Kiên quyết xử lý tình trạng chó, mèo thả rông

Cập nhật, 12:14, Thứ Tư, 27/03/2024 (GMT+7)
Ra mắt Đội kiểm tra, bắt giữ chó, mèo thả rông.
Ra mắt Đội kiểm tra, bắt giữ chó, mèo thả rông.

Đầu năm 2024, UBND Phường 8 (TP Vĩnh Long) ra mắt Đội bắt chó, mèo thả rông, nhằm khắc phục tình trạng chó, mèo thả rông gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng mỹ quan, ATGT và có nguy cơ cắn người.

Là phường đầu tiên của TP Vĩnh Long thành lập Đội bắt chó, mèo thả rông, theo ông Nguyễn Văn Sơn- Chủ tịch UBND Phường 8, xuất phát từ việc tiếp xúc cử tri, họp dân… có phản ánh về tình trạng chó thả rông, phóng uế bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, mất ATGT và có nguy cơ cắn người, lây bệnh dại.
 
Do đó, phường chỉ đạo thành lập đội bắt và xử lý chó, mèo thả rông trên cơ sở nghiên cứu các quy định, hướng dẫn có liên quan; cũng như tham khảo mô hình ở các nơi khác.
 
Đội có nhiệm vụ lập kế hoạch, triển khai các biện pháp quản lý việc nuôi chó, mèo; phát hiện, xử phạt chủ nuôi không xích, rọ mõm chó, mèo ở nơi công cộng, ngăn chặn nguy cơ chó dữ tấn công người, phòng chống bệnh dại. Quy trình xử lý cụ thể gồm: tổ chức kiểm tra và bắt giữ chó, mèo thả rông, chó không đeo rọ mõm, nghi mắc bệnh dại tại các tuyến đường trên địa bàn phường.
 
Thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo khi chó, mèo chưa được tiêm. Tạm giữ chó, mèo thả rông tại địa điểm của phường; chăm sóc chó, mèo trong thời gian tạm giữ 48 giờ. UBND phường thông báo trên các phương tiện thông tin của phường về địa điểm tạm giữ chó, mèo bị bắt của phường để chủ vật nuôi biết, đến nhận.
 
Công an phường xử lý vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi về các sai phạm liên quan đến quản lý chó, mèo nuôi.
 
Là thành viên của đội, anh Nguyễn Thành Trung- cán bộ truyền thanh phường cho biết: Trước khi ra mắt, phường đã tổ chức tuyên truyền thường xuyên trên loa phát thanh để người dân hiểu và thực hiện. Hàng tuần, đội tổ chức đi kiểm tra, tuần tra bắt giữ chó, mèo thả rông ở các tuyến đường chính, ở Khu vượt lũ và khắp 5 khóm.
 
Đồng thời, khi người dân phản ánh nơi nào có chó mèo thả rông thì đội sẽ đến. Người bắt chó mèo được tập huấn, trang bị các kỹ năng, phương tiện cần thiết để đảm bảo an toàn. 
 
Anh Trung kể, ban đầu người dân chưa hiểu nên phản ứng rất mạnh, thậm chí chửi bới, than phiền... Tuy nhiên, qua tuyên truyền người dân dần hiểu rõ các quy định trong việc nuôi chó mèo, cũng như công việc của đội.
 
Đa phần sau khi đóng phạt 1 lần là người dân đã tự giác khắc phục. Chưa có trường hợp tái phạm nhiều lần hay đến mức phải tiêu hủy. 
 
Bất an khi nhiều lần gặp chó thả rông, thậm chí bị chó rượt theo khi đang lưu thông trên đường, anh Nguyễn Văn Khang (ngụ Khóm 5) cho biết, rất mừng khi phường đã có đội bắt chó thả rông. Theo anh, việc khắc phục tình trạng chó thả rông, ra đường phải rọ mõm và tiêm phòng bệnh dại đầy đủ cho chó, mèo là rất cần thiết và đáng hoan nghênh.
 
Cũng bày tỏ vui mừng khi phường có đội kiểm tra, bắt giữ chó, mèo thả rông, cô Nguyễn Thị Hiền (ngụ Khóm 1) bộc bạch: Thời gian qua, nhiều người than phiền rất sợ chó, mèo thả rông.
 
Khi ở xóm có người nuôi chó, mèo thả rông thì người ta phải đổi hướng đi khác để... né. Do đó, người nuôi chó, mèo ngoài tiêm ngừa, cũng cần phải cột dây, rọ mõm. Song song đó, đội cần tăng cường đi thực tế tuần tra để xử lý các trường hợp vi phạm.
 
Đồng thời, tích cực tuyên truyền thêm trên báo mạng, các trang mạng xã hội... vì nhà nhà đều có điện thoại, để mọi người đều tiếp cận được thông tin. Từ đó, tuân thủ tốt các các quy định về nuôi chó, mèo. 
 
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, trước khi ra mắt đội bắt chó, mèo thì phường đã tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo về việc nuôi chó, mèo phải tiêm phòng dại đầy đủ, ra đường phải có người dẫn dắt, đeo rọ mõm…
 
Đội đi tuần tra trên các tuyến đường.
Đội đi tuần tra trên các tuyến đường.
Từ khi được thành lập, tổ thường xuyên kiểm tra hàng tuần, hàng tháng. Đến nay, nhờ vừa kết hợp tuyên truyền, vận động; xử lý nên tình trạng chó, mèo thả rông đã giảm nhiều, người dân đã hết phản ánh.
 
Ông Sơn cho biết thêm, hiện nếu phát hiện chó thả rông không có người chăn dắt, không rọ mõm… người dân có thể báo ngay cho tổ để xử lý, hướng đến khắc phục triệt để tình trạng này trong thời gian tới. 
Theo UBND Phường 8, đội bắt giữ chó có trách nhiệm phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra trên các tuyến đường, các nơi công cộng, tại các tổ dân phố. Theo đó, xử phạt đối với các hộ gia đình, cá nhân thả rông chó, không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích chó không có người dắt khi ra nơi công cộng bị phạt tiền từ 1.000.000- 2.000.000đ, theo điểm b, khoản 2, Điều 7 của Nghị định 90/2017/NĐ-CP và Nghị định số 04/2020/NĐ- CP sửa đổi Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
 
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000-500.000đ: Thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng; Để vật nuôi, cây trồng hoặc các vật khác xâm lấn lòng đường, vỉa hè, vườn hoa, sân chơi, đô thị, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư, khu đô thị; Chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu dân cư. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000-500.000đ, theo điểm 1, Điều 7 của Nghị định số 144 /NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; PCCC; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
 
Phạt tiền từ 1.000.000-2.000.000đ đối với một trong những hành vi sau đây: Để động vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức cá nhân khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, theo điểm 2, Điều 7 của Nghị định số 144 /NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; PCCC; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- XUÂN TƯƠI