Câu chuyện nông thôn

Đồng bằng và câu chuyện "thuận thiên"

Cập nhật, 06:07, Thứ Tư, 27/03/2024 (GMT+7)

Có một lúc từ “thuận thiên” nghe nói rần rần, họp hành, hội thảo nghe nhan nhãn. Nhưng thực tế, các quy hoạch sản xuất và các giải pháp đang đề ra ở đồng bằng này đang có nhiều vấn đề đặt ra.

Cụ thể câu chuyện ứng phó hạn mặn, đề xuất “mở đường” dẫn nước từ hệ thống sông Mekong về Cà Mau, tại sao không đặt vấn đề qua các giai đoạn lịch sử các công trình lấy nước sông Mekong đã hoàn thiện đều không hề dẫn nước về Cà Mau? Các công trình nhân tạo đào kênh ở An Giang chỉ dẫn nước về tới Kiên Giang, vùng hạ thì hệ thống kênh Quản Lộ- Phụng Hiệp cũng chỉ dẫn nước vào đến vùng lõi Hậu Giang và dừng lại.

Bởi đó là những công trình đã nương theo tự nhiên, áp lực dòng chảy, có điều kiện kèm theo lưu lượng phù sa vừa đủ là dừng lại. Tiếp tục “nối dài” dòng chảy về Cà Mau chắc chắn sẽ không hiệu quả và phát sinh rất nhiều vấn đề tổn hại hệ sinh thái dòng nước. Trong khi thượng nguồn đã và đang có nhiều công trình “lấy nước” sông Mekong mà chúng ta đang… lãnh đủ; giờ chúng ta tự “ăn mòn” vào dòng chảy trong chính nội vùng của mình.

Sao không đặt vấn đề nghiêng về giải pháp “phi công trình”? Trải qua vài trăm năm, đồng bằng đang chứng kiến “quy trình ngược”, đó là lượng nước, phù sa, tốc độ dòng chảy của sông Mekong về hạ nguồn ngày càng suy giảm; nhưng con người ngày càng khai thác nguồn nước tăng lên tốc độ chóng mặt. Lối sản xuất không tuân thủ theo tự nhiên, sử dụng nước ngọt vô tội vạ, thì không có giải pháp nào có thể giải quyết hoàn hảo vấn đề thiếu nước của đồng bằng.

Hàng loạt hệ thống cống ngăn mặn, các âu thuyền tiêu tốn hàng trăm tỷ cũng đang không phát huy hiệu quả, có những công trình gần trăm tỷ đồng hàng chục năm chỉ mới đóng mở có… một lần, giờ đề xuất hàng trăm tỷ để… nâng cấp. Đồng bằng đang đi ngược lại “thuận thiên”!

Hailua@.com