Biến rác thải thành đồ dùng học tập

Cập nhật, 10:01, Thứ Sáu, 09/10/2020 (GMT+7)

Từ những vật phẩm phế thải, giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Loan Mỹ B (xã Loan Mỹ- Tam Bình) cùng nhau sáng tạo nên đồ dùng dạy và học “xanh”. Thông điệp bảo vệ môi trường được lồng ghép khéo léo trong từng dụng cụ học tập; thực hiện nhiệm vụ giáo dục gắn liền với bảo vệ môi trường.

Giáo viên Trường Tiểu học Loan Mỹ B cùng nhau làm đồ dùng dạy và học từ vật phẩm tái chế.
Giáo viên Trường Tiểu học Loan Mỹ B cùng nhau làm đồ dùng dạy và học từ vật phẩm tái chế.

Tận dụng vật phẩm tái chế

Mô hình “Làm đồ dùng dạy và học từ chất thải túi ny lông khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần” nhằm tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh về bảo vệ môi trường trong năm học 2019- 2020 tại Trường Tiểu học Loan Mỹ B được thầy cô, học sinh tích cực ủng hộ, đem lại hiệu quả thiết thực.

Theo thầy Phạm Quang Ngưỡng- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Loan Mỹ B, nhà trường huy động sự tham gia của các đoàn thể trong và ngoài nhà trường, cộng đồng dân cư, cá nhân trên địa bàn tham gia thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”.

Đồng thời, xây dựng chuyên mục trên cổng thông tin điện tử của trường để tuyên truyền và xây dựng mô hình thu gom, tái chế túi ny lông khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần để làm đồ dùng dạy- học.

Để thực hiện mô hình, trường đã trang bị các thùng rác trên các hành lang lớp học, sân trường, trước cổng trường, vận động giáo viên và học sinh thu gom túi ny lông khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần trên các lớp học để xử lý.

Cô Nguyễn Thị Sẳng- giáo viên dạy Mỹ thuật của trường- cho biết: “Từ những vật liệu, phế phẩm đã qua sử dụng, thầy cô sáng tạo nên những đồ dùng dạy học có tính thực tế cao, sử dụng được dài lâu, bảo vệ môi trường”.

Những vật liệu này được thầy cô làm thành các đồ dùng dạy học độc, lạ như tranh, ảnh bằng vỏ bong bóng, tranh túi ny lông, tranh ảnh bằng dây lục bình hay sáng tạo ra các con vật nuôi quen thuộc mà không cần dùng bất cứ loại màu vẽ, phô tô hay in ấn nào khác, vừa tiết kiệm chi phí lại bảo vệ môi trường tại ngôi trường vùng sâu, vùng xa này.

“Học sinh rất hứng thú với tiết học có sử dụng đồ dùng tái chế mới lạ, chủ động tiếp thu nhanh kiến thức và nhớ lâu hơn. Nhờ đó, góp phần nâng cao chất lượng và giáo dục kỹ năng sống về bảo vệ môi trường xung quanh.”- cô Sẳng cười nói.

Trong giờ học, các em học sinh được cô giáo hướng dẫn tạo nên đồ dùng học tập từ vật phẩm tái chế. Những đôi tay khéo léo của các em nhỏ làm theo hướng dẫn trong tâm trạng hào hứng.

Đạt giải khuyến khích hội thi sáng tác tranh thiếu nhi cấp huyện, em Thạch Thị Kim Ngân (lớp 5/2) phấn khởi: “Em cảm thấy rất vui vì được cùng thầy cô làm ra đồ dùng học tập bảo vệ môi trường. Em mong muốn sẽ làm được nhiều sản phẩm có ích hơn nữa.”

Tuyên truyền giáo dục về bảo vệ môi trường

Đồ dùng học tập từ rác thải tái chế được giáo viên Trường Tiểu học Loan Mỹ B sử dụng trên lớp học.
Đồ dùng học tập từ rác thải tái chế được giáo viên Trường Tiểu học Loan Mỹ B sử dụng trên lớp học.

Theo thầy Trần Văn Phát- Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Loan Mỹ B, với những kết quả đạt được thời gian qua, để tiếp tục phát huy và nhân rộng mô hình, tập thể cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Loan Mỹ B cùng các em học sinh luôn ra sức học tập, sáng tạo làm ra nhiều sản phẩm phục vụ học tập, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học.

Năm học 2019- 2020, nhà trường đã vận động 100% giáo viên trong đơn vị sử dụng các túi ny lông, đồ nhựa sử dụng một lần để làm đồ dùng dạy học như tranh, ảnh, mô hình, vật thật,... giúp học sinh hứng thú hơn khi tiếp nhận kiến thức mới.

Năm học 2019- 2020, trường có 17/17 giáo viên tham gia đồ dùng dạy học cấp trường với tổng số là 55 đồ dùng. Kết quả, Hội đồng trường chấm đạt 48/55 đồ dùng xếp loại A, vượt chỉ tiêu 12,3%. Giáo viên giỏi huyện đạt 100%; vượt chỉ tiêu 2 giáo viên.

Chất lượng học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 qua kiểm tra học kỳ II đạt hoàn thành tốt các môn học và hoạt động giáo dục tăng 15,5% so với cùng kỳ năm học trước.

Bên cạnh đó, trường còn vận động học sinh sử dụng các phế phẩm tái chế thành đồ dùng học tập như thẻ từ, tranh, ảnh, con vật quen thuộc… nhằm phục vụ cho việc học hàng ngày đồng thời tuyên truyền cho người thân trong gia đình biết bảo vệ môi trường xung quanh.

Trường còn thường xuyên khuyến khích, tuyên dương cá nhân cán bộ ia1o viên- nhân viên và học sinh biết trang bị, xử lý phân loại tốt chất thải từ túi ny lông khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần tại trường hoặc ở gia đình vào giờ sinh hoạt dưới cờ.

Thầy Phạm Quang Ngưỡng- Hiệu trưởng nhà trường- cho biết, thời gian tới, Trường Tiểu học Loan Mỹ B đẩy mạnh phát triển mô hình sử dụng túi ny lông, chất thải nhựa để làm đồ dùng dạy và học cho các đơn vị bạn trong huyện cùng giao lưu học tập nhân rộng điển hình, nhằm hạn chế tối đa tác hại từ rác thải khó phân hủy làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29 của BCH Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa- hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Vận dụng hiệu quả mô hình làm đồ dùng học tập từ vật phẩm tái chế, Trường Tiểu học Loan Mỹ B đạt giải nhì Hội thi báo công dâng Bác cấp huyện; giải nhất sáng tác tranh “Chào mừng kỷ niệm 105 năm ngày sinh Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng”; giải ba vẽ tranh “Chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày sinh Cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt”; 1 giải ba và 2 giải khuyến khích hội thi đồ dùng dạy học cấp huyện…

Bài, ảnh: YẾN- NGA