Sổ tay giáo dục

Những câu chuyện lo đầu năm học mới

Cập nhật, 05:38, Thứ Tư, 29/08/2018 (GMT+7)

Câu chuyện thứ nhất, khi học sinh chuẩn bị đến trường, háo hức đón năm học mới thì cũng là lúc những lo lắng của phụ huynh tăng theo. Hết nhanh tay lẹ chân tìm trường cho con đến chạy đôn, chạy đáo tìm sách giáo khoa đầu năm học.

Quần áo, tập vở, cặp sách đã tạm xong. Nỗi lo sắp tới là họp phụ huynh đầu năm học. Thật ra, đó là câu chuyện hết sức bình thường để nắm tình hình lớp, làm quen với giáo viên chủ nhiệm để tiện liên lạc, phối hợp giáo dục tốt học sinh. Nhưng với nhiều người, việc họp phụ huynh đầu năm với nhiệm vụ trọng tâm là… thu hội phí.

Hội phí hội phụ huynh học sinh là khoản tự nguyện, nếu có quy định thì do hội tự quyết. Tuy nhiên, ở các trường lớn, trường điểm, trường thành thị thì hội phí cũng cao hơn. Trong khi, không phải gia đình nào ở thành phố cũng có khả năng này.

Có những hộ khó khăn ở thành phố đành bóp bụng đóng tiền hội phí chỉ vì “ai cũng đóng ít nhất 200.000đ, không lẽ mình đóng ít hơn”.

Đã thế, mỗi khi bầu hội trưởng hội phụ huynh thì thường chọn người có kinh tế khá. Mà khi người giàu làm hội trưởng thì hộ nghèo nghèo “đóng tiền thì theo không nổi mà không theo cũng không xong”.

Thứ hai, lại nghe râm ran câu chuyện phân ban tự nhiên hay xã hội đầu năm, bởi ở một trường, học sinh không được chọn ban mình yêu thích, ban định xét tuyển ĐH, vì trường thấy em hợp ban kia hơn.

Phân ban là cần thiết để hướng nghiệp, ôn luyện cho học sinh lớp 12 chọn hướng đi phù hợp ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, việc “ép” các em vào ban mà các em không thích, không chọn thi thì có phải là áp đặt?

Còn những câu chuyện vui buồn đầu năm học mới, mỗi nơi mỗi cảnh. Cũng không thể phủ nhận những cố gắng và thành tích xã hội hóa của ngành giáo dục để học sinh nghèo nào cũng được hỗ trợ đầu năm học mới này!

Rồi những đổi mới sẽ xuất hiện để giáo dục phát triển hơn, xứng đáng với kỳ vọng của người dân. Mong rằng, những thay đổi ấy sẽ có lộ trình với những bước đi phù hợp, vững chắc.

VĨNH PHÚC