Bệnh đột quỵ- nguy hiểm nhưng dễ phòng ngừa

Kỳ cuối: Phòng ngừa và tầm soát đột quỵ

Cập nhật, 12:12, Thứ Bảy, 29/06/2019 (GMT+7)

Đột quỵ là căn bệnh phổ biến, bất ngờ và gây ra hậu quả nghiêm trọng, nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa nguy cơ và giảm thiểu hậu quả của nó. Thay đổi lối sống, loại bỏ những thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu bia, tăng cường vận động, sống lành mạnh không chỉ loại bỏ nguy cơ đột quỵ mà còn giúp phòng ngừa nhiều bệnh lý khác.

Máy MRI 3T có thể chụp được hệ thống mạch máu não mà không cần bơm thuốc tương phản, sẽ không có nguy cơ sốc thuốc hay dị ứng thuốc.  Ảnh: THÚY QUYÊN
Máy MRI 3T có thể chụp được hệ thống mạch máu não mà không cần bơm thuốc tương phản, sẽ không có nguy cơ sốc thuốc hay dị ứng thuốc. Ảnh: THÚY QUYÊN

Đi lòng vòng, mất “giờ vàng”

Một thanh niên 30 tuổi ở TP Cần Thơ bị đột quỵ cách đây 3 tháng đến tái khám. Do không biết anh bị đột quỵ nên người nhà đưa anh trị lòng vòng, đến khi tới bệnh viện thì đã quá giờ vàng để can thiệp tốt nhất khiến não bệnh nhân bị tổn thương một phần bên phải, do bị vỡ túi phình mạch máu não. Các bác sĩ phải mổ để cứu sống anh.

Trường hợp khiến TS.BS Trần Chí Cường- Giám đốc chuyên khoa Bệnh viện Tim mạch- Đột quỵ TP Cần Thơ, Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP Hồ Chí Minh- tiếc nuối nhiều nhất là phải mất 4 ngày mới đến được bệnh viện có thể can thiệp, điều trị đột quỵ, mà lẽ ra chỉ mất 30 phút chạy xe.

Ông P.V.T. quê ở Vĩnh Long nhập viện trong tình trạng tê bì nửa người, hôn mê. Người nhà cho biết, ông có tiền sử bị tăng huyết áp và đây là lần đột quỵ đầu tiên. Nhận thấy ông có triệu chứng nghi ngờ của đột quỵ như liệt nửa người, lơ mơ, nói khó, gia đình nghĩ ngay đến căn bệnh nguy hiểm này.

2 giờ sau khi xuất hiện các triệu chứng, bệnh nhân đã đến được bệnh viện. Qua thăm khám lâm sàng và kết quả cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán ông T. bị tắc nghẽn mạch máu não bán cầu bên trái.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành, ê-kíp điều trị đã quyết định can thiệp mạch máu não bằng cách đưa dụng cụ qua động mạch đùi lên vị trí động mạch ở não bị tổn thương để nong và hút huyết khối gây tắc nghẽn, giúp tái lập lưu thông dòng máu lên não. Được theo dõi và điều trị tại Khoa Thần kinh- Đột quỵ, sức cơ 2 tay, 2 chân của ông gần như hồi phục hoàn toàn.

TS.BS. Trần Chí Cường cảnh tỉnh: Vấn đề quan trọng của cấp cứu đột quỵ là thời gian. Vì vậy, nên nắm rõ các quy trình điều trị đột quỵ để cho bệnh nhân chuyển viện kịp thời, tránh chuyển lòng vòng hay giữ bệnh.

Phòng ngừa và tầm soát đột quỵ

Chị N.T.T.Q. sinh năm 1976, bị nhức đầu thường kỳ đã đi khám và điều trị nhiều bệnh viện, không tìm được nguyên nhân. Khi đến bệnh viện, các bác sĩ khuyên chị tầm soát và chụp MRI 3Tesla thì phát hiện bị phình mạch máu não và đưa bệnh nhân can thiệp kịp thời, bởi túi phình đã có sẵn và nó sẽ bị vỡ bất cứ lúc nào do gắng sức hay huyết áp cao. Vỡ túi phình rất nguy hiểm, nếu không cứu chữa kịp thời thì bệnh nhân sẽ hôn mê và tử vong.

“Việc tầm soát mang lại kết quả rất tốt, phần lớn là điều trị dự phòng. Điều trị hiệu quả lên tới trên 90%”- TS.BS Trần Chí Cường cho biết.

Hiện nay việc tầm soát phòng ngừa bệnh đột quỵ trong cộng đồng chưa cao. Nhiều người chỉ biết 2 chữ đột quỵ khi té ngã và tử vong chứ không biết đến nguy cơ dẫn đến bệnh đột quỵ là như thế nào.

Do đó, theo TS.BS Trần Chí Cường, những người có triệu chứng đột quỵ; từng đột quỵ nhẹ hoặc có những yếu tố nguy cơ như: trên 50 tuổi, hút thuốc lá, tăng huyết áp, uống rượu bia nhiều; những người có các triệu chứng đau đầu kinh niên, động kinh cần phải đi tầm soát đột quỵ. Lý tưởng nhất là chụp bằng máy cộng hưởng từ MRI 3 Tesla, hình ảnh rõ ràng, không dùng thuốc cản quang, xâm lấn bằng 0. Rất nhiều trường hợp đã được phát hiện kịp thời bằng cách này.

Kỹ thuật đặt stent là kỹ thuật mới nhất trong điều trị túi phình của động mạch não.Ảnh: VINH HIỂN
Kỹ thuật đặt stent là kỹ thuật mới nhất trong điều trị túi phình của động mạch não.Ảnh: VINH HIỂN

Tầm soát đột quỵ không đòi hỏi ngành nghề nào, tuy nhiên nếu chúng ta có nhiều yếu tố nguy cơ của đột quỵ và chúng ta cần làm ngay nếu có các dấu hiệu của cơn thiếu máu não thoáng qua như: đột nhiên yếu tay chân, méo miệng… sau đó tự hết trong vòng 24 giờ. Chúng ta nên đi khám với bác sĩ chuyên khoa thần kinh, qua các xét nghiệm bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể cho từng trường hợp.

“Tôi nhấn mạnh theo dõi chứ không phải tầm soát thường xuyên. Ngoài ra, xin lưu ý, bạn không nên chủ quan dù kết quả có tốt đến thế nào. Bởi nếu bạn dưới 40 tuổi đi khám đều bình thường nhưng sau đó về “xả láng”, ngày hút 1 gói thuốc, rượu bia 5-7 lon… thì nguy cơ đột quỵ sẽ còn gia tăng. Do đó, chúng ta không nên chủ quan”- TS.BS Chí Cường cho biết.

Theo TS.BS Trần Chí Cường, khi nhận ra các dấu hiệu biểu hiện sớm của đột quỵ những cơn thiếu máu não thoáng qua bằng 3 dấu hiệu chính miệng méo, nói khó, tê yếu tay chân thì đó là 3 dấu hiệu cảnh báo sớm của đột quỵ chứ không phải trúng gió.

TS. BS Trần Chí Cường giải thích: “Đau đầu ở người trẻ có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chính do dị dạng mạch máu não. Vì vậy, khi xuất hiện những cơn đau đầu thường xuyên, người bệnh nên đến bệnh viện để được khám, chẩn đoán và điều trị sớm, tránh hệ lụy chảy máu não có thể gây tử vong”.

THÚY QUYÊN