Cảnh giác với vi khuẩn HP!

Cập nhật, 12:22, Thứ Sáu, 06/10/2017 (GMT+7)

Người bị nhiễm vi khuẩn HP có thể dẫn đến viêm, loét dạ dày- tá tràng và nguy cơ dẫn đến ung thư dạ dày. Tỷ lệ người nhiễm vi khuẩn này đang có chiều hướng tăng cao do thói quen hàng ngày của nhiều người...

Nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP có thể bắt nguồn từ hành vi, thói quen ăn uống của nhiều người (ảnh có tính chất minh họa).
Nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP có thể bắt nguồn từ hành vi, thói quen ăn uống của nhiều người (ảnh có tính chất minh họa).

Bất ngờ vì trẻ nhỏ cũng nhiễm HP

Gần một năm nay, anh Nguyễn Khánh Khoa (xã Thanh Đức- Long Hồ) có cảm giác buồn nôn vào mỗi buổi sáng.

Đặc biệt, sau mỗi lần dùng rượu bia vào đêm hôm trước thì cảm giác buồn nôn lại nhiều hơn. Chỉ nghĩ là bao tử gặp vấn đề nhẹ nên anh mua nghệ và mật ong về dùng.

Tuy nhiên, tình trạng không thuyên giảm mà còn nặng hơn. “Tới chừng đi khám bệnh, bác sĩ thông báo tôi bị xung huyết dạ dày.

Bệnh này do một loại vi khuẩn tên là HP gây ra. Nếu không chữa trị sớm sẽ dễ dẫn đến nguy cơ xuất huyết dạ dày và nặng nhất là ung thư dạ dày”- anh Khoa kể lại.

Trường hợp nhiễm vi khuẩn HP không phải là ít và còn có xuất hiện ở trẻ nhỏ. Gần một tháng nay, chị Trần Thị Như Anh (thị trấn Long Hồ) luôn lo lắng cho đứa con gần 3 tuổi của mình.

Bé có biểu hiện nôn ói khi ăn, cảm giác ăn không ngon, đặc biệt là hay ói về khuya. Chị nghĩ đến khả năng bé bị nhiễm vi khuẩn HP từ cha khi sinh hoạt hàng ngày, thức ăn dược dùng chung.

Chị Như Anh chia sẻ: “Tôi cho bé đi khám bác sĩ, kết quả đúng như dự đoán và phải áp dụng phác đồ điều trị của cả cha và con”.

Tại hội nghị khoa học tiêu hóa- gan mật lần 5 do Bệnh viện Bạch Mai phối hợp với ĐH Nagoya (Nhật Bản) tổ chức mới đây, một con số đáng báo động được nêu là khoảng 70% dân số nước ta bị nhiễm vi khuẩn HP. Đây là nguyên nhân chính gây viêm, loát dạ dày- tá tràng và nguy cơ ung thư dạ dày.

Hội nghị nêu con số cụ thể tại Hà Nội, cứ 1.000 dân thì có hơn 700 trường hợp nhiễm vi khuẩn HP. Còn tại TP Hồ Chí Minh, có 90% người bị viêm dạ dày cho sự hiện diện của HP. Do đó, việc điều trị diệt HP là rất cần thiết nhằm ngăn ngừa các biến chứng.

Cẩn trọng việc ăn uống, hạn chế HP

Có thể bữa ăn rất ngon, nhưng hạn chế quá cay hay mặn, sẽ giúp kiểm soát yếu tố nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe (ảnh có tính chất minh họa).
Có thể bữa ăn rất ngon, nhưng hạn chế quá cay hay mặn, sẽ giúp kiểm soát yếu tố nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe (ảnh có tính chất minh họa).

Từ ngày đi khám ra bệnh, anh Khoa hạn chế rượu bia, ăn uống phù hợp cùng với sử dụng thuốc. Sau hơn 2 tháng điều trị, bệnh giảm nhiều.

Anh kể: “Bác sĩ nói là bệnh này nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời và tuân thủ theo phác đồ, sẽ không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, khả năng tái phát cao nên chính người bệnh phải chủ động phòng bệnh”.

Còn với chị Như Anh, sau khi biết chồng và con nhiễm vi khuẩn HP, chị cẩn trọng hơn khi sử dụng đồ dùng, ăn uống.

Theo bác sĩ, vi khuẩn HP chủ yếu lây qua đường ăn uống, chẳng hạn như dùng vật dụng chung để múc thức ăn, gắp thức ăn cho nhau, nên nguy cơ nhiều người trong gia đình đều có thể bị nhiễm bệnh.

Theo bác sĩ, khả năng kháng thuốc của HP là rất cao, dẫn đến việc điều trị không hiệu quả. Thông tin tại hội nghị, TS Vũ Trường Khanh- Trưởng Khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh điều trị vi khuẩn HP ở Việt Nam khá cao.

Nếu như ở nhiều nước, tỷ lệ chữa bệnh hiệu quả đạt đến 90% thì ở Việt Nam con số này là dưới 80%, thậm chí là ở một số loại thuốc, hiệu quả chỉ dưới 50%.

Cũng theo TS Vũ Trường Khanh, vi khuẩn HP có thể lây qua đường ăn uống, dẫn đến nhiều người trong gia đình đều bị nhiễm và tái đi tái lại.

Ngoài ra, nếu ăn mặn, thực phẩm lên men, thực phẩm hun khói,... sẽ làm cho thực phẩm bị biến chất gặp điều kiện vi khuẩn HP sẽ gây nguy cơ dễ phát ung thư hơn. Do đó, chế độ ăn cho người bị nhiễm HP cần tránh đồ chua cay, tránh ăn mặn...

HP là tên viết tắt của vi khuẩn Helicobacter pylori- một loại vi khuẩn Gram âm, hình xoắn sống trong lớp chất nhầy bao phủ niêm mạc bên trong dạ dày của con người. Trong quá trình sống, vi khuẩn HP sản xuất ra một lượng các chất hóa học và độc tố bảo vệ chúng trong môi trường acid và gây tổn thương trực tiếp niêm mạc dạ dày.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY- MINH THÁI