Giữ sức khỏe "tuổi hoàng hôn"

Cập nhật, 11:25, Thứ Sáu, 29/09/2017 (GMT+7)

Hiểu biết về sức khỏe người cao tuổi, những biến đổi của cơ thể theo tuổi tác giúp chúng ta chủ động hơn để giữ gìn sức khỏe, chào đón tuổi hoàng hôn và sống một đời sống viên mãn khi về già.

Tập luyện dưỡng sinh đều đặn là cách để người cao tuổi rèn luyện sức khỏe.
Tập luyện dưỡng sinh đều đặn là cách để người cao tuổi rèn luyện sức khỏe.

Chăm tập thể dục

Mỗi sớm tinh sương hay lúc nắng ngả về chiều, tại các công viên, quảng trường và các khoảng sân rộng, dễ dàng bắt gặp từng nhóm người cao tuổi (NCT) cùng luyện tập dưỡng sinh.

Nhiều NCT còn tự chọn cho mình các môn thể dục, thể thao rèn luyện sức khỏe như: chạy xe đạp, đi bộ, tập các động tác cho “thư giãn gân cốt” hoặc sử dụng các máy tập được bố trí sẵn ngoài trời để rèn luyện sức khỏe.

Tại TP Vĩnh Long, phong trào rèn luyện sức khỏe khá sôi nổi với loại hình thể dục dưỡng sinh và đi bộ. Ra đời đầu tiên là CLB Dưỡng sinh Phường 1 và bà Nguyễn Phù Dung (77 tuổi) là người đã gắn bó với CLB hơn 20 năm qua.

Sáng nào bà cũng có mặt tại Công viên TP Vĩnh Long lúc 5 giờ để tập các động tác hít thở chậm, cuối, ngước, co duỗi chân tay... Bà nói: “Nếu không duy trì thì tôi không thể có sự dẻo dai và sức bền như vầy đâu”.

Bà Đoàn Thị Vân (85 tuổi, Phường 9) thì nói: “Tui hầu như ít bệnh rề rà vì đã hơn 15 năm đạp xe từ Tỉnh ủy đến Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tập dưỡng sinh”.

Bà Nguyễn Thu Hồng (63 tuổi, Phường 2) cũng nói vui là “muốn khỏi uống thuốc thì hãy tập luyện”, bà cũng là người rất kỹ lưỡng trong ăn uống để phòng tránh bệnh tật, đồng thời bà cũng rất nhiệt tình trong các hoạt động ở địa phương vì hoạt động nhiều cũng là cách để rèn luyện sức khỏe và thấy mình là người có ích cho xã hội.

Ở tuổi 60, nghệ sĩ Kim Xuân (TP Hồ Chí Minh) vẫn thường xuyên xuất hiện trên sân khấu, phim ảnh, truyền hình.

Cô chia sẻ: “Nếu muốn bệnh tật, tim mạch và đột quỵ không còn là nỗi ám ảnh, phải tìm cách cải thiện sức khỏe.

Người lớn tuổi cả đời đã sống vì con, bây giờ là lúc gạt đi những lo âu, sống cho chính mình. Ngày mới của tôi bắt đầu bằng việc tập thể dục cải thiện sức khỏe, khi thích có thể xuống bếp nấu những món ăn ngon cho cả nhà.

Tôi uống đủ 3 lít nước mỗi ngày, để ngừa vôi hóa xương; hạn chế thức khuya, đồ uống có cồn, nước ngọt và ăn nhiều rau quả giúp thải độc, nhuận trường; hiếm khi bực tức để sống lâu, sống khỏe...”

Quan tâm khám sức khỏe định kỳ

Người cao tuổi cần phải nâng khám sức khỏe định kỳ.
Người cao tuổi cần phải nâng khám sức khỏe định kỳ.

Theo số liệu của Bộ Y tế Việt Nam, hiện NCT đang chiếm 10,5% dân số cả nước. Điều đáng nói là tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đã tăng cao nhưng số năm sống khỏe mạnh lại khá thấp.

Chỉ có khoảng 5% NCT của cả nước có sức khỏe tốt, còn lại 95% không khỏe mạnh và mang trong mình nhiều thứ bệnh như: tăng huyết áp, viêm khớp, bệnh phổi - phế quản tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường, sa sút trí tuệ…

Đa số NCT nước ta cũng chưa có thói quen khám bệnh định kỳ, vì vậy khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị rất khó khăn.

Theo các chuyên gia y tế, NCT là đối tượng cần được khám sức khỏe định kỳ nhằm theo dõi tình trạng sức khỏe, phát hiện bệnh sớm để có kế hoạch chăm sóc, điều trị bệnh tốt nhất. Một số bệnh ở NCT như bệnh tim mạch, tăng huyết áp… sẽ trở nên trầm trọng và khó chữa trị nếu bị phát hiện muộn. Trong khi đó, nếu được phát hiện sớm thì việc điều trị lại dễ dàng và tiết kiệm chi phí.

Nhiều NCT ngại đến bệnh viện, phó mặc sống chết do số phận, vì sợ ưu phiền nếu phát hiện ra bệnh tật. Ngày nay, y học tiên tiến, ung thư vẫn có thể chữa khỏi nếu phát hiện ra sớm.

Vậy nên, với bà Nguyễn Hồng Hoa (68 tuổi, Phường 8- TP Vĩnh Long) đúng lịch kiểm tra sức khỏe tổng quát ít nhất 6 tháng một lần, làm các xét nghiệm theo yêu cầu của bác sĩ để tầm soát bệnh thật kỹ.

Do bị tiểu đường tuýp 2 nên ông Nguyễn Văn Hào (83 tuổi- xã Tân Hội) rất chú ý trong ăn uống để giữ gìn sức khỏe.

Ông cho biết, nhiều người cỡ tuổi ông và cũng bị tiểu đường nhưng đều đã qua đời, còn ông đến giờ vẫn “sống chung với bệnh” mấy chục năm nay, ngoài khám sức khỏe theo đúng lịch hẹn của bác sĩ, thuốc men phụ trợ, còn lại là nhờ thói quen ăn uống lành mạnh (nhiều rau xanh, hạn chế tinh bộ, ăn nhạt), mặt khác là duy trì đi bộ thường xuyên vừa khỏi lo bị chứng teo cơ vừa giúp cơ thể dẻo dai.

Theo ông Hào, thường xuyên đọc sách báo cũng là cách giúp tinh thần minh mẫn và cập nhật kiến thức. Ngoài đọc Báo Vĩnh Long, ông cũng thường đọc các loại sách viết về y học để hiểu rõ hơn về lời khuyên của bác sĩ trong việc chăm sóc sức khỏe NCT.

Ông Nguyễn Tiến Thủ- Phó Chủ tịch Thường trực Hội NCT tỉnh Vĩnh Long- nhận định, người càng lớn tuổi thì càng biết quý trọng sức khỏe.

Hiện, đa phần NCT đều biết trang bị kiến thức phòng và chữa bệnh để biết cách tự chăm lo cho mình, tự theo dõi và phát hiện những bất thường trong sức khỏe (nếu có) để từ đó có hướng khám chữa bệnh phù hợp.

Trong ăn uống, NCT cũng quan tâm ăn thế nào để duy trì sức khỏe; cập nhật thông tin để phòng tránh, không sử dụng thực phẩm bẩn.

Đặc biệt là các cụ ông còn biết hạn chế, nói không với rượu khi dự đám tiệc cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Đối với NCT vốn quý nhất là sức khỏe, với họ “sức khỏe là vàng” chính vì vậy nhiều người còn tích cực rèn luyện thể dục thể thao để được sống lâu, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội.

 

GS.BS Nguyễn Chấn Hùng- nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh- khuyên, trong sinh hoạt ăn uống, mọi người cần bỏ thói quen bia rượu, thuốc lá. Ăn lành, ăn đủ, ăn ngon và hài hòa chất bột, thịt, béo, rau quả. Ông khuyên mọi người tích cực dùng “thuốc quý trời cho” là: ăn cho lành, cho ngon; ngủ cho sâu, cho đủ; tập cho đều; thở cho sâu; sống vui, sống đẹp.

Bài, ảnh: XUÂN QUYÊN