Mô hình xã hội hóa thư viện phục vụ cộng đồng

Cập nhật, 16:14, Chủ Nhật, 13/10/2019 (GMT+7)

Tại Vĩnh Long, ngoài các thư viện thuộc hệ thống công lập phục vụ cho văn hóa đọc trong cộng đồng, phong trào đọc sách, báo còn nhận được sự chung sức từ nhiều thành phần, bằng hình thức xã hội hóa.

Thư viện tư nhân Tứ Hưng phục vụ bạn đọc.Ảnh: Thư viện tỉnh Vĩnh Long
Thư viện tư nhân Tứ Hưng phục vụ bạn đọc.Ảnh: Thư viện tỉnh Vĩnh Long

Với niềm đam mê sách, báo cùng tâm huyết mang tri thức đến với mọi người, góp phần phát triển xã hội, gia đình ông Huỳnh Tấn Hưng (Tư Hưng) đã thành lập thư viện tư nhân với tên gọi “Thư viện Tứ Hưng” tại Ấp 8 (xã Mỹ Lộc- Tam Bình).

Là người có tư duy sâu rộng, dám nghĩ, dám làm, ông Tư Hưng không chỉ đầu tư kiến thức thành tài sản vô giá làm hành trang cho các con, mà còn là một tấm gương trong xây dựng và phát triển văn hóa đọc của cộng đồng bằng mô hình thư viện tư nhân trên tinh thần xã hội hóa, tạo sức lan tỏa cần được nhân rộng.

Xã hội hóa từ cộng đồng

Xuất phát bằng niềm đam mê, cùng suy nghĩ thu gom sách, báo từ nhiều nguồn tập trung tại nhà nhằm giúp nhiều đối tượng cùng địa bàn có điều kiện tham khảo luôn là tâm huyết của ông Tư Hưng và gia đình.

Tháng 6/1998, tủ sách gia đình ông Tư Hưng chính thức hoạt động phục vụ bạn đọc từ sự hỗ trợ của các cá nhân và tổ chức. Năm 1998, một cán bộ nhân chuyến về Mỹ Lộc công tác, biết được ông Tư Hưng đam mê đọc sách, nên khi kết thúc nhiệm vụ người cán bộ này đã gửi tặng ông 30 quyển sách.

Cùng với đó là Phòng Tư pháp huyện Tam Bình hỗ trợ sách pháp luật để thành lập điểm đọc sách gia đình. Tháng 9/2003, Quỹ bình đẳng giới Thụy Điển và Đan Mạch tài trợ 1 tủ, 86 bản sách và hơn 600 tờ bướm nông nghiệp. Năm 2005, Thư viện tỉnh Vĩnh Long tặng 300 bản sách, đồng thời Phòng Tư pháp huyện Tam Bình hàng tháng gửi công báo, tạp chí của ngành Tư pháp; UBMTTQ, Hội Nông dân xã Mỹ Lộc hỗ trợ báo Đại Đoàn kết và báo Nông thôn Ngày nay;

Năm 2008, ông Tư Hưng được Thư viện tỉnh Vĩnh Long chọn tham gia cuộc thi tủ sách gia đình lần II, tổ chức tại TP Hồ Chí Minh và đạt giải đặc biệt. Tại buổi lễ trao giải, ông Tư Hưng được Nhà xuất bản (NXB) Văn nghệ, NXB Trẻ, ông Bùi Xuân Đức- Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh và Nhà thơ Ngàn Sơn tặng 220 bản sách.

Tháng 4/2008, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV7) đến nhà ông Tư Hưng xây dựng chương trình “Câu chuyện ước mơ”, đề cập đến mong ước có thật nhiều sách để phục vụ cho người dân và học sinh trong ấp. Thông qua chương trình này, Nhà sách Thương Huyền tặng 480 bản sách thiếu nhi. HTV7 tặng 500 tạp chí, Công ty TNHH TM và Sản xuất Thép Việt và Thép Pomina tài trợ 20 triệu đồng cải tạo lại điểm đọc sách.

Năm 2016, bà Quỳnh Anh (TP Hồ Chí Minh) tặng 450 bản sách; năm 2017, bà Hồng Thủy (TP Hồ Chí Minh) tặng 380 bản sách; năm 2018, NXB Thông tin và Truyền Thông (TP Hà Nội) tặng 100 bản sách lịch sử; năm 2018, ông Trần Thiện Thông (TP Hồ Chí Minh) tặng 150 bản sách; Báo Tuổi trẻ tặng 15 triệu đồng mua tủ để sách; bà Kim Thúy (Trà Vinh) tặng 300 bản sách thiếu nhi.

Đến thời điểm hiện tại (5/2019), thư viện có trên 8.942 bản sách với nhiều chủ đề cơ bản đáp ứng nhu cầu bạn đọc.

Tâm huyết vì cộng đồng

Sinh ra trong gia đình nông dân ở Ấp 8, thời đi học ông Tư Hưng rất quý sách, báo. Sau khi lập gia đình, gắn bó với nghề nông, ông vẫn đam mê và quan niệm rằng “Có sách là có tri thức”, vì ở vùng nông thôn chỉ có sách, báo mới mang kiến thức cho nông dân vận dụng các mô hình, cách làm hay phục vụ trong các hoạt động của đời sống hiệu quả nhất.

Điểm đọc sách được ông Tư Hưng đầu tư xây dựng thuộc phần đất của gia đình, với tổng diện tích 64m2; thiết bị bên trong gồm 7 kệ sách và 36 ghế phục vụ bạn đọc do các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh tài trợ. Với vốn sách ban đầu khoảng 2.800 bản sách.

Trên cơ sở đáp ứng các tiêu chuẩn về không gian, thiết bị hỗ trợ và nguồn tài liệu, ngày 10/8/2009, Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Tam Bình cấp giấy phép hoạt động với tên gọi là Thư viện tư nhân Tứ Hưng. Thư viện có con dấu đúng theo quy định pháp luật, có bảng tên và nội quy thư viện. Về nghiệp vụ, ông Tư Hưng đã tham gia nhiều lớp tập huấn về nghiệp vụ.

Thư viện luôn mở cửa 7 ngày trong tuần, phục vụ miễn phí cho bạn đọc trong và ngoài khu vực với nhiều thể loại sách báo góp phần khơi nguồn đam mê đọc sách trong cộng đồng, nâng cao trình độ dân trí, đồng thời giúp nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bổ trợ kiến thức trong học tập cho học sinh, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các cán bộ ấp, nâng cao kỹ năng hoạt động cho lực lượng tham gia phong trào đoàn thể, những bà nội trợ có thể chế biến thêm những món ăn ngon cho gia đình, các mẹ có thêm kiến thức nuôi dạy con,…

Ngoài ra, Thư viện tư nhân Tứ Hưng còn là địa điểm tổ chức hội họp của ấp và tổ nhân dân tự quản, giao lưu văn nghệ; qua đó tạo nên tính gắn kết cộng đồng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở Ấp 8 và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại xã Mỹ Lộc.

Với tinh thần chung sức phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, từ đó thư viện đã được các tờ báo trong và ngoài tỉnh đăng nhiều tin bài cũng như thực hiện nhiều phóng sự giới thiệu về “Thư viện Nông dân”, “Thư viện Hai Lúa” của ông Huỳnh Tấn Hưng.

Với tâm huyết vì cộng đồng, cùng sự hỗ trợ quảng bá rộng rãi bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng từ các đơn vị, thư viện được nhiều bạn đọc khắp nơi quan tâm, tạo nên sự lan tỏa mạnh trong cộng đồng; một ngày thư viện có trên 10 lượt bạn đọc đến tìm đọc và mượn sách, báo; bình quân số lượng cả năm có trên 4.000 lượt bạn đọc.

Hơn 20 năm qua, ông Huỳnh Tấn Hưng là người tiên phong trong hoạt động xã hội hóa của ngành thư viện Vĩnh Long, tạo sức lan tỏa khắp các khu vực khác; là một mô hình tiêu biểu cho sự nghiệp phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Với sự góp sức của Thư viện tư nhân Tứ Hưng, chắc chắn sẽ cùng hệ thống thư viện công cộng của tỉnh Vĩnh Long duy trì và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Với những đóng góp tích cực nhằm nâng cao tri thức cho cộng đồng, nhiều năm liên tục (2013-2017), Thư viện tư nhân Tứ Hưng được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long tặng giấy khen là đơn vị xuất sắc trong công tác thư viện, góp phần vào sự phát triển hệ thống thư viện của tỉnh nhà và duy trì thói quen đọc sách trong cộng đồng.

Đặc biệt, Thư viện tư nhân Tứ Hưng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng bằng khen về thành tích xuất sắc, có nhiều đóng góp trong việc phục vụ văn hóa đọc tại cộng đồng, giai đoạn 2011- 2013; UBND tỉnh Vĩnh Long tặng bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác thư viện góp phần vào sự phát triển hệ thống thư viện công cộng tỉnh Vĩnh Long năm 2014”; năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng bằng khen thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng.

 

HỒ MINH