2 tuần, do đó người dân cần kiểm tra những dụng cụ chứa nước và loại bỏ lăng quăng để không phát triển thành muỗi gây bệnh. Đặc biệt, mùa mưa tới người dân nên lưu ý thường xuyên dọn dẹp dụng cụ chứa nước linh tinh như vỏ dừa, vỏ xe, lon sữa bò để giảm bớt dụng cụ không cho muỗi vằn vào đó sinh sản phát triển gây bệnh.

Theo ngành y tế Vĩnh Long, do bệnh SXH xuất hiện ở tất cả các địa phương trong tỉnh nên muỗi mang mầm bệnh rất nhiều. Vì vậy, người dân cần tích cực cùng ngành y tế loại bỏ môi trường sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng và phòng muỗi đốt để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng trước căn bệnh nguy hiểm này.

 

MAI ANH