Khoảng 100.000 lao động nông thôn được qua đào tạo nghề

Cập nhật, 14:55, Thứ Năm, 08/10/2020 (GMT+7)

Tổng hợp các giai đoạn trong 10 năm triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020” theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 1956), toàn tỉnh đến nay đã tổ chức đào tạo cho khoảng 100.000 LĐNT.

Niềm vui ngày lễ bế giảng và nhận chứng chỉ sơ cấp nghề xây dựng dân dụng của người lao động nông thôn ở xã Tân Mỹ.
Niềm vui ngày lễ bế giảng và nhận chứng chỉ sơ cấp nghề xây dựng dân dụng của người lao động nông thôn ở xã Tân Mỹ.

Cụ thể trong 6 năm (2010- 2015), tỉnh đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 67.495 LĐNT; trong đó 54.656 LĐNT sau đào tạo nghề đã có việc làm (chiếm 80,98%). Trong 3 năm kế tiếp, số LĐNT được đào tạo nghề và có việc làm lần lượt là 22.727 người và 19.825 người (chiếm 87,23%).

Các năm 2019-2020, chỉ tiêu đào tạo nghề cho LĐNT toàn tỉnh lần lượt 6.500 người và 7.000 người. Tỷ trọng đào tạo ngành nghề phi nông nghiệp nhiều hơn các nghề nông nghiệp.

Ở mỗi giai đoạn, đã có hàng trăm lớp đào tạo nghề tại các xã điểm nông thôn mới cho hàng ngàn người LĐNT nhằm phục vụ công tác xây dựng nông thôn mới.

Gần 50 ngành nghề ở lĩnh vực phi nông nghiệp như xây dựng dân dụng, cắt gọt kim loại, cơ khí, sửa xe gắn máy, trang điểm thẩm mỹ, điện tử và các nghề nông nghiệp như trồng nấm bào ngư, kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật nông nghiệp... được các ngành chức năng tổ chức đào tạo cho LĐNT các giai đoạn trên.

Hiệu quả của công tác đào tạo nghề cho LĐNT gắn kết chặt chẽ với 4 nhóm mục tiêu trong triển khai thực hiện đề án này, gồm: đào tạo nghề theo nhu cầu của người học gắn với giải quyết việc làm, nâng thu nhập của LĐNT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo nguồn tham gia xuất khẩu lao động, đóng góp xây dựng nông thôn mới...

Tin, ảnh: MINH THÁI