Chủ động phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết

Cập nhật, 05:03, Thứ Sáu, 06/04/2018 (GMT+7)

Bệnh sốt xuất huyết (SXH) là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từ muỗi. Hiện nay, bệnh không chỉ bùng phát vào mùa mưa mà xuất hiện quanh năm với nhiều diễn tiến phức tạp.

Khi nghi ngờ trẻ bị SXH nên đưa đến cơ sở y tế điều trị kịp thời
Khi nghi ngờ trẻ bị SXH nên đưa đến cơ sở y tế điều trị kịp thời

Từ đầu năm đến nay, các trường hợp mắc bệnh SXH trong tỉnh Vĩnh Long chỉ ghi nhận bằng 1/3 cùng kỳ năm trước.

Nhưng có rất nhiều thể nặng vào sốc, xuất huyết có những trường hợp sốc kéo dài nếu chúng ta không theo dõi sát thì có thể gây suy đa cơ quan, bệnh nặng vẫn còn và nguy cơ đe dọa tính mạng người bệnh rất cao.

Theo bác sĩ nhi khoa, để phát hiện bệnh SXH chúng ta cần theo dõi sát đặc biệt là những dấu hiệu sốt, thường thường trẻ sốt cao, sốt liên tục không đáp ứng với thuốc hạ sốt thông thường khi trẻ sốt 2 ngày trở đi thì nên thử máu cháu xem có bị SXH.

Khi trẻ có những dấu hiệu bệnh nặng như vật vã, bứt rứt, tay chân lạnh, đổ mồ hôi, ói, đau bụng, chảy máu (chân răng, máu cam, tiêu máu, ói máu), khi đó nên nghi ngờ trẻ bị SXH và đưa đến cơ sở y tế điều trị kịp thời.

Theo dự báo của ngành y tế, qua điều tra dịch tễ và giám sát mật độ muỗi, lăng quăng cho thấy năm nay, bệnh SXH sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc có thể tăng cao và có nhiều nguy cơ bùng phát thành dịch.

Để khống chế căn bệnh nguy hiểm này, ngành y tế đang triển khai nhiều giải pháp tập trung tuyên truyền và đẩy mạnh các biện pháp giám sát ổ dịch cũ nhằm khống chế căn bệnh này; triển khai kế hoạch diệt muỗi, lăng quăng trong cộng đồng, trong trường học, vệ sinh môi trường để ngăn chặn đường lây lan trong cộng đồng.

Một số phụ huynh rất lơ là trong phòng ngừa, chỉ khi người thân bị mới nghĩ đến cách phòng. Việc diệt muỗi thường xuyên, thấy trong nhà có muỗi là tìm cho ra chỗ có lăng quăng mà diệt (chú ý hòn non bộ, bình hoa, chén nước chống kiến, các vỏ xe và vật dụng chứa nước quanh nhà) và tránh cho trẻ chơi nơi tối là cần thiết để phòng tránh.

Bên cạnh các biện pháp chủ động khống chế bệnh SXH của ngành y tế người dân cần tích cực diệt muỗi, lăng quăng và phòng muỗi đốt để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Bài, ảnh: MAI ANH