Người làm công nhật "mùa COVID"

Cập nhật, 05:52, Thứ Bảy, 04/04/2020 (GMT+7)

Đại dịch COVID- 19 đã phủ “bóng đen u ám” lên toàn cầu, không còn là nỗi lo của một đất nước, một khu vực, ngành nghề nào cả. Những ông chủ lớn có những khó khăn lớn, những người làm thuê có những khó khăn riêng. Đặc biệt, những người “làm đồng nào, xào đồng đó”, thì chỉ một ngày tay ngưng làm, thì không có chi để mà “hàm nhai”.

Anh Lê Văn Phúc đang làm việc tại công trình.
Anh Lê Văn Phúc đang làm việc tại công trình.

Anh Lê Văn Phúc (42 tuổi, xã Long Phước- Long Hồ) đã có thâm niên hơn 20 năm “cầm bay”, kể từ những ngày đầu chạy theo các công trình lớn nhỏ phụ hồ, khuân vác xi măng, gạch đá.

Giờ anh đã là thợ chính thỉnh thoảng vẫn có thể ra nhận riêng những công trình nho nhỏ, vì anh em trong gia đình anh đã có 6 người theo nghề này. Tuy nhiên, anh Phúc vẫn thích “đời thợ” hơn vì cứ mỗi ngày cầm bay anh bỏ túi 300.000đ, không phải nặng đầu tính toán lời lỗ.

Hơn 2 tháng nay, 3 đứa con gái đều nghỉ học ở nhà, anh Phúc lại kéo vợ theo làm cùng cũng có thêm 220.000 đ/ngày. Đây là thu nhập khá ở nông thôn.

Anh Phúc thường “chạy sô” hỗ trợ qua lại cho anh em thân quen để chạy tiến độ công trình, nên thường làm thêm cả ngày chủ nhật. Anh than, từ sau tết là làm không kịp thở, dù thu nhập ổn định nhưng không có thời gian nghỉ ngơi thì đuối thật.

Khi bắt đầu dịch COVID- 19 xảy ra, cho đến khi bước vào giai đoạn quyết liệt thì các công trình trước sau đều tạm ngưng lại, gia đình anh Phúc lại đối mặt với khó khăn khác, đó là chuyện “cơm, áo, gạo, tiền”.

Anh Phúc chia sẻ: “Mấy ngày đầu ở nhà xả hơi cũng vui, có thời gian tưới cây, sạ lúa, nói chuyện với mấy đứa con. Nhưng ngồi nhà lâu bắt đầu thấy khó chịu trong mình trong mẩy.

Nhưng giờ thì giãn cách toàn xã hội không tới lui tụ tập anh em cà phê sáng chiều, rồi không biết cái cảnh này kéo dài bao nhiêu lâu nữa, trước mắt đã thấy mệt rồi à. Nhà có mấy công ruộng, đói thì không đói rồi đó, nhưng tiền chi tiêu, chợ búa thì chưa biết tính sao đây!”.

 Ông Trần Văn Hai tuy 73 tuổi vẫn đi làm phụ hồ.
Ông Trần Văn Hai tuy 73 tuổi vẫn đi làm phụ hồ.

Trong cái nghề hồ này, đối diện hàng ngày với nắng mưa, bụi bặm, rồi cần phải có sức khỏe, sức chịu đựng dẻo dai; ngay những lúc được nghỉ ngơi vào buổi trưa cũng chỉ là kiếm chỗ nằm vật vạ đâu đó để làm tiếp ca chiều.

Cho nên, lần đầu tiên thấy một phụ hồ quá cao tuổi, thiệt không ai tránh khỏi chút lo lắng, xót xa. Ông Trần Văn Hai (xã Phước Hậu- Long Hồ) ở tuổi 73 mà còn ngày ngày khiêng gạch, vác hồ đưa lên giàn giáo, quả là quá sức.

Mỗi ngày ông được trả 220.000đ, 2 vợ chồng già sống được, nhưng nếu ngưng lại thì coi như không có tiền chi tiêu thiết yếu hàng ngày.

Những lúc nghỉ ngơi, ông Hai tâm sự: “Vợ chồng tui có 7 đứa con, 3 trai, 4 gái; dựng vợ gả chồng giờ dâu, rể cả thảy 14 đứa, nhưng đều… nhà ai nấy ở. Mấy chục công ruộng tui chia làm 8 phần đều nhau, 1 phần cho vợ chồng già coi như hương hỏa.

Vậy mà vợ chồng thằng Út ở chung giận hờn rồi tụi nó cũng ra riêng luôn. Buồn quá, tui đi theo thằng cháu làm hồ cũng là kiếm thêm thu nhập, để không phải thỉnh thoảng hỏi tiền đứa này, đứa kia, phiền phức”.

Cái tự trọng của người già, giờ làm khổ thân ông. Bắt đầu từ ngày 28/3 cũng vừa xong công trình và cũng tạm ngưng công việc xây dựng, ông Hai cũng không phải nhọc nhằn theo công trình nữa, nhưng chắc chắn là sẽ thêm nhiều khó khăn khi không còn khoản thu nhập nào nữa.

Nhiều người thợ khác như anh Hùng, anh Dũng, anh Tám, chị Mai… mỗi người một hoàn cảnh, nhưng họ đều có chung một khó khăn đó là nỗi lo toan cho những tháng ngày trước mặt, khi mà mọi chi phí gia đình đều trông chờ khoản tiền lương thợ hồ vào mỗi chiều thứ bảy, có bao nhiêu chi xài hết bấy nhiêu có dư được đồng nào đâu. Giờ ngưng việc không hạn định quả là gánh nặng và những khó khăn chưa có… đường ra.

Buổi chiều, trong ngày cuối cùng tạm thời ngừng đi làm, mọi người nhận lương mà không còn rôm rả, nói cười như mọi khi, họ im lặng và trong mắt mỗi người như trĩu nặng nỗi niềm riêng.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG