Phấn đấu 12 năm nữa sẽ chấm dứt bệnh lao

Cập nhật, 15:15, Thứ Sáu, 23/03/2018 (GMT+7)

Dịch tễ lao ở Việt Nam còn cao, xếp thứ 16 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới và xếp thứ 13 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu...

Bệnh nhân nghi lao từ cơ sở chuyển đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Vĩnh Long và nhập viện điều trị.
Bệnh nhân nghi lao từ cơ sở chuyển đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Vĩnh Long và nhập viện điều trị.

Thông cáo báo chí hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống lao (24/3/2018) của Chương trình chống lao (CTCL) quốc gia gửi CTCL các tỉnh- thành trên cả nước năm nay nêu những khó khăn, thách thức lĩnh vực này mà nước ta đang đối mặt. Dù năm qua là năm ghi dấu nhiều thành công của CTCL quốc gia trong nước và trên trường quốc tế.

Lao và các bệnh về hô hấp vẫn còn cao

Ông Sơn T. (49 tuổi, ngụ xã Đông Thành- TX Bình Minh) ngày 21/3 đến khám tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Vĩnh Long theo giấy chuyển tuyến của Trung tâm Y tế TX Bình Minh. Theo chẩn đoán từ trung tâm y tế này, ông T.: xẹp phổi trái, chấn thương tạo hang, lao phổi...

Đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, qua các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán ông T. dương tính với lao.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Văn Thủy- Trưởng khoa Khám bệnh- Cấp cứu- Hồi sức tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Vĩnh Long, trường hợp ông T. đến cơ sở y tế là quá trễ. Bác sĩ cho ông T. nhập viện và mất khoảng một tuần theo dõi điều trị, trước khi đưa về cộng đồng điều trị tiếp tục theo phác đồ CTCL.

Từ khi có Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, ông T. là một trong nhiều trường hợp nghi hoặc mắc bệnh lao tại cộng đồng được chuyển viện chuyên về lao phổi tỉnh chẩn đoán, điều trị.

Bà Nguyễn Thị P. (54 tuổi, ngụ xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) mấy ngày trước cũng đến khám định kỳ, lấy thuốc BHYT tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Vĩnh Long. Mục chẩn đoán ghi bà P. bệnh hen (suyễn) và kèm viêm dạ dày tá tràng với tăng huyết áp vô căn.

Theo ước tính của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, khoảng 70% bệnh nhân vào viện khám và điều trị các bệnh lý về hô hấp: phổi, hen,... và số còn lại là lao.

Tuy nhiên, bất kỳ bệnh nhân nào đó cũng có thể kèm luôn cả 2 loại bệnh này. Tức bệnh nhân từ hen hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) kèm với lao hoặc bị bệnh lao kèm các bệnh hô hấp.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Mỹ Tiên- Trưởng Phòng Kế hoạch- Tài chính và Chỉ đạo tuyến thuộc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Vĩnh Long, năm qua tỷ lệ phát hiện bệnh mới/số thử đờm là 13%; phát hiện bệnh lao các thể/100.000 dân là 155,2; phát hiện bệnh lao AFB+ mới/100.000 dân là 94,6.

Trong năm, chỉ số khám phát hiện và thử đờm phát hiện đều cao hơn so chỉ tiêu đặt ra. Tổng số bệnh nhân lao phát hiện trong năm so với kế hoạch tăng 12%, tương đương 1.651/1.552 bệnh.

Đáng chú ý thay vì khám tầm soát, phát hiện bệnh lao trước đây thụ động (người dân đến cơ sở y tế khám và phát hiện), thì năm qua CTCL đã triển khai hoạt động phát hiện lao chủ động tại cộng đồng ở một số địa bàn. Kết quả ở 3 địa bàn huyện Long Hồ, TX Bình Minh và TP Vĩnh Long cho thấy số ca lao phát hiện tăng 20% so với năm trước.

Phấn đấu 12 năm nữa sẽ chấm dứt bệnh lao

Các chỉ số trên cho thấy dịch tễ lao trong cộng đồng còn cao. Một bác sĩ chuyên lĩnh vực lao phổi cho rằng, vấn đề không phải bệnh lao tăng cao ồ ạt bất thường.

Vấn đề là do có bệnh viện chuyên khoa các năm qua, nên lượng bệnh tập trung lại hơn; kế đến là công tác khám tầm soát đã chủ động hơn nên việc nghi và phát hiện bệnh lao trong cộng đồng và sau đó đưa vào điều trị, quản lý từ tuyến cơ sở đến tỉnh cũng chặt chẽ hơn.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung- Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương- CTCL quốc gia, hiện số người mắc bệnh lao giảm hàng năm 5- 6%; số tử vong do bệnh giảm nhanh với 3.000 người trong 2 năm 2015- 2016. Nguyên nhân bệnh nhân được phát hiện sớm, chủ động và nhiều hơn.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết hiện nay có 46/63 tỉnh- thành đã thành lập bệnh viện phổi hoặc bệnh viện lao và bệnh phổi.

CTCL quốc gia đã mở rộng diện tầm soát và quản lý lao kháng thuốc cả 63 tỉnh- thành cũng như mở rộng diện tầm soát lao đa kháng thuốc tới nhóm bệnh nhân lao phổi AFB+ tại tất cả địa phương. Tuy nhiên, với 20% bệnh nhân mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện, thì đây sẽ là nguồn lây nhiễm nguy hiểm.

Công tác phòng chống lao còn khó khăn và nguyên nhân do hiểu biết của một bộ phận người dân còn hạn chế, xã hội còn kỳ thị bệnh nhân lao nên người bệnh còn giấu. Đa số bệnh nhân lao là người nghèo, ít được tiếp cận truyền thông nên chưa ý thức cao phòng bệnh, hạn chế lây lan ra cộng đồng.

Mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 theo Nghị quyết 20 được Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương khóa XII cơ bản thông qua. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để Bộ Y tế xây dựng kế hoạch hành động quốc gia chấm dứt bệnh lao đến năm 2030.

Theo đó, trong giai đoạn 2015-2020, Việt Nam đặt chỉ tiêu giảm 30% tỷ lệ mắc lao và giảm 40% tỷ lệ tử vong. Đến năm 2030, sẽ giảm 80% số bệnh nhân lao; giảm 90% số tử vong do bệnh lao và 100% gia đình có người mắc bệnh lao không bị ảnh hưởng thu nhập.

Trong năm 2018, CTCL quốc gia sẽ mở rộng sàng lọc tới đối tượng nghi kháng thuốc và 100% nhóm bệnh nhân lao phổi AFB+ mới. Trong hàng loạt cơ hội và thách thức, ở khía cạnh chính sách chỉ ra rằng muốn dự phòng điều trị lao tốt phải có cơ sở y tế mạnh để phát hiện lao sớm, quản lý và điều trị tại cộng đồng.

Chữa khỏi trường hợp mắc lao mới trên 90%, chữa khỏi lao đa kháng thuốc trên 70%

 

Thông cáo báo chí ngày Thế giới phòng chống lao (24/3) năm nay nêu: Việt Nam là nước đi đầu thế giới trong công tác phòng chống lao vì những chiến lược mới và phù hợp. Thế giới có 54% số ca mắc lao đa kháng thuốc được chữa khỏi thì tỷ lệ này ở Việt Nam hơn 70%. Việt Nam đã có kết quả điều trị bệnh lao rất tốt, phát hiện sớm tất cả thể lao, cung cấp dịch vụ điều trị lao cho tất cả người bệnh sau chẩn đoán, điều trị lao tiềm ẩn. Hàng năm cả nước đã phát hiện và điều trị cho trên 100.000 người mắc bệnh lao với tỷ lệ chữa khỏi trên 90% trường hợp mắc mới.

 

Bài, ảnh: MINH THÁI