Phòng bệnh mùa nắng nóng cho trẻ

Cập nhật, 10:57, Thứ Sáu, 30/03/2018 (GMT+7)

 

Trẻ em đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long.
Trẻ em đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long.

Miền Nam vào mùa nắng nóng, oi bức là điều kiện thuận lợi cho các loại vi trùng, siêu vi trùng gây bệnh phát triển dẫn đến trẻ em dễ mắc các loại bệnh như: rôm sảy, sốt siêu vi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy cấp… Vì thế, ba mẹ cần ý thức phòng bệnh cho con.

Trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ mắc bệnh do sức đề kháng yếu và chưa có ý thức phòng bệnh khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Việc thay đổi môi trường như đi ngoài trời nóng, đi đến chỗ đông người, ăn uống thất thường cũng làm cho trẻ dễ mệt và dễ bệnh hơn nếu như không phòng tránh đúng cách.

Việc thiếu kiến thức phòng bệnh, chủ quan, xem nhẹ bệnh vào mùa nắng nóng nên hiện nay số lượng trẻ em đến khám bệnh ở các bệnh viện, các cơ sở y tế, phòng mạch tư vào mùa này rất đông.

Chị Phạm Mai Anh (Phường 2- TP Vĩnh Long) hết hồn khi lần đầu tiên chứng kiến con gái nhỏ hơn 2 tuổi của mình bị… ói nhiều, uống nước cũng ói, mặt con tái xanh.

Chị kể: “Trưa cuối tuần, có đám cưới ở quê nên anh chị cho con theo chơi. Trong tiệc có món tôm hấp nước dừa, chị cho con ăn 2 con. Con bé đòi ăn bún không, chị lấy 1 ít cho con ăn. Đến tầm 6 giờ chiều con bị ói, ói liên tục 5 lần, anh chị ẵm con đến bác sĩ khám mới biết con bị ngộ độc nhẹ có thể do tôm vừa chín tới và trời nóng nên thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn”.

Song, do con bị nhẹ nên bác sĩ hướng dẫn theo dõi con bằng cách cho con uống nhiều nước sôi để nguội, ăn cháo để xíu muối loãng và sau đó ăn uống bình thường theo nhu cầu.

Theo bác sĩ Trần Thị Tuyết Mai- Trưởng khoa Nhi Dinh dưỡng Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long, việc ăn uống thiếu vệ sinh, thiếu chất cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều trẻ em vào mùa nắng nóng bệnh tăng.

Đa số những bệnh ở trẻ em đến khám tại trung tâm vào thời gian gần đây là do nhiễm siêu vi nên giới hạn trong 5- 7 ngày. Song, nếu không biết cách điều trị kịp thời hợp lý cũng gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Ví dụ như những bệnh đường tiêu hóa nếu chúng ta không biết bù nước cho trẻ có thể dẫn đến mất nước hoặc sốc giảm thể tích do mất nước, đối với những bệnh nhiễm trùng điều trị kháng sinh không hợp lý thì có thể gây đến nhiễm trùng huyết hoặc sốc nhiễm trùng.

Mùa nắng nóng, phụ huynh quan tâm chống nắng kỹ cho trẻ khi có dịp ra ngoài.
Mùa nắng nóng, phụ huynh quan tâm chống nắng kỹ cho trẻ khi có dịp ra ngoài.

Theo các chuyên gia y tế, vào mùa nắng nóng nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát. Trẻ em ra mồ hôi nhiều nên phụ huynh cần lau khô mồ hôi cho trẻ trong lúc vui chơi và cả khi ngủ, nếu áo ướt phải thay ngay để tránh nhiễm lạnh.

Không cho trẻ chơi ngoài nắng gắt, nhất là buổi trưa và xế chiều để tránh say nắng. Việc sử dụng quạt, máy lạnh không hợp lý dẫn đến khô vùng hầu miệng của bé.

Các chất nhờn, nhầy bảo vệ vùng họng từ đó bị khô tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút, vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp, gây bệnh.

Đi ngủ phải giăng mùng để tránh muỗi đốt. Nếu trẻ bị bệnh, ba mẹ cũng cần phải theo dõi kỹ diễn biến bệnh của trẻ. Nếu có những biểu hiện trở nặng như: sốt cao hơn, thở nhanh, mệt hoặc khó thở, ói liên tục, lừ đừ, ngủ li bì, khó đánh thức, các bậc cha mẹ cần đưa con đến ngay bệnh viện, tránh xảy ra sai lầm đáng tiếc cho con trẻ.

Theo dự báo của ngành y tế, thời tiết nắng nóng như hiện nay các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và hô hấp sẽ còn tiếp tục gia tăng. Vì thế phụ huynh cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, thường xuyên rửa tay cho con; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và hạn chế ra nắng khi không cần thiết.

Đồng thời, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng và tích cực tiêm phòng đầy đủ tất cả những loại bệnh lý nguy hiểm phù hợp với lứa tuổi của trẻ bằng các loại vắc xin sẵn có, giúp trẻ được bảo vệ tốt nhất trong suốt mùa nắng nóng. 

 

 

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Bạch Yến, khi thời tiết nóng để bảo vệ sức khỏe của mình mọi người, trước hết về chế độ ăn uống nguồn thực phẩm phải được đảm bảo từ khâu chế biến bảo quản, không nên sử dụng các loại thực phẩm sau chế biến để lâu trong môi trường. Nguồn nước sử dụng phải qua xử lý an toàn hợp vệ sinh. Trẻ nhỏ ở trường học khi phát hiện có 1 em có bệnh lý lây nhiễm qua đường hô hấp tốt nhất cho bé nghỉ ngơi mau hồi phục và cách ly nguồn lây với trẻ khác.

  • Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG